Liệu có thực sự đáng lo ngại nếu bố mẹ phát hiện con bị chân cong vòng kiềng?
Nhiều bà mẹ phát hiện con mình sau khi sinh, thậm chí đến khi vài tuổi chân cong thấy rõ nên tỏ ra khá buồn rầu và lo lắng. Vậy hiện tượng này có thực sự đáng lưu tâm và cần phải điều trị ngay lập tức?
Con bị chân cong (vòng kiềng) – nỗi lo không biết tỏ cùng ai của nhiều cha mẹ
Nhiều bà mẹ than thở rằng không hiểu tại sao con mình khi sinh ra lại có đôi chân cong cong, không được thẳng tăm tắp như những đứa trẻ khác. Để hiểu rõ hơn thế nào là chân cong hay còn gọi là chân vòng kiềng, cha mẹ hãy tưởng tượng thật đơn giản đó là hiện tượng khi mà hai đầu gối và xương đùi của bé có hình cong cong, làm cho bé khi đứng hai gối không sát vào nhau, mà cứ “tòe” ra. Hoặc mẹ có thể thử đặt bé đứng thẳng, 2 bàn chân sát vào nhau sao cho 2 mắt cá chân tiếp giáp với nhau. Nếu như chân bị cong thì 2 đầu gối của bé sẽ không chạm vào nhau được.
Nhiều mẹ tỏ ra vô cùng lo lắng khi phát hiện chân con cong cong chứ không thẳng tắp (Ảnh minh họa).
Khi phát hiện con mình có hiện tượng chân vòng kiềng, các bậc phụ huynh thường tỏ ra khá lo lắng phần vì sợ con mắc bệnh, phần vì lo ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng đi lại của con sau này. Thậm chí có những gia đình đã ngay lập tức đưa con nhập viện và cho con thực hiện các bài tập vật lý trị liệu những mong chân con sẽ thẳng hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là liệu có thực sự cần thiết và lo lắng thái quá khi thấy con bị chân vòng kiềng hay không? Nguyên nhân nào khiến chân của bé bị như vậy và cách xử lý phù hợp nhất là gì?
Cong chân do bệnh lý hay chỉ là sinh lý đơn thuần (Ảnh minh họa)?
Nguyên nhân và giải pháp thực sự cho hiện tượng chân cong ở trẻ sơ sinh
Chân cong hay vòng kiềng là một hiện tượng không phải hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhưng không phải bố mẹ nào cũng hiểu rõ và hiểu đúng về hiện tượng này. Bác sĩ Jonathan Halevy, bác sĩ nhi khoa người Israel đã sinh sống và làm việc tại TP.HCM từ năm 2005 cho hay: “Có một sự thật đơn giản đó là: Tất cả trẻ sơ sinh được sinh ra với đôi chân cong. Hiện tượng này hoàn toàn bình thường! Sau khi sinh và trong quá trình lớn lên, chân của bé tiến triển bình thường ở các độ tuổi khác nhau. Cha mẹ không cần quá lo lắng, trên thực tế bé không cần phương pháp vật lý trị liệu nào và cũng không cần bổ sung canxi (trừ khi đó là cong do bệnh lý)”.
Hiện tượng cong chân ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phần lớn là do sinh lý và chân bé sẽ thẳng dần theo thời gian khi trẻ lớn lên qua các giai đoạn phát triển.
Nguyên nhân gốc rễ của cong chân sinh lý đó là do tư thế thai nhi trong tử cung người mẹ, khi 2 chân bắt chéo nhau tạo ra đôi chân vòng kiềng ở trẻ sơ sinh khi chào đời. Hình dáng của đôi chân càng trở nên rõ rệt hơn khi bé bắt đầu đứng và trong khi tập đi. Vì bé chưa biết cách giữ thăng bằng thành thạo như người lớn nên đầu gối sẽ càng cong hơn để giúp tránh té ngã.
Hiện tượng sinh lý này thường kéo dài theo từng giai đoạn như sau:
- Đến khi bé 1 tuổi, khi đó chân bé sẽ bớt cong bởi quá trình bé vận động và đi nhiều nên xương bắt đầu tự điều chỉnh về hình dáng thẳng để chống đỡ sức nặng của cơ thể.
- Đến khi bé 1,5 tuổi, cha mẹ có thể thấy sự cải thiện rõ rệt khi chân bé dần thẳng hơn.
- Từ 2-4 tuổi, hai gối của bé có thể phát triển hơi vẹo vào bên trong một chút để tự điều chỉnh.
- Từ 4-6 tuổi, hai chân bé sẽ thẳng trục trở lại mà không hề gây đau đớn và tác động nào tới quá trình sinh hoạt và đi lại của bé.
Trường hợp cong chân sinh lý hoàn toàn bình thường và không cần điều trị nên cha mẹ có thể yên tâm và không cần lo lắng thái quá (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, nếu cha mẹ phát hiện con có những biểu hiện bất thường với đôi chân thì cần lưu ý và đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Ví dụ: Bé kêu đau, quấy khóc, chân cong bất thường, không thể đứng vững khi tập đứng, tập đi. Nguyên nhân có thể do trẻ bị còi xương, xương bị cong vì thiếu vitamin D, rối loạn phát triển cơ xương, gãy xương nhưng không lành hẳn… Đây là những dấu hiệu của cong chân bệnh lý, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ lại hậu quả về lâu dài, ảnh hưởng tới khả năng vận động của bé.
Mặc dù phần lớn trẻ cong chân là do sinh lý và biến mất theo thời gian, nhưng việc hạn chế các nguyên nhân chủ quan khác như cho bé tập đi quá sớm khi bé chưa sẵn sàng, áp dụng trị liệu không cần thiết hay là vuốt nắn chân con quá nhiều sẽ giúp làm giảm bớt áp lực lên đôi chân con và giúp bé nhanh chóng quay về trục chân thẳng.
Nguồn: Huffpost/FB