"Mẹ bầu xinh nhất VTV" Mai Ngọc tiết lộ: Mỗi bữa ăn tăng 300 calo, có 3 điều các mẹ nhất định nên nhớ!
Nữ MC đã áp dụng những điều này vào trong thai kỳ của mình.
Ở tuổi 35, Mai Ngọc đang tận hưởng những điều ngọt ngào và hạnh phúc nhất của một người phụ nữ, đó là trở thành mẹ. Sau khi công khai sắp đón con đầu lòng, nữ MC cởi mở hơn trong chuyện chia sẻ với mọi người về hành trình bầu bí, những thay đổi đặc biệt kể từ khi có sự xuất hiện của thiên thần nhỏ.
Hiện tại, cơ thể của Mai Ngọc đã bắt đầu có sự thay đổi đáng kể. Vòng eo tăng 20cm và bụng bầu đạt mốc 78cm ở tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ. Dẫu vậy, gương mặt của cô vẫn được mọi người nhận xét là thanh tú, không khác quá nhiều so với thời son rỗi.
Là một MC nên trước khi mang thai, Mai Ngọc cũng chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao, ăn uống điều độ để giữ gìn vóc dáng. Thế nên cô vẫn làm điều này để duy trì sắc vóc trong lúc bầu bí. Cụ thể, mẹ bầu không từ bỏ việc tập luyện, cô tập pilates và gym để khoẻ mạnh hơn, giữ dáng trong suốt thai kỳ.
Cô cho biết bản thân kết hợp ăn uống khoa học, cân bằng các nhóm chất trong mỗi bữa ăn cũng như luyện tập đều đặn từ lúc mang thai tới giờ.
Theo chia sẻ, từ khi mang bầu, Mai Ngọc cũng tính toán mỗi bữa ăn thêm 300 calo, giúp đảm bảo sức khoẻ và cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi. Ngoài ra, nữ MC duy trì ngủ sớm, dậy sớm, chăm chỉ đọc sách, chơi đàn, thai giáo cho em bé từ ngay trong bụng mẹ.
Nghỉ làm VTV nên Mai Ngọc có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân lúc bầu bí: "Chị nấu ăn và mình luôn tính menu trước cho cả bữa sáng, bữa phụ và bữa tối - để lượng calo chuẩn chỉnh, giờ mỗi bữa mình cần ăn thêm 300 calo để nuôi dưỡng em bé.
Mẹ bầu đến lớp. Bầu vẫn đi học chăm chỉ tìm được phòng tập riêng tư cách nhà có 5 phút có cả pilates và gym, view đẹp ưng quá là ưng. Bên cạnh các bữa ăn ngon lành, vitamin bà bầu là không thể thiếu. Ngọc tuân thủ đúng theo bác sĩ cứ 2 tuần khám 1 lần, bác sĩ sẽ bổ sung cho mình. Các mẹ nhớ ăn đúng bữa để còn uống vitamin đúng giờ nhé".
Theo Mai Ngọc, có 3 điều các mẹ cần lưu ý khi mang bầu, đó là: Ăn uống khoa học, tập luyện điều độ và bổ sung vitamin theo chỉ định của bác sĩ.
Mẹ bầu ăn thế nào để vào con không vào mẹ?
- Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn 3 bữa chính trong 1 ngày, mẹ bầu có thể ăn thành 6 bữa. Chia nhỏ bữa ăn giúp cơ thể hấp thụ và tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
- Không nên ăn 2 người: Quan niệm xưa cho rằng, khi mang thai, người phụ nữ cần ăn gấp đôi lượng thực phẩm vẫn ăn hàng ngày để con được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Mẹ bầu ăn quá nhiều sẽ bị tăng cân mất kiểm soát, dẫn đến béo phì.
Trong khi đó béo phì gây ra những căn bệnh nguy hiểm trong thai kỳ như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ. Và có thể bé cũng không hấp thụ được dinh dưỡng đầy đủ để tăng cân tốt.
- Ăn uống đa dạng: Đa dạng hóa các loại thực phẩm, không nên ăn quá nhiều và liên tục một món bất kỳ nào đó dù bị nghén một món nhất định.
- Định lượng khẩu phần ăn mỗi bữa: Chia định lượng cho khẩu phần ăn mỗi bữa để không bị thiếu dinh dưỡng và chia đều các nhóm thực phẩm cần ăn trong ngày.
Khẩu phần ăn mỗi bữa bao gồm: 25% đạm (gồm thịt, cá, trứng...), 25% tinh bột (cơm, bánh mì, khoai, ngô, bún) và 50% là rau củ quả các loại... Hạn chế đường, muối, chất béo.
- Đừng quên hoạt động thể chất: Đi bộ đều đặn mỗi ngày 30 phút. Đồng thời, những lúc rảnh rỗi chị em nên tập các bài tập thể dục dành riêng cho bà bầu.
- Những thực phẩm không tốt cần hạn chế: Các loại bánh kẹo, nước ngọt, đồ uống có ga, đồ chiên rán nhiều mỡ...
- Thay vì uống sữa bầu, hãy uống 2-3 ly sữa tươi không đường (sữa tách béo) hàng ngày: Các mẹ thường nghĩ rằng mang thai thì phải uống sữa bầu. Nhưng thực ra sữa bầu có nhiều chất và lượng đường cũng nhiều. Phụ nữ mang thai uống sữa bầu thì chỉ vào mẹ, chứ không vào con.
Ngoài ra mẹ bầu nên uống vitamin tổng hợp bổ sung để đảm bảo cơ thể có đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.
Mẹ bầu tập luyện như thế nào để đảm bảo sức khoẻ?
- Không chơi những hoạt động thể thao có tính chất xóc nảy
Đó là những môn đòi hỏi bạn phải di chuyển và thay đổi vị trí liên tục như bóng chuyền, cầu lông, tennis, bóng đá… Trong thời gian mang thai, các khớp xương của bạn dễ bị yếu. Khả năng giữ cân bằng cũng thay đổi theo. Do đó, nguy cơ bị chấn thương khi luyện tập là rất lớn.
Nếu muốn tham gia những môn thể thao nào đó, bạn nên chọn hình thức nhẹ hơn như đi bộ, bơi lội…
- Không sử dụng các bài tập nằm duỗi lưng, trong tam cá nguyệt thứ 3
Tư thế này khiến lưng gây sức ép lên các động mạch chính. Thay vào đó, bạn nên đổi sang những động tác với tư thế đứng (có thể chống tay), nằm nghiêng một bên hoặc những động tác luyện tập với bóng (loại bóng to, chuyên dụng dành cho thai phụ).
- Không tập đến kiệt sức
Mang thai không phải là giai đoạn bạn tập luyện với mục đích giảm cân. Bạn nên tránh ép cơ thể hoạt động quá công suất hoặc duy trì thời gian luyện tập dài hơn (dù chỉ là 5 phút) lúc trước khi mang bầu.
- Không ngồi ngay sau lúc tập luyện
Bạn nên dành khoảng 5-10 phút để đi lại nhẹ nhàng trước khi kết thúc buổi tập. Phương pháp này khiến cho nhịp tim ổn định, các mạch máu tuần hoàn bình thường, tránh cho bạn cảm giác choáng váng.
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước tiên
Cho dù bạn đã có thói quen tập thể dục đều đặn từ lúc trước khi mang thai thì bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ để kiểm tra xem bài tập nào là phù hợp, bài tập nào gây nguy hiểm…
Nếu bạn chưa luyện tập trước đó, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ để chọn những bài tập dành cho người mới bắt đầu.
Mẹ bầu nên bổ sung vitamin như thế nào?
Việc bổ sung vitamin nên theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã thăm khám. Dưới đây là một số gợi ý:
- Acid folic
Nhu cầu acid folic trong thai kỳ là 0,4 mg (400 mcg) mỗi ngày. Nếu thai phụ đã có tiền sử sinh em bé có dị tật ống thần kinh thì cần bổ sung lượng acid folic lớn hơn 0,4 mg/ngày ( 800 mcg). Đặc biệt, mẹ nên bổ sung acid folic 1 tháng trước khi có kế hoạch mang thai và trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ.
- Sắt
Nhu cầu sắt nguyên tố là 30 - 60 mg/ngày – gấp đôi nhu cầu sắt của một người không mang thai. Vì vậy, các thai phụ cần phải được bổ sung sắt qua viên uống và chế độ ăn giàu chất sắt.
- Canxi
Nhu cầu canxi mỗi ngày là 1000 -1500mg/ngày, nhiều hơn 40% so với nhu cầu của một người trưởng thành. Vì vậy, trong thai kỳ các thai phụ thường được bổ sung thêm viên canxi uống ở vùng có chế độ ăn chứa canxi thấp.
- DHA
DHA có vai trò quan trọng trong phát triển não bộ và thị giác của thai nhi. Theo đó, bà bầu cần cung cấp 200 -300mg DHA mỗi ngày.