Lời nói không dao vẫn có thể làm con tổn thương: Cẩn trọng với những phê bình vô thức của cha mẹ

PHAN HẰNG,
Chia sẻ

Không cần đến la mắng hay quát tháo, đôi khi chính những lời nói làm tổn thương con lại xuất phát từ thói quen giao tiếp vô thức hằng ngày của cha mẹ.

Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con cái mình khỏe mạnh, vui vẻ và lớn lên hạnh phúc. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dạy, không ít bậc phụ huynh vô tình sử dụng những lời chỉ trích mà không nhận ra. Những lời nói này, dù không có ý ác ý, nhưng lại có thể âm thầm làm tổn hại đến lòng tự tin của trẻ.

"Sao con ngốc thế?".

"Việc này mà cũng làm không xong à?".

"Con hư quá, mẹ thất vọng về con".

Những câu nói tưởng chừng chỉ là lời càu nhàu trong lúc mệt mỏi, vội vàng, hoặc lúc mất bình tĩnh… lại có thể trở thành vết thương âm thầm trong tâm hồn con. Trẻ nhỏ chưa có khả năng tự phân tích lời nói như người lớn nên chúng dễ tin vào những "nhãn dán" của cha mẹ.

Những ảnh hưởng sớm của việc cha mẹ liên tục chỉ trích con

Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, sự tự tin của trẻ được hình thành chủ yếu qua tương tác và lời nói từ cha mẹ. Đặc biệt là trong giai đoạn trước 3 tuổi, khi não bộ trẻ phát triển với tốc độ vượt bậc và rất nhạy cảm với phản hồi từ môi trường.

Khi thường xuyên nhận được những nhận xét tiêu cực như "con ngốc quá", "con chẳng làm được gì cả", trẻ không đủ khả năng để hiểu rằng đó chỉ là "lúc đó mẹ đang bực mình". Thay vào đó, trẻ sẽ tiếp thu những lời đó như một sự thật về bản thân, dần hình thành nên cảm giác tự ti, xấu hổ, và hoài nghi về chính mình.

lời nói làm tổn thương con - Ảnh 1. - Ảnh 1. - Ảnh 1.

Không cần phải to tiếng hay la mắng, rất nhiều lời nói "bình thường" của cha mẹ vẫn có thể chứa hàm ý chỉ trích, ví dụ:

Khi con vẽ tranh chưa đẹp: "Sao vẽ gì mà đơn giản thế? Con phải cố gắng hơn đi chứ".

Khi con học chậm hơn các bạn: "Sao con mãi không biết? Bạn A làm được lâu rồi đấy".

Những lời nói đó thoạt nghe như lời nhắc nhở, nhưng trẻ có thể hiểu rằng, mình kém cỏi, mình không làm cha mẹ hài lòng, từ đó nảy sinh cảm giác xấu hổ, tự thu mình lại, không dám thử sai nữa.

Không phải đứa trẻ nào cũng phản ứng ngay khi bị chỉ trích. Nhiều trẻ vẫn cười, vẫn im lặng, vẫn làm theo… nhưng bên trong, niềm tin vào bản thân đang âm thầm bị xói mòn.

Lòng tự tin không phải là thứ trẻ sinh ra đã có. Nó được xây đắp mỗi ngày bằng sự tin tưởng, khích lệ và công nhận từ cha mẹ. Khi những yếu tố tích cực ấy bị thay thế bởi sự chỉ trích liên tục, trẻ sẽ dần hình thành tâm lý: "Mình làm gì cũng sai", "Mình không đủ giỏi để được yêu thương". Và đó chính là tiền đề của tự ti, né tránh, thậm chí là nổi loạn trong tương lai.

Làm sao để cha mẹ tránh chỉ trích vô thức?

Chỉ trích vô thức tưởng như vô hại, nhưng lại có thể âm thầm làm sụp đổ lòng tin của trẻ vào chính mình. Thay vì vô tình làm tổn thương con, cha mẹ hoàn toàn có thể điều chỉnh cách nói để vừa dạy dỗ, vừa nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ. Dưới đây là một số gợi ý dành cho các bậc phụ huynh:

1. Ưu tiên sử dụng ngôn ngữ tích cực

Thay vì tập trung vào điều con làm chưa tốt, hãy dùng lời nói khích lệ để trẻ nhận ra điểm mạnh của mình.

Ví dụ, khi con vẽ một bức tranh còn đơn giản, đừng vội chê bai. Thay vào đó, có thể nói: "Bức tranh này trông thật sáng tạo. Mẹ con mình thử thêm một chút màu sắc nữa nhé?".

Cách nói này không chỉ giúp con cảm thấy được công nhận, mà còn khơi dậy động lực khám phá và hoàn thiện bản thân.

Bạn có hay vô thức chê bai con? Hành động tưởng chừng nhỏ ấy lại âm thầm bào mòn sự tự tin của bé - Ảnh 1. - Ảnh 1. - Ảnh 2.

2. Đưa ra góp ý mang tính xây dựng thay vì chê bai chung chung

Khi con làm sai, đừng chỉ nói "Con sai rồi" mà nên đưa ra hướng khắc phục cụ thể.

Ví dụ, nếu bé lắp ghép mô hình chưa thành công, cha mẹ hãy nói: "Không sao đâu con, lần sau mình có thể bắt đầu từ những miếng dễ hơn nhé. Từng bước một, con sẽ làm tốt hơn đấy".

Sự định hướng nhẹ nhàng giúp con hiểu cách sửa sai mà không cảm thấy bị thất bại.

3. Kiểm soát cảm xúc, đừng để áp lực biến thành lời chỉ trích

Trong những lúc căng thẳng, mệt mỏi, cha mẹ dễ trút cảm xúc tiêu cực lên con. Nhưng những lời nói trong lúc bực bội thường mang tính sát thương cao, không còn là lời dạy dỗ.

Vì thế, hãy học cách tạm dừng vài giây trước khi nói, hít thở sâu và nhận biết cảm xúc của chính mình. Giữ được sự bình tĩnh không chỉ giúp cha mẹ xử lý tình huống tốt hơn mà còn tạo nên một môi trường cảm xúc an toàn cho trẻ.

4. Tăng cường kết nối tình cảm với con

Trong những lúc con mắc lỗi, điều trẻ cần không phải là một bản danh sách phê bình, mà là sự đồng hành, thấu hiểu và khích lệ.

Hãy dùng ánh mắt dịu dàng, cái ôm ấm áp, những lời nói nhẹ nhàng để giúp con vượt qua cảm giác thất vọng. Khi con cảm thấy được yêu thương ngay cả khi chưa hoàn hảo, đó chính là nền tảng vững chắc của lòng tự tin.

5. Cẩn trọng trong từng lời nói

Có những câu nói nghe qua tưởng như vô hại nhưng lại chứa hàm ý phủ nhận năng lực của trẻ, chẳng hạn như: "Sao con ngốc thế, chuyện này mà cũng làm không được?".

Thay vào đó, cha mẹ hãy nói: "Mỗi người học một cách khác nhau mà con. Lần này chưa được thì mình cùng thử lại nhé".

Việc thay đổi cách nói không làm giảm uy tín của cha mẹ, mà tăng khả năng tiếp nhận và hợp tác của trẻ.

Chia sẻ