Lần đầu làm mẹ, "bỏ túi" ngay những việc nên và không nên làm với con
Có những việc mẹ tưởng làm vậy là tốt cho con, nhưng các chuyên gia lại xếp nó vào việc không nên làm.
Trong một buổi diễn thuyết về chủ đề về nuôi dạy con, nhà báo khoa học nổi tiếng người Anh, Helen Pearson, tác giả của cuốn sách "The Life Project" (Tạm dịch: Dự án cuộc sống), đồng thời cô còn là Tổng biên tập của Tạp chí Nature đã chia sẻ một số việc mà bố mẹ nên và không nên làm trong quá trình chăm sóc con. Cũng trong buổi nói chuyện này, nhà báo Helen đã tiết lộ rằng cô luôn dành 15 phút mỗi tối để nói chuyện về 1 ngày của con, sau đó, cô sẽ đưa các con vào phòng ngủ.
Theo các chuyên gia tâm lý, đây là một hành động ngọt ngào và thông minh, nó giúp cho sợi dây kết nối giữa bố mẹ và con cái được bền chặt, giúp trẻ hiểu rằng mình vẫn quan trọng đối với mẹ, và con sẽ tin tưởng chia sẻ cùng mẹ mọi điều mà con đã trải qua.
Ngoài hành động này ra, nhà báo Helen còn đưa ra lời khuyên về những việc mà bố mẹ nên và không nên làm trong khi chăm sóc con, nhất là những người lần đầu làm mẹ. Chẳng hạn như:
1. Cho con ngủ chung đến khi con được 3 tuổi
Tiến sĩ Nils Bergman, chuyên Khoa thần kinh làm việc tại trường Đại học Cape Town (Nam Phi), cho biết để phát triển tối ưu, trẻ sơ sinh khỏe mạnh nên được ngủ trên ngực mẹ trong vài tuần đầu. Sau đó, mẹ nên cho bé ngủ cùng giường cho đến khi trẻ được ba, thậm chí là bốn tuổi.
Bởi theo kết quả một nghiên cứu theo dõi 1 nhóm bé sơ sinh lúc thì được ngủ với mẹ, lúc thì ngủ một mình trong cũi, Tiến sĩ Bergman đã phát hiện ra rằng nhịp tim của các em bé khi ngủ trong cũi đập nhanh gấp 3, nghĩa là em bé bị căng thẳng gấp 3 lần khi phải ngủ một mình.
Vì vậy, tác giả nghiên cứu khuyến cáo các mẹ nên cho con ngủ cùng giường cho đến khi con được 3 – 4 tuổi. Ủy ban Sinh sản Quốc gia Anh ủng hộ việc cha mẹ ngủ cùng giường với con, nhưng để đảm bảo an toàn, cha mẹ có con nhỏ phải không hút thuốc, không uống rượu hoặc sử dụng ma túy và không bị béo phì, ốm yếu hoặc mệt mỏi quá mức.
2. Để con tự ăn
Thay vì ép con ăn các thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây thì bố mẹ nên đặt các loại thức ăn này ngay trên bàn ăn của trẻ. Thêm vào đó, bố mẹ cũng không cần phải lo lắng về việc con ăn bao nhiêu, đã no hay chưa, vì cơ thể trẻ sẽ tự biết thế nào là đủ.
Do đó, bố mẹ không nên gây áp lực cho trẻ về việc ăn nhiều ăn ít. Hãy cứ để tất cả thức ăn lên bàn và để con tự quyết định ăn gì và ăn bao nhiêu.
3. Không nên ép con ngồi bô sớm
Bác sĩ nhi khoa Ari Brown, người thành lập nên phòng khám 411 dành cho các bệnh nhi ở Austin, Texas (Mỹ) cho biết độ tuổi thích hợp để học ngồi bô sẽ do mỗi đứa trẻ tự quyết định. Vì trẻ chỉ quan tâm đến việc này khi con đã sẵn sàng. Nhưng thông thường thì độ tuổi này sẽ nằm ở quãng 2 đến 4 tuổi. Vậy nên bố mẹ đừng nôn nóng sốt ruột.
4. Cho con quyền quyết định
Mọi đứa trẻ, dù còn nhỏ, cũng đều có những lựa chọn riêng của mình. Bác sĩ nhi khoa Gwenn Schurgin O'Keeffe – Giám đốc điều hành của công ty Pediatrics Now, nói rằng các quy định nghiêm ngặt không phải là lựa chọn tốt nhất trong việc nuôi con. Tốt nhất là bố mẹ nên cho con quyền lựa chọn. Ví dụ bố mẹ sẽ hỏi con thích ăn gì vào bữa tối, hoặc con muốn mặc áo màu hồng hay vàng.
5. Chú ý các dấu hiệu bất thường của con
Trẻ sơ sinh thì cần được bú sữa thường xuyên, khoảng 2 - 3 giờ/lần. Nhưng nếu bố mẹ để ý thấy con không chịu thức dậy để bú hoặc bú không hết phần sữa của mình thì có thể là trẻ đang bị bệnh.
Ngoài ra, bố mẹ nên để mắt để cách con khóc hoặc con có ngủ/thức nhiều hơn bình thường hay không. Nếu thấy có vấn đề bất thường, bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
6. Dỗ con nín khóc bằng những mẹo khác nhau
Đôi khi trẻ sơ sinh sẽ khóc mà không cần lý do. Và bố mẹ nên để ý nếu thấy con vẫn ăn no, ngủ đủ giấc, bỉm khô ráo, không có vẻ bị đau ở đâu mà vẫn khóc, thì bố mẹ hãy áp dụng thử các kỹ thuật dỗ trẻ nín dưới đây xem sao:
- Lắc lư con nhè nhẹ trên ghế bập bênh hoặc trong vòng tay bố mẹ.
- Cho con nghe nhạc nhẹ.
- Bế con trên tay hoặc đặt con trong xe đẩy đi bộ quanh nhà.
- Cho con nghe tiếng ồn trắng nhịp nhàng như tiếng quạt, hay tiếng máy rửa chén.
7. Lờ đi khi con đang ăn vạ
Ăn vạ với bố mẹ ở nơi công cộng là kịch bản mà trẻ mới biết đi thường hay sử dụng nhất. Và Tiến sĩ, bác sĩ nhi khoa Tanya Remer Altmann, giảng dạy tại trường Đại học California, Los Angeles (Mỹ), cho biết cách tốt nhất để chặn đứng cơn ăn vạ là bỏ qua nó. Khi trẻ đang ở một nơi an toàn, bố mẹ chỉ cần đừng nhìn vào con. Ngay khi nhận ra mọi nỗ lực của mình đều không có hiệu quả, trẻ sẽ ngừng khóc và mọi chuyện sẽ kết thúc.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể đưa cho con món đồ chơi yêu thích để đánh lạc hướng và con sẽ quên ngay chuyện mình đang ăn vạ.
Nguồn: Brightside