Mẹ Hà Nội "bắt bệnh" và chia sẻ bí quyết xử lý bé tự nhiên biếng ăn
Không phải lúc nào bé cũng ăn dặm ngon miệng. Có những giai đoạn con tự nhiên biếng ăn, khi đó mẹ phải biết cách xử lý.
Chị Tạ Hồng Vân (Hà Nội) hay còn được các mẹ gọi với cái tên thân thương: “Mẹ Sắn”. Con trai chị Hồng Vân (bé Sắn) được mẹ cho ăn dặm từ khi bé được sáu tháng tuổi. Bé được tập ăn dặm kết hợp ba phương pháp: Ăn dặm truyền thống, Ăn dặm kiểu Nhật và Ăn dặm tự chỉ huy (BLW). Mẹ trẻ phân chia các giai đoạn ăn dặm của con như sau:
+ 6-7 tháng: Bắt đầu Ăn dặm kiểu Nhật (Cháo nghiền nhuyễn và ăn riêng từng món để nhận biết mùi vị).
+ 7-8 tháng: Tập ăn BLW kết hợp cháo truyền thống ( Lúc này cháo được nấu đặc hơn, lợn cợn hơn so với giai đoạn trước).
+ 8-9 tháng: Tiếp tục ăn BLW kết hợp ăn cơm nát (Tỉ lệ: 1 gạo - 3 nước; mềm hơn cơm của người lớn một xíu).
+ Từ 10 tháng trở đi: Bé ăn BLW hoàn toàn và qua 1 tuổi đã ăn cơm hạt và đã dùng thìa - nĩa thành thạo.
Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật chị Hồng Vân nấu cho con giai đoạn bé mới bắt đầu ăn dặm.
Mẹ trẻ chia sẻ: "Ngay từ khi con bắt đầu ăn dặm mình đã rèn luyện kỉ luật bàn ăn cho bé. Đó là không bao giờ đi rong ăn, xem tivi hay điện thoại khi ăn. Mình cho con ngồi vào ghế ăn, ăn trong 30 phút, ăn đúng giờ. Quan trọng là mình thiết lập cho con có lịch sinh hoạt ăn - ngủ - chơi rõ ràng. Chính vì thế, bé được ngủ đủ giấc, chơi đủ mệt để tiết năng lượng, do đó con sẽ ăn tốt hơn.
Mình cho con ngồi trên ghế ăn, được thắt dây an toàn. Lúc mới tập ăn dặm, con chưa ngồi vững, mình lót thêm khăn hoặc gối cho con ngồi lên. Việc này giúp con không bị mỏi tay khi với đồ ăn và giữ lưng thẳng hơn. Ngoài ra mình còn đeo yếm cho con để giữ vệ sinh quần áo, rửa sạch sẽ mặt mũi tay chân trước và sau khi ăn. Khi con có biểu hiện từ chối món ăn, mình không bao giờ ép bé…".
Thực đơn ăn dặm đa dạng, bổ dưỡng
Mới đây mẹ trẻ có chia sẻ loạt hình ảnh về các bữa ăn dặm của bé nhà mình và nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. Theo chị Hồng Vân, các bữa ăn dặm của trẻ cần cân bằng 4 nhóm chất:
+ Tinh bột: Cơm, khoai, bí đỏ, yến mạch,…
+ Béo: Bơ, dầu ăn, phomai,…
+ Đạm: Thịt, cá, trứng
+ Vitamin và khoáng chất: Rau củ, hoa quả,…
"Mình hay mua đồ khô, gia vị, các loại hạt,… ở các shop bán đồ ăn dặm uy tín. Rau củ, thịt cá, đồ tươi sống,… thì lựa chọn loại có nguồn gốc an toàn. Mình mua ở siêu thị hoặc ở hàng chợ uy tín, quen biết. Có vài loại rau cải mình tự trồng cho con ăn ngoài ban công. Công thức nấu đồ ăn dặm cho con mình thường tham khảo ở các hội nhóm trên mạng xã hội, một số group về ăn dặm. Một số món đơn giản mình tự nghĩ hoặc nhà có gì ăn nấy. Khi nấu đồ ăn dặm cho trẻ mọi người cần lưu ý làm mềm hơn người lớn và không sử dụng gia vị.
Khi bé bắt đầu ăn dặm, mình không cho con ăn bột gạo hay các loại bột pha sẵn mà cho con ăn cháo luôn. Cháo tỉ lệ 1:10, tức là 1 gạo : 10 nước. Và ở tháng đầu tiên này, hệ tiêu hoá của con còn quá non nớt nên mình không cho con ăn thịt cá, chỉ ưu tiên đồ rau củ luộc - hấp vì hệ tiêu hóa của con chưa hoàn thiện, nạp đạm sớm rất dễ bị tiêu chảy hoặc táo bón, có thể lâu dần con sẽ chán ăn và dẫn đến biếng ăn. Mình làm nước Dashi từ các loại rau củ để làm nước dùng, tạo vị ngọt cho cháo, nên không cần nước hầm xương"- chị Hồng Vân cho hay.
Một số món cháo chị Hồng Vân chế biến cho con giai đoạn bé khoảng 7 tháng.
"Bắt bệnh" tự nhiên biếng ăn của trẻ
Mẹ trẻ cho hay: "Nếu con của mọi người đang ăn dặm rất tốt mà tự nhiên 1 ngày thấy chán ăn, bỏ ăn, thổi phì phì hoặc ngậm không nuốt thì có 2 khả năng:
Một là con đang đau lợi, mọc răng không ăn được. Thông thường trường hợp này sẽ mất vài ngày, cả tuần thậm chí 10 -15 ngày. Con mình đã mọc 6 chiếc răng, nên mình biết cứ đến giai đoạn ấy là con y như rằng biếng ăn.
Lúc này thì các mẹ nên bình tĩnh thôi, con không muốn ăn thì dẹp, đừng ép con ăn, sẽ gây ra tác dụng ngược đó là: Biếng ăn tâm lý, nên con ăn không hấp thu được, khiến con bị còi,…Và còn rất nhiều tác hại khác khi ép con ăn.
Thời gian này, mẹ hãy cho con uống sữa, ăn đồ mềm, ăn bánh xốp ăn dặm của trẻ em, mua gặm nướu cho con gặm để đỡ đau lợi và cho con thời gian nghỉ vài hôm, sau đợt này con sẽ ăn lại thôi.
Giai đoạn bé ăn cơm nát (khoảng 9 tháng), mẹ trẻ đổi món mới hàng ngày để con ăn ngon miệng hơn.
Trường hợp thứ 2, cái này quan trọng hơn, đó là con muốn tăng thô trong đồ ăn dặm. Thông thường chỉ sau 1-2 tháng ăn dặm đồ nhuyễn mịn, sang tháng thứ 2-3 là các con đều muốn tăng thô lên đồ ăn đặc và lợn cợn rồi. Nếu mẹ không biết điều này, thì rất khó để tập cho con ăn cơm cùng gia đình sau 1 tuổi. Vì mẹ đã vô tình không biết, nên bỏ qua giai đoạn ấy mất rồi.
Hồi gần 8 tháng con mình ăn toàn bỏ dở cháo, bữa nào ăn cũng phun phì hết ra. Lúc ấy là mình biết, mình cần phải cho con ăn cơm rồi, không thể ăn cháo mãi được nữa. Cái câu nói: "Ăn cơm chắc dạ" là mình thấy đúng đấy. Một bát cơm, no và dinh dưỡng hơn 1 bát cháo rất nhiều. Và bắt đầu chuyển sang ăn cơm, con mình hợp tác cực luôn, không thổi phì nữa. Ăn cơm sớm không hại dạ dày đâu nhé! Ăn dặm sớm mới hại dạ dày".
Xác định cho con ăn phương pháp BLW là phải thật kiên trì, dưới 1 tuổi sữa vẫn là chính nên đừng sợ con đói.