Lăn mặt bằng trứng gà luộc: chưa kịp sạch mụn đã bị viêm da
Dùng trứng gà luộc lăn mặt là phương pháp từ lâu đã được các chị em phụ nữ "rỉ tai" nhau vì cho rằng có công hiệu hút mụn đầu đen hiệu quả.
Theo phương pháp này, bạn chỉ cần luộc một quả trứng lên, bóc vỏ rồi lăn đều lên mặt 5-7 phút cho đến khi trứng nguội hẳn. Sau đó, bạn tách lòng trắng ra sẽ thấy lòng đỏ trứng bị vón cục li ti - đây chính là mụn đầu đen bị "hút" ra. Dễ dàng, nhanh chóng, lại có được kết quả hiển thị rành rành trên quả trứng, cho nên cách hút mụn này được nhiều chị em rần rần thử nghiệm và không quên "khoe" thành quả của mình trên rất nhiều diễn đàn, mạng xã hội.
Tuy nhiên, liệu những chất đọng lại bên ngoài lòng đỏ trứng kia có phải là nhân mụn? Và dùng trứng nóng lăn lên mặt như vậy có mang lại hiệu quả như "lời đồn" hay không? Tác dụng thật sự của phương pháp này vẫn gây rất nhiều băn khoăn.
Ảnh: Internet
Thực tế là trên thế giới hiện nay chưa hề có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh được trứng luộc có thể hút được nhân mụn ra ngoài cả. Phương pháp làm đẹp này hoàn toàn chỉ là do chị em phụ nữ truyền tai nhau và rất vô căn cứ. Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - ĐH Bách Khoa) cho biết: "Trong dân gian, cũng có một số kinh nghiệm chườm nóng bằng trứng gà được nhiều người sử dụng và khá hiệu quả, như trong việc làm giảm những vết bầm tím, tụ máu hay mụn nhọt... Tuy vậy, trứng gà luộc dù đang nóng cũng không thể hút được mụn đầu đen. Chưa kể khi trứng quá nóng mà lăn lên da mặt nhạy cảm còn có thể gây bỏng da, tổn thương da."
Lòng trắng trứng là một loại chất đạm có tên Abumin, về nguyên tắc thì chúng không thể nào có tác dụng hút được mụn, cho dù có làm nóng hay không. Theo lương y Vũ Quốc Trung, phương pháp dùng trứng hút mụn là thiếu cơ sở khoa học và các chị em không nên tin tưởng làm theo vì rất dễ xảy ra những sự cố đáng tiếc. Ông nói: "Thậm chí, nếu da mặt không sạch sẽ hoặc đang bị xây xát, trứng có thể gây nhiễm trùng cho da."
Hiện tượng này là do quá trình lăn tác động lên lòng đỏ trứng (Ảnh: Internet)
Một số người đã từng thử phương pháp này cho biết, khi họ lăn trứng ở những vùng không bị mụn khác cũng đều cho ra kết quả lòng đỏ vón cục tương tự, cho nên hiện tượng đó không phải do nhân mụn đầu đen bị hút ra mà do quá trình lăn tác động lên lòng đỏ nóng. Các chị em phụ nữ khi làm đẹp cần tỉnh táo để chọn lựa cách nào tốt nhất cho mình, đừng chỉ mù quáng nghe theo những lời khuyên truyền miệng thiếu căn cứ, chưa được qua kiểm chứng nào cả. Lợi đâu không thấy, có khi còn rước thêm họa vào thân.
(Tổng hợp)