Mẹ bé 7 tháng đối thoại với "ông bố cho phép con học dốt"

,
Chia sẻ

Suy nghĩ đầu năm học mới của ông bố Nguyễn Thành Vinh, á quân cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia 2000" đã nhận được phản hồi của nhiều phụ huynh. Dưới đây là chia sẻ của một bà mẹ.

Nhóc yêu của mẹ!

Hôm nay, vô tình đọc được bài viết trên mạng của 1 người mà từng 1 thời thần tượng - bác Nguyễn Thành Vinh - Á quân đường lên đỉnh Olympia 2000. Đọc bài viết, mẹ phì cười. Thần tượng của mẹ vẫn vậy, mẹ vẫn tìm thấy ở bác ấy những suy nghĩ, những triết lý giống như mẹ nghĩ mà chẳng nói được thành lời.

Đầu tiên là vấn đề giáo dục con cái. Cũng 10 năm rồi nên thần tượng của mẹ cũng đã có 1 mái ấm hạnh phúc, 2 nhóc dễ thương. Mẹ ủng hộ tư tưỏng của bác ấy. Không nhất thiết cứ phải cố tìm cho con mình một trường điểm, một trường thật "oách xà lách" thì con cái mới học giỏi được. Hãy cho con cái một không gian để thở chứ nhỉ?
 

Nhưng....

Bác Vinh không biết rồi! Ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này, trường làng bây giờ cũng làm gì có chuyện được học ít chơi nhiều? Làm gì có chuyện không có thành tích?

Chắc lâu rồi, bác chỉ toàn ở Hà Nội thôi nên chẳng mấy khi về quê. Các em học sinh ở quê giờ đấy cũng gần như các em thành phố, học sinh lớp 1 mà cũng cõng trên lưng 1 cái cặp to tổ chảng (nếu mẹ chụp được hình dì Nga con đi học để gửi lên đây cho bác ấy ngắm con nhỉ).

Thứ 7, chủ nhật cũng phải cố đi học thêm cho bằng bạn bằng bè. Còn chỉ có con nhà nông mới được chơi nhiều. Và tất nhiên kiến thức của các em cũng tỷ lệ luôn với thời gian chơi đó. Mẹ cũng ao ước, cái thời của mẹ ngày xưa quay trở lại, vẫn đi gặt, đi cấy, chơi bời nhưng mẹ vẫn học được mà!

Ông bà con khẳng định chắc chắn, tuổi thơ của các con sẽ khổ hơn của ông bà ngày xưa. Kể cả mẹ cũng thế. Làm gì còn đánh khăng, đánh đáo, trò ú tim, làm gì có trống ếch mỗi khi rằm tháng 8 về.

Các con bây giờ sẽ đón trung thu bằng ánh điện, bằng các khu vui chơi, hát ru bây giờ đã có đĩa... chỗ nào cũng có khu công nghiệp mọc lên, đồng ruộng bây giờ biến mất hết. Những triền đê đầy cỏ để thả diều chăn trâu bây giờ nhà cũng mọc lên. Muốn cho con chơi mà chẳng có chỗ mà chơi nữa, chỉ sợ con nghịch ở bờ ruộng sẽ dẵm phải bơm kim tiêm của các chú nghiện cài cắm ở lại, hoặc 1 vài bãi rác to tổ chảng....

Mẹ cũng mong con khi bắt đầu đi học sẽ được thấy những ngày tháng đến trường thật tuyệt như bác Vinh đã nói. Nhưng thật tiếc, nếu con không khoác trên mình cái cặp nặng, không đi học thêm...., con của mẹ chắc thông minh và giỏi đến mấy cũng chỉ là học sịnh bình thường thôi. Lấy đâu ra những người giỏi như bác Vinh và giỏi hơn nữa là GS Ngô Bảo Châu. Thật buồn con nhỉ?

Thật bi quan khi mà con của mẹ mới có 7 tháng tuổi đã bị mẹ doạ thế rồi. Nhưng biết làm sao được, " không khí " chung của cả nước mà con.

Mà con yên tâm. Biết đâu, khi con bắt đầu đi học con sẽ không phải khoác cái cặp to đoành nữa đâu mà thay vào đó là 1 cái laptop và 1 đống dây rợ loàng nhoằng để vừa học vừa sạc pin. Hihi, mà có khi mai mốt, laptop cũng cải tiến với việc chẳng phải 2 tiếng nạp pin 1 lần đâu con ạ. Hãy cứ vui vẻ và lạc quan lên con nhé.

Có chắc, bác Vinh sẽ cho phép các con bác ấy học dốt như bác ấy nói không con nhỉ?
 
Mẹ Hoa Lan (Hà Nam)
Vietnamnet
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: "Tôi còn đứng trên cương vị một phụ huynh học sinh để cùng vui và lo niềm vui nỗi lo của đông đảo phụ huynh"

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Một may mắn nữa của tôi là có con còn đang trong độ tuổi HS phổ thông. Con lớn của tôi mới rời phổ thông vài năm nay, con nhỏ đang là HS THCS. Trước đây, cháu học ở một trường dân lập và mới chuyển về một trường công lập ở gần nhà. Tôi không đặt nặng việc phải chọn trường điểm, tiêu chí đầu tiên trong việc chọn trường cho con của chúng tôi là học ở gần nhà vì chúng tôi không có điều kiện đưa đón. Những năm trước, tôi thường xuyên đi họp phụ huynh cho các con. Chỉ gần đây, do điều kiện công việc, tôi mới không đi họp phụ huynh cho con được.

Như vậy, khi nhìn nhận về giáo dục phổ thông nói riêng và giáo dục nói chung, tôi còn đứng trên cương vị một phụ huynh học sinh để cùng vui và lo niềm vui nỗi lo của đông đảo phụ huynh học sinh trong cả nước. Nhân dịp đầu năm học mới, tôi muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh suy nghĩ này: Khó khăn trong giáo dục còn nhiều. Để giải quyết được những khó khăn đó, chúng ta phải cùng nỗ lực vì một bức tranh giáo dục tươi sáng hơn.

Chia sẻ