Trẻ mặc cảm hình thể: Cha mẹ đừng để một lời nói vô tình thành vết thương cả đời

An Khê,
Chia sẻ

Mặc cảm hình thể đang trở thành một trong những nỗi ám ảnh âm thầm nhưng nguy hiểm với trẻ vị thành niên.

Khi chuẩn mực cái đẹp bị định hình bởi mạng xã hội, khi lời khen - chê về ngoại hình được thốt ra quá dễ dàng, nhiều trẻ bắt đầu cảm thấy "mình không đủ tốt". Những cảm xúc ấy, nếu không được cha mẹ lắng nghe và đồng hành đúng cách, có thể trở thành gánh nặng tâm lý suốt những năm tháng trưởng thành.

Áp lực so sánh

Một buổi sáng ở lớp 7A trường THCS H.B (Hải Phòng), sau tiết thể dục, Lê Thu Hà - một cô bé có vóc người khá tròn trịa - trở về chỗ ngồi, mắt rơm rớm nước. Chỉ vì câu nói đùa rồi cười ha hả của nhóm bạn nam: "Chạy ục ịch như heo thế này thì sao mà giảm cân nổi". Cả ngày hôm đó ở trường, cô bé như người mất hồn, không nói cười vui vẻ như mọi ngày.

Về nhà, Hà không ăn tối, và im lặng đóng cửa phòng. Mẹ em không hay biết chuyện, chỉ vô tình buông thêm một câu: "Con nên tập thể dục đi, nhịn ăn thế này cũng không giúp được gì. Con mập thế này mặc gì cũng xấu!", khiến cô bé càng thêm tự ti, tủi thân.

Một trường hợp khác, Trần Thanh Nam, nam sinh lớp 9, người gầy gò, vai hơi khom. Mỗi lần đi học, Nam đều bị nhóm bạn trêu là "hươu cao cổ" hoặc "giá móc áo". Những lời trêu đùa ấy lặp đi lặp lại suốt nhiều tuần khiến cậu bé bắt đầu né tránh giao tiếp, mặc áo khoác kín dù trời nóng. Thậm chí, Nam viết trong nhật ký rằng "mình thật xấu xí, mình không đáng có mặt trên đời này".

Còn rất nhiều những câu chuyện tương tự đang diễn ra ở nhiều trường học trên cả nước. Những lời nói, nụ cười tưởng như hồn nhiên của bạn bè đã khiến những đứa trẻ bị tổn thương và không thể thoát khỏi tâm trạng u ám, tự oán trách bản thân...

Trẻ mặc cảm ngoại hình: Những việc cha mẹ có thể làm để gỡ gánh nặng tâm lý cho con- Ảnh 1.

Tiến sĩ Tâm lý Phạm Thị Hồng Phương, Trưởng khoa Tâm lý và Khoa học giáo dục, Đại học Đại Nam

Những "nạn nhân" tuổi vị thành niên này đều có chung một nỗi đau: mặc cảm hình thể. Đó không chỉ là nỗi buồn thoáng qua, mà có thể âm ỉ, gặm nhấm lòng tự trọng, khiến trẻ sống khép mình ở lứa tuổi nhạy cảm nhất. Vậy, cha mẹ cần làm gì để đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Tiến sĩ Tâm lý Phạm Thị Hồng Phương- Trưởng khoa Tâm lý và Khoa học giáo dục, Đại học Đại Nam, cho biết: "Trẻ em ngày nay đang lớn lên trong một thế giới đầy ắp những so sánh - đặc biệt trên mạng xã hội, nơi cái đẹp và thành công thường được tô vẽ hoàn hảo.

Ở lứa tuổi vị thành niên, khi đang hình thành nhận thức, trẻ rất nhạy cảm với ánh nhìn từ người khác, đặc biệt là từ bạn bè đồng trang lứa.

Những suy nghĩ như "nếu con không hoàn hảo thì con là người thất bại" hay "ai cũng sẽ cười chê con" không phải hiếm gặp. Nếu cha mẹ không kịp thời nhận ra và đồng hành, những ám ảnh ấy có thể khiến trẻ rơi vào trầm cảm, rối loạn ăn uống hoặc hình thành thói quen tự phán xét bản thân trong âm thầm".

Trẻ mặc cảm ngoại hình: Những việc cha mẹ có thể làm để gỡ gánh nặng tâm lý cho con- Ảnh 2.

Ngoài việc giúp con lấy lại tinh thần và sự tích cực thì cha mẹ có thể cùng con đặt ra kế hoạch cho việc tập thể thao cùng chế độ ăn uống phù hợp.

Khi con tỏ ra buồn bã, tự ti vì ngoại hình, nhiều cha mẹ có xu hướng "động viên nhanh" bằng những câu như "làm gì có ai hoàn hảo" hay "con học giỏi là được rồi". Dù mang ý tốt, nhưng điều này dễ khiến trẻ cảm thấy bị xem nhẹ cảm xúc.

"Cha mẹ cần đồng hành với cảm xúc của con thay vì tìm cách xoa dịu ngay lập tức", TS Hồng Phương nhấn mạnh và chỉ dẫn phụ huynh hãy bắt đầu bằng sự thừa nhận cảm xúc của con. Ví dụ như "Mẹ thấy điều này đang làm con buồn lắm, mẹ rất cảm ơn vì con đã chia sẻ", "Vậy là khi con nhìn thấy bức ảnh đó, con thấy mình không được như con mong muốn nên thấy buồn. Mẹ hiểu điều đó". Đồng thời, hãy gồi bên cạnh con, lắng nghe con, nhìn con bằng ánh mắt nhẹ nhàng, chạm vào tay con nếu cần - những cử chỉ quan tâm nho nhỏ này đôi khi lại có sức mạnh lớn lao trong việc giúp con mở lòng.

Giúp con xây dựng sự tự tin từ bên trong

Nhiều cha mẹ, thầy cô, hoặc chính bạn bè vẫn hay nói những câu tưởng như vô hại: "Con mập lên rồi đấy", "Da đen thế này thì mặc gì?", "Sao dạo này gù lưng thế?"… Nhưng với trẻ đang ở tuổi dậy thì - mỗi lời nói ấy có thể trở thành vết xước dai dẳng về lòng tự trọng.

TS Hồng Phương cho biết: "Dù là đùa hay thật, những lời nhận xét về ngoại hình dễ khiến trẻ hình thành hình ảnh lệch lạc về bản thân. Các em bắt đầu nghĩ, mình không đủ tốt, mình không được yêu thương, thậm chí gắn giá trị bản thân với hình dáng bên ngoài".

Trẻ mặc cảm ngoại hình: Những việc cha mẹ có thể làm để gỡ gánh nặng tâm lý cho con- Ảnh 3.

Cha mẹ nên trao đổi cùng giáo viên để khắc phục tình trạng này - Ảnh minh họa

Không chỉ vậy, trẻ có thể trở nên khép kín, né tránh hoạt động xã hội vì sợ bị trêu chọc; rối loạn ăn uống hoặc ám ảnh cân nặng; lặp lại những lời tự ti như "Con xấu", "Không ai thích con"… ngay cả khi không ai nói gì. Để thay đổi điều đó, cha mẹ hãy bắt đầu từ chính mình: nói về cơ thể với sự trân trọng, khen ngợi con vì sức khỏe, sự nỗ lực - thay vì hình thức bên ngoài.

Tự tin không chỉ đến từ vẻ ngoài mà bắt đầu từ việc con cảm thấy mình có giá trị. Cha mẹ có thể: Khen con vì lòng tốt, sự nỗ lực: "Mẹ rất tự hào vì con đã giúp bạn hôm qua", "Con rất kiên trì, mẹ khâm phục điều đó". Khuyến khích con khám phá sở thích âm nhạc, vẽ, thể thao, làm đồ thủ công… Khi con làm điều mình yêu, con sẽ yêu chính mình hơn. Giúp con viết ra mỗi ngày một điều tích cực về bản thân - không liên quan đến ngoại hình. Cùng con tập nói trước gương: "Con là người tốt, mạnh mẽ và con xứng đáng được yêu thương".

Khi con kể bị bạn bè trêu chọc ngoại hình, đừng vội nói "Kệ đi" hay "Mẹ sẽ gọi cho phụ huynh bạn ấy!". Hãy để con biết mình được tin tưởng và không có lỗi gì bằng câu nói "Mẹ biết điều đó làm con buồn khi phải nghe những lời như vậy". Cha mẹ hãy dạy con cách đặt ranh giới nhẹ nhàng nhưng rõ ràng mỗi khi nghe những lời đùa khiếm nhã: "Tớ không đồng ý khi bị nói như vậy". Nếu chuyện lặp lại, hãy trao đổi với giáo viên, chuyên viên tâm lý học đường, đảm bảo có thể bảo vệ con mà không khiến con cảm thấy áp lực.

Hình thể không phải là tất cả nhưng cách cha mẹ phản ứng có thể là tất cả. Giữa một thế giới đầy tiêu chuẩn ngoại hình, điều trẻ cần nhất không phải là "làm sao để đẹp hơn"- mà là cảm giác mình đã đẹp, đã đủ, đã xứng đáng được yêu thương, trong mắt những người thân yêu nhất. Hãy bắt đầu từ ánh nhìn dịu dàng, một cái ôm ấm áp, và những lời thì thầm rằng: "Con đẹp theo cách riêng của con, và cha mẹ luôn tự hào về con - không chỉ vì con thế nào, mà vì con là chính mình".

Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Hồng Phương

Chia sẻ