Mẩu hội thoại ngắn của gia đình Đông Nhi - Ông Cao Thắng, xem xong phải khen Winnie được giáo dục quá tốt

An Chi,
Chia sẻ

Nhìn cách trò chuyện của gia đình nhỏ, ai cũng phải khen Đông Nhi - Ông Cao Thắng quả là những người bố mẹ tốt.

Khi có thêm thành viên mới, cuộc sống của gia đình dường như đảo lộn. Bên cạnh phải làm quen với nếp sinh hoạt khác biệt, điều khiến ba mẹ lo lắng nhất chính là phải làm sao yêu thương, đối xử với các con thật công bằng, để anh/chị lớn không cảm thấy lạc lõng hay có suy nghĩ "ba mẹ đang yêu em hơn mình chăng".

Đông Nhi và Ông Cao Thắng cũng đang trải qua những ngày đầu lên chức ba mẹ lần 2. Vì đã có kinh nghiệm từ Winnie nên việc chăm sóc Hannie không quá khó khăn. Tuy nhiên, cả 2 đều cố gắng dành thêm thời gian để trò chuyện, yêu thương Winnie nhiều hơn nữa. 

Mẩu hội thoại ngắn của gia đình Đông Nhi - Ông Cao Thắng, xem xong phải khen Winnie được giáo dục quá tốt

Mới đây, nữ ca sĩ đăng tải đoạn trò chuyện của gia đình vào buổi tối. Đều là những lời ngọt ngào, nhẹ nhàng, vô cùng giản dị nhưng là niềm mơ ước của rất nhiều em bé. 

"Winnie: Cục ơi, cục ơi!

Mẹ Đông Nhi: Em hỏi "Chị gọi em gì đấy!".

Winnie: Con không biết, mẹ nói cho con biết đi.

Ba Ông Cao Thắng: Ê Winnie, khoan. Con đừng có đưa mấy cục nhỏ nhỏ cho em chơi. Tại vì em không biết, em bỏ vô miệng em nuốt vô luôn á.

Mẹ Đông Nhi: Đúng không con.

Winnie: Em lớn thì chị cho em chơi nha.

Mẹ Đông Nhi: Em có tiếc nuối không em ơi, chưa được chơi đó. Mai mốt em lớn em chơi với chị nha.

Winnie: Mẹ ơi, giúp!

Mẹ Đông Nhi: Winnie, nói đàng hoàng nào

Winnie: Mẹ ơi giúp con đi!

Mẹ Đông Nhi: Ok".

Winnie dịu dàng với em Hannie

Trong clip, Ông Cao Thắng vẫn là một người bố hiền hậu, nhẹ nhàng và chỉn chu như mọi ngày. Anh luôn quan sát và nhắc nhở con một cách kịp thời, kiên nhẫn, bình tĩnh nhưng cực kỳ nghiêm túc. Khi thấy Winnie định cho em chơi những món đồ nhỏ, nam ca sĩ ngay lập tức nhắc nhở con. 

Winnie cũng ra dáng người chị cả, nghe lời ba ngay lập tức. Cách nhắc nhở này khiến em bé cảm thấy rất dễ chịu, thoải mái khi tiếp thu. Thay vì mắng chửi, cáu gắt "tại sao con lại làm em như thế", "hư vậy à, biết em đau không, nguy hiểm không", thì cách dạy của Ông Cao Thắng hiệu quả hơn nhiều. 

"Những bài học mới dành cho chị hai. Cảm ơn vì chị hai luôn nhẹ nhàng tiếp nhận những điều mới khi có em", Đông Nhi nhẹ nhàng gửi lời tới con gái. Nhìn cách trả lời của Winnie, mọi người cũng dành lời khen em bé đã được nuôi dạy rất tốt. 

Khi nhà có thêm thành viên mới cũng là lúc cuộc sống của cả gia đình có sự xáo trộn. Nhiều bố mẹ lo lắng, sợ rằng có em thì anh chị quấy hơn, không chịu nhường cho em, ghét em... Chỉ cần người lớn khéo léo, quan sát và để ý một chút thôi thì "anh em như thể tay chân" là chuyện dễ dàng!

1. GIỚI THIỆU SỰ XUẤT HIỆN CỦA EM BÉ NGAY TỪ KHI MANG THAI

Ngay từ lúc có bầu, nên nói chuyện với con về em bé, đọc sách, hay cho con đi siêu âm cùng, xem ảnh siêu âm và bảo con nói chuyện với em! Luôn khẳng định bố mẹ rất yêu con, nếu em ra đời thì chúc mừng con, con có thêm 1 người yêu thương con. Và hàng ngày nên lồng ghép về em bé vào cuộc sống.

2. THÔNG BÁO TRƯỚC CHO CON KHI MẸ ĐI SINH EM BÉ

Nói với con mốc thời gian em bé sắp ra đời, kể về việc nếu sinh mẹ sẽ không ngủ với con 5 ngày vì bác sĩ cần giúp mẹ khỏe hơn. Mẹ cũng cần được con giúp đỡ, lúc mẹ mệt thì mọi người sẽ giúp con, khẳng định rằng nếu mẹ khỏe mẹ sẽ chăm sóc con. Và 5 ngày mình nằm viện, con được lên viện thăm mẹ 1 lần mỗi ngày, vẫn nói lời yêu thương, vẫn ôm ấp thủ thỉ như ngày chưa có em bé, nên con cảm thấy không có gì thay đổi ngoài một số việc mẹ chuyển giao cho người khác lúc mình đi sinh, giúp con quen với sự giúp đỡ ngoài mẹ. Và kết quả giúp trẻ tự lập hơn, không bị hụt hẫng khi không có mẹ!

3. CHUẨN BỊ QUÀ CHÀO MỪNG TẶNG CHO ANH CHỊ

Ba mẹ mua sẵn 2 bộ đồ chơi, đến ngày đi sinh dặn bố cho con lên viện rồi đưa đồ chơi cho bé và bảo em bé tặng con. Vì thế con rất nhớ và vui, vừa có em lại có quà nên rất cảm kích.

Phút đầu tiên gặp mặt em gái Hannie, Winnie đã có biểu cảm thế này, chuẩn người chị hai mà ba mẹ nào cũng ước - Ảnh 4.

4. NHẸ NHÀNG BÌNH TĨNH CHỈ CON CÁCH CHƠI CÙNG EM

Thật ra người lớn lúc nhìn anh chị chơi cùng em thì sợ sẽ làm em đau, các bạn ý chưa biết cách chơi. Thay vì quát con, hãy bày con cách vuốt ve em nhẹ nhàng, cầm tay em giải thích để con hiểu vì sao cần chơi với em như vậy. Từ đó anh chị sẽ biết cách chơi cùng em, bố mẹ cũng không căng thẳng. Vì thật ra nếu bố mẹ to tiếng, trẻ chỉ thấy được sự khác biệt khi em xuất hiện là mình bị quát mắng nhiều hơn. Vậy thì đương nhiên chẳng thích sự có mặt của em rồi.

5. NGƯNG "XẢ RÁC" VÀO ĐẦU TRẺ

Người lớn hay trêu "có em thì con bị ra rìa" hay "mẹ không yêu con nữa, mẹ yêu em thôi"... câu nói chỉ để mua vui cho người lớn nhưng lại làm tổn thương đến trẻ, trẻ nghe và tin điều đó. Mỗi ngày 1 chút, làm cho trẻ luôn lo lắng ảnh hưởng tâm lý, nỗi sợ em cướp mất mẹ và không yêu mình nữa, nên việc ghét em là chuyện bình thường. Vậy nên hãy nói lời yêu thương.

6. QUAN TÂM CHĂM SÓC ANH CHỊ NHIỀU HƠN

Khi có thêm một đứa con, ba mẹ phải bình tĩnh, thủ thỉ nhiều hơn, không bao giờ bắt con phải "nhường" đồ chơi của con. Con hoàn toàn có quyền quyết định, không lý nào vì em nhỏ mà bắt con nhường đồ chơi, ai sai sẽ nói chuyện với người đó, không phải vì em bé mà anh chịu trận thay,...

Nên quên đi suy nghĩ "con là anh con phải nhường em" đừng bắt trẻ chia sẻ đồ chơi yêu thích khi trẻ không muốn, đừng yêu cầu cao quá vì chúng là những đứa trẻ, chỉ cần tôn trọng, giữ thái độ bình tĩnh và cân bằng nhất thì việc làm anh chị không phải là việc đáng ghét, anh chị sẽ càng yêu em hơn khi bố mẹ cư xử công bằng với mình!

Chia sẻ