Luyện con ngủ riêng kiểu ''mẹ lười'': Hành trình rèn con của mẹ bỉm nhận về trái ngọt với 2 quy tắc bố mẹ nhất định phải nhớ
Mỗi buổi sáng của hai vợ chồng chị Ngọc sẽ bắt đầu bằng việc cô con gái nhỏ Sushi dậy trước, sang gõ cửa phòng bố mẹ rồi tự mở cửa đi vào: ''Ba mẹ ơi con dậy rồi nè. Mẹ pha sữa nóng cho con''.
Nhiều phụ huynh than thở dù con đã bước sang tuổi 4-5 nhưng bố mẹ vẫn chưa đêm nào có một giấc ngủ trọn vẹn. Ngoài những lúc ốm đau, lý do chính là vì những đứa trẻ thường hay cựa quậy không yên hoặc đôi khi thức dậy mà không thấy bố mẹ sẽ gào hét ầm ĩ khiến người lớn tỉnh giấc.
Mới đây, chị Hồng Ngọc Nguyễn (sống tại TP HCM) đã chia sẻ về cách rèn tự ngủ riêng cho con gái là em bé Sushi (gần 3 tuồi). Mỗi buổi sáng, cô bé sẽ dậy trước, sang gõ cửa rồi tự mở cửa đi vào: ''Ba mẹ ơi con dậy rồi nè. Mẹ pha sữa nóng cho con''. Sushi đã ngủ riêng từ 2 năm nay. Đây là điều có ý nghĩa rất lớn khi vợ chồng chị Ngọc bởi anh chị vẫn là cặp vợ chồng trẻ và có nhu cầu có cuộc sống, sở thích riêng.
Khác với nhiều bà mẹ khác, từ khi Sushi còn rất nhỏ, chị Ngọc đã có giấc ngủ trọn vẹn vào buổi đêm cho đến tận bây giờ, điều này tác động rất lớn đến sức khoẻ tinh thần và thể chất của bà mẹ trẻ. Hơn nữa, bé Sushi cũng ngủ an toàn và liền mạch hơn.
Dưới đây là quy trình chị Ngọc rèn con tự ngủ, hy vọng có thể giúp ích cho một số phụ huynh:
''Mọi người cũng đừng nghĩ rằng em bé này tự lập đến mức tối đến giờ là tự động lên giường ngủ 1 mình. 90% là con vẫn thích có mẹ hoặc bà nội nằm cạnh cho đến khi con vào giấc (và mọi người cũng đều thích nằm với con để trò chuyện cùng con trước giờ đi ngủ, thật may). Còn sau đó thì ai đi đâu tuỳ ý, con dậy có không thấy ai con cũng không khóc, mà sẽ ngủ tiếp hoặc gọi, đi tìm bố mẹ nếu con cảm thấy cần.
Quy trình rèn con ngủ riêng
- Từ khi mới sinh đến 1 tuổi: Con nằm trong cũi. Mình áp dụng phương pháp Easy để ước chừng đúng thời gian con sẽ buồn ngủ và theo dõi đúng dấu hiệu con dễ đi vào giấc ngủ nhất. Bên cạnh đó, mình sử dụng ti giả và gấu bông để hỗ trợ con. Khi còn nhỏ con cũng không hẳn là em bé thiên thần nhưng đi vào giấc ngủ khá là dễ dàng. Và cho dù con có khó ngủ đến đâu thì mẹ vẫn luôn giữ vững lập trường: ''Cho con ngủ trong cũi!", mặc dù đôi khi cùng phòng hay khác phòng ba mẹ, nhưng luôn là ngủ trong cũi.
Thời gian đầu quả thật rất vất vả khi mỗi lần con khóc vợ chồng mình đều phải thay nhau dậy để kiểm tra rồi dỗ con chứ không thể nằm ườn trên giường. Nhưng nó mang lại quả ngọt sau này. Tất nhiên khi con quá bé và ngủ 1 mình trong cũi thì việc đảm bảo an toàn ngủ phải cực kỳ nghiêm ngặt, mình không dùng chăn/ mền mà dùng túi ngủ, sử dụng cũi lưới không chèn quây cũi gì hết, thậm chí trong phòng mình còn không bao giờ để túi nilon bừa bãi vì nó có thể bay lên che mặt con gây ngạt thở.
- Từ 1 tuổi đến 2,5 tuổi: Con nằm ngủ phòng riêng và giường riêng nhưng có rào chắn. Kể từ khi con còn nhỏ mình luôn nói với con trước khi ngủ là ''Mẹ ở đây với con cho đến khi con ngủ rồi mẹ sẽ về phòng mẹ. Nếu con dậy không thấy ai thì hãy gọi nhé, đừng khóc''. Kể cả lúc đó con còn chưa biết nói hoặc không hiểu mình nói gì, mình vẫn lặp đi lặp lại câu nói đó.
Thời gian đầu con dậy và vẫn khóc... Thậm chí là ngủ được 2-3 tiếng thì dậy khóc. Mình vẫn sang phòng con vỗ về con ngủ tiếp, nhưng con ngủ rồi mình quay lại phòng mình. Sau đó con tiến bộ hơn, con thức dậy và... hát. Cứ dậy là dù nửa đêm hay trời đã sáng, con đều cất tiếng hát để thông báo, thay vì khóc.
- Con 2,5 tuổi thì chúng mình chuyển nhà mới. Nhân dịp này, vợ chồng mình quyết định cất luôn cái rào chắn. Mỗi tối con đi ngủ, vợ chồng mình chèn gối xung quanh cho con đỡ lăn rơi xuống giường. Sau đó, bọn mình luôn sẵn sàng máy báo khóc, khoá hết các cửa ra ban công, cửa vào bếp, bật đèn sáng mờ ngoài phòng khách (đảm bảo an toàn trong trường hợp con dậy không phát ra tiếng động và ba mẹ không biết, thì môi trường xung quanh vẫn an toàn tuyệt đối).
Và hôm nào mình cũng dặn con: ''Nếu con dậy thì sao hả Sushi?'' - ''Thì sang phòng ba mẹ'' - con trả lời. Thời gian đầu tất nhiên con không làm được như thế. Con dậy và... bật đèn chơi đồ chơi. Nhưng hôm nào ba mẹ cũng dặn. Sau đấy con tiến bộ lên 1 nấc là... ra phòng khách bật đèn. Và 1 tháng nay con đã làm được đúng lời ba mẹ dặn, sang phòng gọi ba mẹ dậy, hết sức tự nhiên và bình thản.
Nay con sắp tròn 3 tuổi, tới nay việc ngủ riêng không hề ảnh hưởng tới tình cảm của con dành cho tất cả mọi người trong gia đình. Con vẫn là em bé tình cảm và rất biết bày tỏ tình cảm của mình bằng lời nói hay hành động.
Mình biết là mỗi bé sẽ có 1 tính cách và mỗi gia đình sẽ có 1 quan điểm, và bé nào lớn rồi thì cũng sẽ tự lập mà thôi, giống như tất cả chúng ta ở đây. Nhưng nếu việc cho con ngủ riêng thật sự mang lại nhiều giá trị cho mọi người như trường hợp của mình, thì hãy tham khảo nhé''.
Chia sẻ thêm về câu chuyện của bản thân, chị Ngọc tâm sự: ''Quy tắc quan trọng nhất với vợ chồng mình khi rèn ngủ cho con theo cách này là đảm bảo an toàn ngủ cho bé (môi trường xung quanh con khi con ngủ riêng phải tuyệt đối an toàn). Thậm chí ngủ chung với con khi còn sơ sinh cũng không phải là an toàn vì y học cũng khuyến cáo tình trạng SIDS (đột tử ở trẻ sơ sinh) cũng có thể xảy ra khi con ngủ chung cùng bố mẹ (và đã có trường hợp xảy ra thật ở Việt Nam).
Bên cạnh đó, quy tắc thứ hai chính là bố mẹ phải thật kiên nhẫn, kiên trì với con. Trong cuộc đời về sau của con còn rất nhiều giai đoạn cần kiên nhẫn, nên việc kiên nhẫn thực hiện luyện ngủ riêng cho con từ khi còn bé không có gì là quá sức cả.
Và nếu các mẹ làm nhưng không thành công thì cũng không sao, bởi vì quan trọng nhất vẫn là trong quá trình làm việc đó mẹ phải thật sự hạnh phúc. Nếu việc tập cho con ngủ riêng quá nhiều khó khăn vất vả và khiến mẹ bị stress thì nên dừng lại, nếu việc ngủ chung khiến mẹ thực sự hạnh phúc hơn thì hãy cứ ngủ chung. Tập ngủ riêng cho con mang lại rất nhiều lợi ích nhưng chỉ với những người có nguyện vọng/ nhu cầu cần như vậy. Không nên vì thấy người khác làm vậy mà mình cũng làm theo nếu mình không cần/ không muốn''.
Ảnh: NVCC