Lặn lội từ Hà Nam ra Hà Nội, mẹ trẻ chia sẻ kinh nghiệm đi đẻ ở Bệnh viện Phụ sản giữa mùa dịch

Bạc Hà ,
Chia sẻ

Lặn lội từ Hà Nam ra tận Hà Nội, chị T. đã có những chia sẻ chân thực về quá trình đi đẻ của mình giữa những ngày Thủ đô đang thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Người ta thường nói “cửa sinh là cửa tử” vì vậy bất kể mẹ bầu nào cũng đều rất cẩn thận trong việc lựa chọn bệnh viện để sinh con. Đặc biệt trong thời điểm các thành phố lớn giãn cách xã hội để chống dịch như hiện nay, vấn đề đó lại càng khiến nhiều mẹ đau đầu cân nhắc.

Thấu hiểu nỗi lo của nhiều mẹ bầu về vấn đề này. Mới đây, một tài khoản Facebook tên Đ.T đã có những review chân thực về quá trình đi đẻ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đúng lúc Thủ đô đang thực hiện giãn cách, giúp chị em có thêm thông tin để lựa chọn bệnh viện phù hợp.

Theo đó, chị cho biết chị sinh bé thứ 3, lần này là sinh thường. Ca sinh của chị diễn ra vào đầu tháng 8 khi mà Hà Nội vẫn đang chuỗi ngày thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Chị T. chỉ đi cùng ông xã vì thời gian này bệnh viện chỉ cho phép sản phụ chọn một người thân vào chăm sóc từ đầu đến cuối và tuyệt đối không được tự ý ra khỏi khoa.

Khi thai nhi được 39 tuần 6 ngày chị vào viện khám thì được bác sĩ chỉ định test Covid để hôm sau nhập viện kích sinh bởi chị không có dấu hiệu chuyển dạ. Khám xong xuôi thì hai vợ chồng chị tiến hành đi test Covid và sau đó hoàn tất thủ tục nhập viện.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện rất nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch để đảm bảo an toàn tốt nhất cho sản phụ khi đến đây sinh con. (Ảnh: Minh họa)

Chia sẻ thêm về trải nghiệm ngày sinh con của mình, chị T. kể: “Mình sinh lần 3 nhưng tử cung mở khá chậm, trong lúc ở phòng đẻ thì chỉ có các chị hộ sinh khám trong liên tục và theo dõi các chỉ số cho mình, các chị rất nhẹ nhàng, thân thiện, dạy mình cách rặn, hỗ trợ mình uống nước,... Tới khi mở hết 10cm thì hộ sinh gọi cho bác sĩ vào đỡ đẻ, khoảng 2h kém 15 mình đã sinh bé. Bé được da kề da với mẹ luôn, nằm trên bụng mẹ 60 phút kể từ khi sinh (xa mẹ có lúc đi cân bé thôi ạ).

Vì sinh thường nên chiều ngày hôm sau là chị đã ra viện. Từ lúc sinh bé xong đến khi ra viện chị T. đặt một phòng lưu viện với 2 giường, với giá 3 triệu đồng/ngày. Phòng ốc rất gọn gàng, sạch sẽ và thoáng mát. Trong phòng có sẵn tã chéo, áo, chăn ủ cho con, phích nước nóng, bình nước, cốc, 1 bộ kem đánh răng, bàn chải, dầu gội, sữa tắm, chậu nhỏ và bô. Ga và váy áo của mẹ thì bẩn có thể đổi.

Phòng lưu viện rất sạch sẽ và tiện nghi. (Ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội)

Do dịch nên một ngày chỉ được đăng ký 3 bữa ăn chứ không phải 5 bữa như trước nên hơi đói. Ngoài ra, người nhà đi kèm cũng chỉ được quanh quẩn trong khoa và không được ra ngoài để đảm bảo an toàn nên không mua thêm được gì. Vì vậy các mẹ rút kinh nghiệm cho mình nên mang theo sữa đi để đẻ xong hoặc khi đói có thể uống.

Còn cơm và cháo của viện ăn cũng tạm ổn. Trong quá trình ở viện nếu cần hỗ trợ các mẹ có thể ấn chuông gọi y tá, các chị y tá rất nhiệt tình và thân thiện.

Lặn lội từ Hà Nam ra Hà Nội đi đẻ ngày giãn cách xã hội, sản phụ yên tâm khi chọn bệnh viện này để vượt cạn an toàn  - Ảnh 3.

Suất cơm được đánh giá là khá ngon và đầy đủ. (Ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội)

Về các dịch vụ chăm sóc sau sinh cho sản phụ của bệnh viện được chị T. đánh giá khá ổn. Chị được chiếu tia plasma 4 lần, xông vùng kín, y tá vệ sinh 3 lần/ngày tại giường.

Lặn lội từ Hà Nam ra Hà Nội đi đẻ ngày giãn cách xã hội, sản phụ yên tâm khi chọn bệnh viện này để vượt cạn an toàn  - Ảnh 4.

Gói lấy máu gót chân sàng lọc cho em bé hết hơn 3.600.000 VNĐ. (Ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội)

Em bé sau sinh chị T. cũng đăng ký lấy máu gót chân sàng lọc hết hơn 3.600.000 VNĐ. Tính tổng cả quá trình đi sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội của chị Đ.T hết khoảng 25.000.000 VNĐ.

Do ở Hà Nam lên Hà Nội đi đẻ, sau khi xuất viện hai vợ chồng chị đi xe gia đình từ viện về thẳng Hà Nam và sau đó cách ly 14 ngày tại nhà. Khi qua chốt kiểm tra trên đường về thì chỉ cần xuất trình giấy ra viện có ghi kết quả âm tính PCR là được thông qua.

Hiện tại, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thực hiện các quy định về phòng chống dịch như sau:

- Sàng lọc tất cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi nhập viện.

- Phân luồng bệnh nhân có nguy cơ tại khu vực riêng biệt, tránh nguy cơ lây nhiễm.

- Thực hiện nghiêm túc phương án "4 tại chỗ", đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh: Làm việc tại chỗ - Ăn uống tại chỗ - Sinh hoạt, Nghỉ ngơi tại chỗ - Điều trị tại chỗ và tổ chức làm việc luân phiên 7-14 ngày tại bệnh viện mới đổi ca.

Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đến Bệnh viện thông qua việc thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch cũng rất quan trọng như:

- Phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi nhập viện.

- Mỗi bệnh nhân chỉ tối đa 1 người nhà chăm sóc trong suốt quá trình nằm viện và không được đổi người chăm sóc.

- Bệnh viện cung cấp suất ăn tại giường phục vụ toàn bộ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, vì vậy, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không đi ra khỏi khuôn viên khoa mình điều trị (trừ khi có yêu cầu), không nhận đồ ăn gửi từ bên ngoài vào bệnh viện.

- Thực hiện nghiêm túc quy định 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

- Người nhà bệnh nhân đeo vòng đeo tay dành cho người nhà trong suốt quá trình nằm viện.

Chia sẻ