Mẹ bầu mắc Covid có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Nếu không may nhiễm Covid-19, thay vì sợ hãi, các mẹ bầu nên chủ động tìm hiểu kiến thức để nhanh chóng khỏi bệnh.
Dạo gần đây, số người mắc Covid-19 có dấu hiệu tăng trở lại. Thời tiết chuyển mùa như hiện nay tại miền Bắc là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong đó có cả virus SARS-CoV-2 khiến không ít người cảm thấy hoang mang, lo lắng. Riêng phụ nữ mang thai càng lo lắng nhiều hơn khi mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu không may nhiễm Covid-19, thay vì sợ hãi, các mẹ bầu nên chủ động tìm hiểu kiến thức để nhanh chóng khỏi bệnh.
Covid-19 có lây từ mẹ sang con không?
Bác sĩ chuyên khoa I Tống Thị Vân, Khoa Sản BVĐK Hồng Ngọc cho biết:
Dịch bệnh rất là mới nhưng chúng ta chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy Covid-19 có lây từ mẹ sang con hay không. Một số trường hợp các mẹ bầu bị Covid-19 thì trong bánh rau, dây rốn, nước ối hoàn toàn không có virut này, đặc biệt một số trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ nhiễm Covid-19 cũng cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Như vậy cũng chưa thể khẳng định Covid-19 lây từ mẹ sang con. Tuy nhiên với mẹ mang bầu mà không may nhiễm bệnh thì cần phải kiểm soát các triệu chứng bệnh, điển hình là sốt. Trong 3 tháng đầu, mẹ sốt sẽ làm tăng nhiệt độ trong buồng ối ảnh hưởng tới sự phát triển khớp xương của thai (dính vào nhau).
Thêm nữa, với những trường hợp suy hô hấp, các mẹ nên kiểm soát tránh hiện tượng em bé thiếu oxy gây suy thai. Ngoài ra, nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và làm theo những lời khuyên từ bác sĩ.
Với các mẹ đang cho con bú thì hoàn toàn có thể tiếp tục cho bé bú nhưng vẫn tuân thủ 5K để tránh lây từ mẹ sang con bằng dịch tiết nước bọt hoặc không khí.
Mẹ bầu mắc Covid-19 cần lưu ý gì?
Cũng theo bác sĩ Vân, đối với những trường hợp mẹ bầu mắc Covid-19 cũng giống như những mẹ bầu khác, quan trọng nhất là cần bổ sung dinh dưỡng, đảm bảo nguồn thực phẩm tươi, sạch sẽ, quy trình ăn chín uống sôi. Với mẹ bầu cần tăng thêm nhu cầu dinh dưỡng như các nhóm về vitamin, đạm, ăn đầy đủ vi chất như canxi, sắt, axit folic, omega-3.
Thực đơn cho từng mẹ cũng khác nhau tùy thuộc vào thể trạng và cơ thể của từng người. Các mẹ nên đi khám để nghe bác sĩ khuyên về các chế độ ăn và dinh dưỡng hợp lý.
Ngoài chế độ ăn uống, mẹ bầu cũng nên rèn luyện thể lực, đảm bảo không bị stress hay biến chứng về hô hấp, tiêu hoá. Đặc biệt là tránh được việc bị táo bón. Bên cạnh đó, mẹ bầu nên uống 2-3 lít nước/ ngày
Thai phụ mắc Covid-19 ở tình trạng nào thì buộc phải chỉ định chấm dứt thai kỳ?
Thông tin từ Đại học Y dược TP HCM - Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học phối hợp cùng Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: Cần can thiệp sản khoa với thai phụ mắc Covid-19 trong những tình huống sau:
- Trường hợp thai phụ mắc bệnh nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ:
+ Tuổi thai từ 39 tuần trở lên, xem xét chấm dứt thai kỳ.
+ Tuổi thai từ 37 đến 38 tuần 7 ngày mà không có chỉ định sản khoa khác: phải theo dõi tình hình liên tục.
- Trường hợp tiên lượng nặng, nguy kịch trong 24h:
+ Trường hợp không thở máy: cân nhắc chấm dứt thai kỳ khi thai được >32 tuần.
+ Trường hợp có thở máy: Thai trên 32 tuần xem xét mổ lấy thai; thai <32 tuần: xem xét và theo dõi kỹ lưỡng, trường hợp xấu nhất có thể mổ lấy thai. Cần cân nhắc khi tuổi thai dưới 30 tuần.
8 điều thai phụ cần làm để bảo vệ bản thân
- Chích ngừa vắc-xin Covid-19 đầy đủ và đúng hạn.
- Che miệng khi ho, hắt hơi.
- Tránh không gian thông khí kém và nơi đông người.
- Vệ sinh và khử trùng thường xuyên.
- Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và nơi công cộng.
- Giữ khoảng cách 2 mét với người khác.
- Rửa tay thường xuyên (bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn).
- Theo dõi sức khỏe hàng ngày: Cảnh giác với các triệu chứng ho, sốt hoặc biểu hiện của Covid-19.
Một số lưu ý khác cho thai phụ trong dịch Covid-19
- Duy trì chế độ lành mạnh, đủ chất: Chọn mua thực phẩm cần thiết, tự chuẩn bị bữa ăn, uống 2-3 lít nước mỗi ngày. Không nên dự trữ quá nhiều thức ăn, tránh xa cà phê và đồ uống có cồn, không ăn thực phẩm sống.
- Rèn luyện thể lực đều đặn, không tập quá sức gây nên mệt mỏi.
- Khám thai định kỳ để luôn bảo đảm sức khỏe.