Mẹ bỉm thời 4.0 chăm sóc bản thân thế nào trong thời gian ở cữ?
Đây là giai đoạn quan trọng giúp mẹ hồi phục sức khỏe và làm quen với cuộc sống có thêm thành viên mới.
Ở cữ hay còn gọi là "sitting the month" trong Tiếng Anh được biết đến như một thông lệ chăm sóc phụ nữ sau sinh truyền thống thường kéo dài từ 30, 40 ngày đến 100 ngày tùy văn hóa.
Trong ba tháng đầu mẹ sẽ phải tập trung toàn bộ sức lực để phục hồi sức khỏe, học cách nuôi con bằng sữa mẹ và thích nghi với cơ thể sau sinh. Các mẹ cũng phải tuân thủ một vài quy tắc như không được ra ngoài, không ăn uống đồ lạnh, không tắm rửa, ăn mặc kín đáo...
Cuộc sống bây giờ đã thay đổi rất nhiều so với trước đây, nên việc ở cữ cũng cần phải thay đổi để phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Vân Anh (SN 1991, Hà Giang)
Bà mẹ 3 con có quan niệm ở cữ rất hiện đại, được gói gọn trong "4 không": Không kiêng tắm gội, không nằm ì một chỗ, ăn uống không kiêng khem và không ăn đồ giàu chất béo.
- Không kiêng tắm: Ngày thứ 2 khi bắt đầu tập đi sau sinh mổ là Vân Anh đã vệ sinh cơ thể và gội đầu. Trước đây, nhiều sản phụ kiêng không tắm gội sau sinh, thậm chí có nhiều người còn kiêng 1 tháng - 3 tháng không để cơ thể tiếp xúc với nước. Theo bà mẹ trẻ Hà Giang, đó là 1 quan niệm sai lầm. "Mình không kiêng tắm gội bởi vì khi sinh con, sản dịch cũng như mồ hôi tiết ra rất nhiều.
Đây là môi trường thuận lợi cho biết bao loại vi khuẩn phát triển, bên cạnh đó là mùi cơ thể. Sạch sẽ mới giúp chúng ta nhanh hồi phục hơn" - Vân Anh cho biết. Tuy nhiên khi tắm gội, mẹ trẻ sử dụng nước ấm, tắm trong phòng kín và không để vết mổ bị đọng nước. Bởi nếu vết thương sinh mổ bị nhiễm nước sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng, rất khó lành.
- Không nằm ì một chỗ: Do đặc thù của công việc, Vân Anh hầu như ngày nào cũng tập gym và tập luyện đến sát ngày sinh con. Dù chưa quay lại chế độ luyện tập như lúc trước sinh, nhưng Vân Anh cũng không kiêng vận động mỗi ngày.
Bà mẹ 3 con chia sẻ: "Ở cữ với mình khác lắm. Mình vẫn làm các công việc phù hợp với sức khỏe của bản thân. Ví dụ như làm công việc nhà (nấu cơm, giặt giũ…). 1 phần do mình ở riêng, chỉ có 2 vợ chồng và 3 con, nhà cũng nhiều công việc, thêm nữa là có hoạt động thì mới nhanh khoẻ. Chị em sau sinh không nên nằm 1 chỗ. Như thế vết thương vừa lâu lành, người lại mệt mỏi".
Vân Anh và con thứ 3 của mình.
- Không ăn quá kiêng khem: Vân Anh cho rằng cứ ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, ăn chín uống sôi là mẹ đủ sữa nuôi con: "Sự khác biệt hoàn toàn của chế độ ăn truyền thống sau sinh và của mình, đó là 1 bên được khuyên ăn thật nhiều cơm và 1 ít thịt lợn rang nghệ hoặc trứng luộc, rau ngót nấu thịt… Chị em ăn triền miên vài tháng. Còn mình lại hoàn toàn ngược lại: chỉ 1 bát cơm nhỏ và nhiều thịt (nạc, không ăn mỡ và bỏ da), cá, tôm... luân phiên thay đổi cùng rau xanh và hoa quả theo sở thích".
Các nguồn dinh dưỡng đến từ nhiều nguồn protein khác nhau như: Các loại thịt, tôm, cá... chứ không phải chỉ món thịt lợn. Trẻ sơ sinh không giống như người trưởng thành - đã có khoảng thời gian ăn đủ mọi thứ trước đó nên việc kén ăn, chỉ ăn 1 loại duy nhất của mẹ trong thời gian ở cữ có thể khiến trẻ dễ bị đi ngoài khi mẹ ăn bình thường trở lại. Ngoài ra còn có thể gây kén ăn sau này cho con.
- Không ăn đồ nhiều chất béo: Dù ăn đa dạng các loại thực phẩm nhưng Vân Anh lại kiêng không ăn thực phẩm giàu chất béo, đặc biệt là món móng giò - món ăn được nhiều mẹ truyền tai nhau là sẽ giúp sản phụ nhiều sữa.
"Cái món ăn mình loại bỏ đầu tiên sau sinh chính là móng giò hầm hoặc nấu cháo, luộc... Đây là món ăn gây ngộ nhận nhiều sữa lâu đời nhất được truyền từ bà sang mẹ, mẹ sang con đến cháu chắt... Trong móng giò tuy giàu protein nhưng cũng cực nhiều chất béo. Nếu mẹ ăn thường xuyên còn dễ gây tắc tuyến sữa và là một trong những nguyên nhân chính làm mẹ tăng rất nhiều mỡ sau sinh", bà mẹ 3 con nhận định.
Ái Tiên (30 tuổi, sống tại TP HCM)
Thời gian sau sinh là lúc các mẹ rất dễ rơi vào trầm cảm. Giai đoạn này thật sự phải có sự nỗ lực từ bản thân người mẹ, gia đình, đặc biệt là chồng. Dưới đây là 3 điều Ái Tiên đã làm để giữ cho mình tinh thần tốt nhất để chăm con: Giao lưu với các mẹ bỉm, học cách chăm con khoa học.
- Tự trang bị kiến thức khoa học chăm con: Rào cản luôn rất nhiều khi đi ngược với số đông. Tư tưởng nuôi con khoa học thật sự vẫn chưa được chuộng ở thời đại này. Nhiều mẹ vẫn giữ tư tưởng nuôi con của ngày xưa, nuôi con phải mập, nuôi con phải ép con bú, ép con ăn, nếu biếng ăn thì lại tìm đủ thứ thuốc bổ sung bắt con uống thay vì nhìn lại phương pháp cho con ăn (trong khi con biếng ăn thường là do mẹ sai cách), cứ phải ép con đủ thứ thay vì hiểu và tôn trọng nó. Rồi vô tình tự áp lực bản thân, vừa khổ con vừa khổ mình.
"Mình luôn bị người thân chỉ trích vì Minnie nhìn không mập, nhưng chẳng ai quan tâm là ngoài không mập ra thì Minnie rất cao, rất khoẻ mạnh, rất thông minh, ngoan ngoãn, nói sớm, hiểu biết sớm, biết gọi tên cảm xúc, trí não và vận động đều phát triển tối ưu và sớm hơn so với tháng tuổi của con…", Ái Tiên nhận định.
Ái Tiên và con gái.
- Kết nối với các mẹ bỉm khác: "Thời đại 4.0 tìm hiểu được nuôi con khoa học, giáo dục sớm… đã cứu lấy mình. Nuôi con không còn là những giọt nước mắt của mẹ hay của con nữa, nuôi con nhàn, con vui, mẹ cũng hạnh phúc. Cũng nhờ cộng đồng 4.0 kết nối, mình được bén duyên với công việc hiện tại mà mình vô cùng yêu thích, lan toả được lý tưởng tích cực của mình, thay đổi giáo dục từ cái gốc (trẻ em) để hướng đến một xã hội nhân ái, hạnh phúc, đầy tình yêu thương", Tiên trải lòng.
- Đừng quên bản thân cần được yêu thương, chăm sóc: Theo bà mẹ 9x, chúng ta ai cũng có lần đầu làm mẹ, không thể làm tốt được mọi thứ ngay từ đầu là hoàn toàn bình thường. Các mẹ không nên dằn vặt, tự trách mình vì mẹ không phải siêu nhân, cần thời gian để làm quen, lắng nghe. Người mẹ nào cũng yêu con vô vàn và muốn dành tất cả mọi thứ tốt đẹp nhất cho con.
Mẹ hãy lắng nghe con và chính bản thân mình, cập nhật kiến thức, chăm nuôi con theo phương pháp phù hợp nhất với bé là mọi chuyện sẽ dần đi vào quỹ đạo. Được làm phụ nữ là đặc quyền, sinh được con là niềm hạnh phúc lớn lao, vì thế hãy luôn tự hào về bản thân.
7 điều nên và không nên khi ở cữ dành cho mẹ bỉm 4.0
Nên:
- Ăn uống lành mạnh: Việc ăn uống đủ và cân bằng giúp tăng chất lượng sữa của mẹ, tăng năng lượng để mẹ có thể chăm con mà không thấy mệt mỏi.
- Giữ vệ sinh cơ thể: Các mẹ hãy tắm gội bằng nước ấm, sạch, thời lượng tắm gội không quá 20 phút và nên tắm trong vùng kín gió, ấm áp.
- Quan tâm bản thân: Điều này giúp các mẹ có thể cân bằng được sức khỏe tâm sinh lý, không bị áp lực, ngột ngạt quá mức trước cuộc sống làm mẹ rất mới mẻ.
Không nên:
- Cố gắng không căng thẳng: Việc mẹ bị stress hay căng thẳng sau sinh có thể dẫn đến rất nhiều hậu quả, rõ nhất có thể thấy là sữa mẹ lâu về, khi về sẽ rất ít, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của mẹ dẫn đến con cũng không thể ăn ngon, ngủ ngoan, tập trung thích nghi với thế giới bên ngoài được.
- Không tập thể dục ngay lập tức: Các mẹ đừng lao ngay vào việc giảm cân vì có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như: tổn thương tử cung, âm đạo, tổn thương đáy xương chậu, cơ thể chậm phục hồi,...
- Không nên gần gũi ngay: Đối với các mẹ sinh thường thì cơ thể cần 20 ngày đến một tháng để đẩy ra hết sản dịch. Vì thế vùng âm đạo sẽ rất dễ nhiễm trùng, cần phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và thay băng vệ sinh 3- 4 tiếng một lần.
- Đừng lạm dụng mẹo vặt dân gian: Hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi làm một điều gì đó và có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ xem có thật sự phù hợp về mặt y khoa hay không trước khi áp dụng lên bản thân và con mình nha.