Mẹ chồng Nhật "hiếm có khó tìm" - 72 tuổi tự tay nấu cơm cữ hơn chục món, lái xe đường xa đến chăm con dâu Việt
Mỗi lần đến thăm, mẹ chồng lại tay xách nách mang nào hộp, nào túi cả hơn chục món ăn để con dâu tẩm bổ sau sinh.
Bữa cơm cữ gây choáng với hơn chục món của nàng dâu Việt được mẹ chồng Nhật vào bếp
Bày trên bàn ăn là đầy ắp những món ăn thịnh soạn, đẹp mắt của mẹ chồng chị Trần Thị Yến vừa nấu nướng và mang sang cho nàng dâu. Sắp xong bữa cơm cữ trên bàn ăn cho vợ và cả nhà, ông xã chị Yến lại mang những hộp đồ ăn còn lại trữ đầy tủ lạnh.
Từ khi đón bé đầu lòng đến khi có cô công chúa thứ hai đã hơn 1 tháng, nàng dâu Việt đã quen với những bữa cơm cữ đầy ắp, ngon miệng của mẹ chồng chuẩn bị cho mình.
Những món bác Sakata Reiko (72 tuổi, thành phố Saitama, Nhật Bản) nấu cho chị Yến vô cùng phong phú và cầu kỳ như: thịt gà kho trứng, khổ qua xào cá cơm, đậu bắp xào xúc xích, rau xào thập cẩm, cá kho kiểu Nhật, cá hồi nướng, trứng chiên kiểu Nhật,…
Nhắc đến những món ăn này, nàng dâu Việt xúc động: "Mỗi lần sang thăm con dâu, mẹ chồng mình vất vả chuẩn bị công phu thực phẩm từ cả ngày hôm trước. Đến tối, mẹ nấu những món mất nhiều thời gian chế biến như thịt gà kho trứng. 4h sáng hôm sau, bà lại thức dậy nấu hơn chục món khác rồi đựng cẩn thận vào từng chiếc hộp để kịp đón tàu mang sang cho con cháu".
Tự lái xe hơn 1 tiếng, bác thường có mặt ở nhà hai con vào lúc 9h sáng. Lúc này, bác Sakata ngay lập tức phụ nàng dâu bế cháu để chị Yến có thời gian cho các sinh hoạt cá nhân.
Mẹ chồng tâm lý bậc nhất, tôn trọng quan điểm nuôi con của nàng dâu
Ngoài việc muốn nàng dâu ăn nhiều chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi thật nhiều sau khi sinh thì mẹ chồng không hề yêu cầu chị phải làm gì, làm như thế nào khi chăm con.
"Mẹ mình là một người rất tâm lý và bà biết quan niệm sinh đẻ ở Nhật Bản và Việt Nam khác nhau nên không can thiệp nhiều. Hiện tại, mình có ít sữa nên mẹ chồng đặc biệt nấu xôi hạt dẻ để mình ăn. Xôi nếp gọi sữa về khiến mình khá bất ngờ khi thấy xuất hiện ở mâm cơm cữ. Đây là món khá quen thuộc với các mẹ bỉm sữa ở Việt Nam, còn lại người Nhật nói chung khác với người Việt là họ không kiêng cữ bất cứ đồ ăn gì sau sinh cả".
Sau sinh, chị Yến có thể thoải mái ăn mọi thứ theo sở thích, nhu cầu và để hồi phục sức khỏe. Bữa ăn của phụ nữ sau sinh ở đất nước này có thể có cả thịt bò tái, sushi, sashimi, mì lạnh, nước trà đá hay cà phê,…
"Về việc ăn gì để có nhiều sữa cho con thì hầu hết người Nhật không có để ý đến vấn đề này. Họ cho rằng, ăn nhiều dinh dưỡng là có nhiều sữa, hoặc như quan niệm của người lớn tuổi như mẹ chồng mình thì ăn xôi, tinh bột, củ konnhaku (tên 1 loại củ ở Nhật) sẽ lợi sữa", chị Yến bật mí thêm.
Không chỉ gây bất ngờ với những những món cơm cữ đầy ắp cho con dâu, qua lời kể của chị Yến mẹ chồng chị còn là người vô cùng tâm lý. Khi biết chị Yến có bầu bé thứ hai thì bác Sakata chủ động dẫn cháu về nhà mình chăm sóc để con dâu có thời gian nghỉ ngơi. Từ việc con dâu sinh nở, bà nội cũng để nhà ngoại quyết định ngày đặt lịch mổ.
"Mẹ rất tình cảm như lâu lâu sẽ nhắn tin hỏi thăm tình hình con dâu, những lúc thời tiết xấu thì sẽ dặn dò giữ gìn sức khỏe, chứ không có khó chịu vì sao con dâu không gọi điện hỏi thăm sức khỏe mình. Hoặc những lúc ngày nghỉ lễ tết về nhà mẹ chồng chơi ngủ lại, mẹ tranh hết việc, làm thật nhanh, thậm chí để con ngủ đến trưa để con không phải làm gì. Những lúc vợ chồng cãi nhau, dù chưa biết nguyên nhân thế nào mẹ chồng đều bênh con dâu trước, sau đó nếu biết lý do cả 2 vợ chồng đều không đúng thì mẹ cũng vẫn bênh vực con dâu", nàng dâu Việt hạnh phúc kể.