Mẹ Hà Nội và loạt bí kíp luyện ngủ thành công cho con, giúp mẹ từ "nát không khác gì giẻ lau" đến thoải mái gác chân bố xem phim mỗi tối
Từ khoảng hơn 2 tháng, Tin Tin đã ngủ từ 6-7h tối, nhờ vậy chị Ngọc có rất nhiều thời gian cho bản thân mình và tận hưởng cuộc sống thay vì áp lực khi chăm con.
Một trong những điều tiếc nuối nhất của các bà mẹ khi nhìn lại hành trình làm "bỉm sữa" của mình, đó là không kiên trì luyện con theo cách sinh hoạt khoa học để mình được thảnh thơi hơn. Chị Hoàng Ngọc (hiện đang sống ở Hà Nội) không muốn phải có những điều tiếc nuối đó. Thế nên chị đã quyết định ở nhà chăm con, tìm hiểu và cố gắng chỉn chu trong mọi vấn đề liên quan đến ăn, ngủ, sinh hoạt của con. Không phụ lòng mẹ, bé Tin (hiện 13 tháng tuổi) có nếp ăn, ngủ rất tốt. Đặc biệt bé được mẹ luyện ngủ và chỉ hơn 2 tháng là đã lên giường đi ngủ giấc đêm từ 7h tối.
Bé Tin Tin được mẹ luyện ăn, ngủ theo phương pháp khoa học nên rất chủ động, độc lập.
Chị Hoàng Ngọc chia sẻ: "Thời điểm mới sinh, con chưa biết tự ngủ, phải bế ẵm trên tay rạc cả người, lại còn bị lẫn lộn ngày đêm nên toàn ngủ ngày cày đêm, mẹ kiệt sức và nát không khác gì cái giẻ lau. Con thì không được đáp ứng tốt nhu cầu ăn và ngủ nên lúc nào cũng cáu kỉnh khóc lóc. Vì lúc mới sinh mình chưa biết đến nếp sinh hoạt Easy, cũng nghĩ như các mẹ là nuôi con thuận tự nhiên đói lúc nào nhét ti và bình lúc đấy, đòi ngủ lúc nào cho ngủ lúc đấy, nhưng hoá ra là mình chẳng biết gì về nhu cầu ăn ngủ thực sự của con cả. Thời điểm kiệt quệ đó mình tình cờ biết đến Easy như cái phao cứu sinh, mình đọc ngấu nghiến các quyển sách về nuôi con. Và bắt tay vào việc rèn nếp sinh hoạt cho con, bao gồm luyện ngủ".
Đầu tiên, chị Ngọc xác định lại, tật ngủ ngày cày đêm của con trai xuất phát từ sai lầm của gia đình mình. 3 đêm trong viện lúc nào phòng cũng sáng đèn, nên khi xuất viện về nhà gần nửa tháng trời nhà chị vẫn để đèn sáng trưng 24/24 y như thế. Tin Tin bị lẫn lộn ngày đêm chính vì lý do đó. Để sửa sai, chị nhắn chồng mua một chiếc đèn bàn bóng vàng nhỏ để bật mỗi đêm thức dậy pha sữa, ban ngày khi con thức thì cho chơi ngoài sáng còn khi ngủ thì vào phòng tối; cứ đúng 6h tối mỗi ngày sẽ thực hiện quy trình cho Tin Tin lên giường đi ngủ và tắt điện tối hoàn toàn.
Bé Tin được mẹ luyện ngủ theo phương pháp 5S: Quấn con gọn gàng, bật tiếng ồn trắng, để phòng thật tối và mát, đung đưa vỗ về trấn an, đặt nằm nghiêng và cho con ti giả (nếu bé hợp tác ti giả).
Quy trình đi ngủ được chị Ngọc áp dụng là phương pháp 5S của bác sĩ nhi khoa Harvey Karp (có kết hợp với phương pháp 4S theo chuyên gia về giấc ngủ trẻ thơ Tracy Hogg). Chị Ngọc chia sẻ: "Mình áp dụng trọn bộ 5S là tạo cho con trình tự ngủ và môi trường ngủ bao gồm các yếu tố: Quấn con gọn gàng, bật tiếng ồn trắng, để phòng thật tối và mát, đung đưa vỗ về trấn an, đặt nằm nghiêng và cho con ti giả (nếu bé hợp tác ti giả). Nhờ có 5S mà mình cho Tin vào giấc ngủ rất nhẹ nhàng, không cần phải ti mẹ mới ngủ, cũng không cần phải bế ngủ trên tay rồi rón ra rón rén tìm cách đặt xuống, căng thẳng như phá bom".
Song song với đó, ban ngày chị Ngọc vẫn kiên trì điều chỉnh sinh hoạt cho con, tuân theo nếp sinh hoạt Easy: "Với Easy, việc ăn và ngủ của con sẽ được tách biệt hoàn toàn bởi một khoảng thời gian dành cho các hoạt động khác, nhằm đảm bảo cho con ăn đủ no và ngủ đủ giấc, không rơi vào trạng thái bú vặt ngủ vặt. Mình bắt đầu luyện ngủ Easy 3 (dành cho bé sơ sinh từ 2.7kg trở lên, nếp sinh hoạt này sẽ kéo dài đến khoảng tuần thứ 6, có bé muộn thì đến tuần thứ 10 mới đổi nếp sinh hoạt mới). Có nghĩa là bé ăn theo cữ 3h một lần (mỗi lần ti kéo dài 15 - 40 phút), ngày ngủ 4 giấc mỗi giấc 1.5 – 2 tiếng (không nên cho bé ngủ quá 2 tiếng mỗi giấc, dễ khiến giấc ngày lấn sang giấc đêm làm buổi đêm con khó ngủ). Đêm ngủ 10 - 12 tiếng".
Khi đã được ăn đủ, ngủ đủ thì giờ chơi bé sẽ rất ngoan và hợp tác với mẹ.
Sau khi được mẹ áp dụng nếp sinh hoạt Easy và trình tự đi ngủ 5S cho tất cả các giấc ngủ ngày/đêm, bé Tin Tin rất nhanh chóng đã đi vào nề nếp và có thể tự ngủ được. Sau khoảng 1 tháng, không hề trải qua giai đoạn khủng hoảng, khóc chống đối nào, bé Tin Tin đã có lịch sinh hoạt chuẩn, bắt đầu giấc ngủ từ 6h tối. "Tầm 2 tháng trở ra là cứ 6, 7 giờ tối chàng ta lên giường như gà lên chuồng. Bố mẹ rảnh rang cày hết 80 tập phim bộ không sót tập nào", chị Ngọc chia sẻ vui về thành quả mình đạt được.
Chị cũng chia sẻ lý do không áp dụng các phương pháp luyện ngủ quyết liệt hơn: "Các phương pháp khác như Pick Up Put Down (PUPD), Cry It Out With/Without Check mình loại ngay từ đầu vì đều không phù hợp với con, có khả năng gây căng thẳng ảnh hưởng thần kinh cho con và thậm chí là gây 'chiến tranh' trong nội bộ gia đình. Trộm vía là sự kết hợp giữa 5S và lịch sinh hoạt Easy phù hợp theo từng giai đoạn đã giúp Tin có nếp ngủ rất tốt. Nhiều khi mẹ mới chỉ quấn con đặt xuống giường và bật white noise, chưa cả chỉnh nhiệt độ phòng mát hay bế vỗ trấn an gì cả, con đã lăn ra ngủ rồi".
Chuẩn bị cho con một nền tảng tự lập từ khi còn nhỏ, chị Ngọc có rất nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống riêng của mình.
Ở mỗi một giai đoạn phát triển mới mà dân gian hay gọi là "thay đốt", nếp sinh hoạt cũ của Tin Tin lại gặp trục trặc biểu hiện rõ nét qua việc ngủ không ngon, ăn uống nhởn nhơ. Nhờ quan sát kĩ và phan tích chính xác dấu hiệu muốn đổi nếp của con, mẹ có thể nhanh chóng điều chỉnh lịch sinh hoạt và đồng hành cùng con qua một nếp sinh hoạt mới. Những khi ấy, chị Ngọc bình tĩnh phân tích vấn đề, điều chỉnh lịch sinh hoạt thích hợp, cùng con ổn định chỉ mất 2-3 ngày. Tin chuyển lên Easy 4 khi được hơn 9 tuần tuổi, lên Easy 2-3-4 khi được gần 19 tuần tuổi và Easy 5-6 khi được 11 tháng tuổi. Số lượng giấc ngủ ngày cắt dần từ 4 giấc xuống còn 3, còn 2 và hiện tại chỉ còn 1 giấc ngủ trưa. Bé tự cắt ăn đêm vì nhu cầu ăn no ngủ đủ đã được đáp ứng, tích trữ đủ năng lượng để ngủ đêm tốt hơn. Để con có thể tự cắt được như vậy là kết quả khi rèn nếp sinh hoạt phù hợp để con ăn đủ no và ngủ đủ giấc. Hiện bé vẫn ngủ xuyên đêm từ 8h tối hôm trước đến 7h30-7h sáng hôm sau vẫn đủ 11-12 tiếng/đêm mà không cần ti mẹ, nhờ vậy mẹ có rất nhiều thời gian cho bản thân, thoải mái, vui vẻ trên hành trình chăm con.