Lockdown chính là "quả báo" của thời trang nhanh: Sale không được đành đốt!

Kiko,
Chia sẻ

Hóa ra lượng hàng tồn kho vì dịch Covid-19 của những thương hiệu thời trang nhanh như Zara, H&M... đều cùng chung số phận.

Trong tình cảnh hiện tại, hàng tồn kho là vấn nạn chung của mọi thương hiệu trên toàn thế giới. Tp.HCM lockdown hơn 100 ngày, Melbourne còn giữ kỷ lục đến tận 235 ngày... Khoảng thời gian lockdown càng kéo dài, vấn nạn tồn kho càng trầm kha. Đây cũng là đòn đánh chí mạng đối với các thương hiệu thời trang nhanh.

"Quả báo" của thời trang nhanh

Dù cả Zara lẫn H&M đều phủ nhận, nhưng ai nấy đều rõ phương thức vận hành cơ bản của thời trang nhanh: Cung luôn nhiều hơn cầu, tức số lượng mặt hàng thường xuyên ở tình trạng quá tải theo từng mùa. 

Lockdown chính là "quả báo" của thời trang nhanh: Sale không được đành đốt! - Ảnh 1.

Ra nhiều hàng mới và sale liên tục là chiêu bài chủ chốt của thời trang nhanh.

Chiêu bài quen thuộc như sau: Mục tiêu là bán được khoảng 50% ở mức "full giá", sau đó đồng loạt sale đến tận đáy vào cuối mùa. Nguyên do là bởi đặt hàng càng nhiều, chi phí sản xuất lại càng rẻ. Dần dà phương thức này dẫn đến tình trạng tồn kho khủng khiếp, đơn cử như H&M từng ngồi trên đống hàng tồn có giá hơn 4 tỷ đô. Tệ hơn nữa là H&M không muốn bán tống bán tháo nhờ khuyến mại, bởi động thái này dễ khiến người tiêu dùng mặc định H&M là thương hiệu dẫn đầu về giảm giá. Giá trị thương hiệu theo đó mà cũng dễ sụt giảm không phanh.

Nếu giảm giá cũng không hiệu quả thì phải làm sao? Đốt!!!

Một báo cáo đã ước tính rằng chỉ riêng năm 2015 đã có 73% sản phẩm may mặc bị chôn hoặc đốt, trong khi chưa đến 1% được tái chế.

Lockdown chính là "quả báo" của thời trang nhanh: Sale không được đành đốt! - Ảnh 2.

Năm 2020, H&M đã phải đốt 60 tấn hàng tồn kho.

Chẳng hạn đợt lockdown dài ngày khiến Zara phải đóng cửa đến 95% cửa hàng, tiêu hủy 335 triệu đô hàng tồn kho vào năm ngoái. Cũng may thương hiệu này nhanh tay đầu tư 2,85 tỷ đô vào công nghệ mua sắm trực tuyến và gặt hái được thành công ban đầu khi doanh thu tăng trở lại trong năm nay. Mỗi tội động thái này cũng không giúp Zara giữ vững giá trị thương hiệu.

Bởi lẽ đại dịch đã khiến người tiêu dùng cân nhắc hơn về tính bền vững, chủ nghĩa vật chất cũng như đạo đức kinh doanh của các thương hiệu thời trang nhanh. Trước đại dịch, một cuộc khảo sát do AlphaWise chủ trì cho thấy 70% giới khách hàng có nhu cầu về thời trang bền vững, 58% thổ lộ đã mua sắm ít hơn trước. Và chính Virus Corona là yếu tố khiến thời trang nhanh trở nên "không hợp thời trang", đặc biệt khi người tiêu dùng ngày càng nhận thức cao hơn về môi trường.

Cao cấp đến mấy cũng khổ vì hàng tồn

Không chỉ thời trang nhanh, bí mật đen tối của giới xa xỉ cũng bị vạch trần. Khác với Zara hay H&M, các thương hiệu cao cấp không mấy dùng sale hay bán hàng trực tuyến để làm đòn bẩy. Chẳng hạn như Chanel, nhà mốt này thà lỗ triệu đô cũng không bán online.

Vì vậy để bảo toàn cho hình ảnh và giá trị thương hiệu, Burberry đã thực hiện phi vụ đốt số hàng tồn có giá trị đến 40 triệu đô. Thậm chí có thông tin hành lang rằng tổng số hàng hiệu mà tập đoàn Kering và LVMH "phi tang" hàng năm lên tới hơn 900 triệu đô. Sau đó Burberry chuyển sang gỡ gạc danh tiếng bằng cách giảm giá hàng tồn hay sử dụng làm tặng phẩm, tái chế hoặc quyên góp cho các tổ chức từ thiện.

Lockdown chính là "quả báo" của thời trang nhanh: Sale không được đành đốt! - Ảnh 3.

"Nhờ" Burberry mà lệnh cấm đốt hàng tồn kho đã được ban hành tại Pháp.

Một số nhà mốt khác như Rejina Pyo thì vận dụng chính sách giảm 20% cho giày, 30% cho váy, 40% cho túi... trong 24 giờ/ tuần. Tổ chức các "private sale" với số lượng khách mời hạn chế để xử lý hàng tồn cũng là một ý kiến hay, dù đối mặt nhiều trục trặc trong cách tổ chức và quản lý.

Khi khủng hoảng hàng tồn nghiêm trọng không kém đại dịch

Việc tiêu hủy bằng chôn hay đốt, tựu trung đều gây ô nhiễm môi trường. Trung bình hàng năm ngành công nghiệp thời trang chịu trách nhiệm khoảng 10% lượng khí thải carbon dioxide (CO2) trên toàn cầu.

Đại dịch có thể gián đoạn sản xuất, và cũng để lại cả triệu tấn hàng hóa may mặc bị lãng phí. Để cải thiện tình trạng này, giới chuyên môn đề xuất giải pháp mô hình vòng tròn - tập trung vào tái sản xuất và tái sử dụng. Một số gợi ý khác như dịch vụ cho thuê trang phục, nghiên cứu chất liệu có tính bền vững và tuổi thọ cao, kéo dài kế hoạch sử dụng sản phẩm... cũng được cho là khả thi.

Bởi suy cho cùng, đại dịch rồi sẽ qua đi nhưng hệ quả từ các chất thải độc hại còn lưu lại đến hàng trăm năm. Và chỉ khi các thương hiệu nghiêm túc thực hiện và báo cáo tiến độ của họ đối với các mục tiêu dài hạn, người tiêu dùng mới có thể hy vọng về một tình trạng "bình thường mới" thật sự.

Nguồn: FT, hermes-investment

Lockdown chính là "quả báo" của thời trang nhanh: Sale không được đành đốt! - Ảnh 4.

 

Chia sẻ