Bác sĩ nhi giải thích vì sao không nên nêm 1 hạt muối nào khi chế biến đồ ăn dặm cho con

H.Thanh,
Chia sẻ

Có 3 lý do để các mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn đồ ăn dặm có nêm mắm muối mà nhiều người vẫn hiểu lầm.

Hầu hết các mẹ đều biết rằng nêm muối vào đồ ăn dặm của con là không tốt nhưng vì xung đột với ông bà khi chăm sóc con cái nên vẫn "tặc lưỡi" để con ăn những bát cháo có nêm nước mắm, nêm muối. Quan niệm của đa số thế hệ trước là "Cho trẻ ăn nhạt thế sao nó nuốt nổi", "Nêm mắm muối vào mới vừa miệng chứ"...

Trong quá trình thăm khám cho các bệnh nhi, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang (hiện đang công tác tại Bệnh viện ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh) đã bắt gặp không ít trường hợp trẻ dưới 1 tuổi ăn đồ ăn dặm có nêm mắm muối. Bác sĩ Sang kể: "Chiều nay, khi đang khám cho 1 bé 10 tháng viêm phổi, tôi vô tình thấy bà ngoại mang hộp đồ ăn dặm vào, mở nắp ra cho nguội. Tôi ngửi thấy mùi nước mắm nêm thơm lừng. "Cho hỏi hộp này nấu cho con đúng không bà?". "Dạ. Đúng rồi bác", bà trả lời. "Bà có nêm nước mắm đúng không?", "Dạ bác", "Ôi trời. Sau này đừng nêm nữa nha. Trẻ dưới 12 tháng không nêm muối hay nước mắm vào đồ ăn".

Bác sĩ giải thích vì sao không nên nêm 1 hạt muối nào khi chế biến đồ ăn dặm cho con - Ảnh 1.

Và đây là những lý do bác sĩ Nguyễn Thanh Sang giải thích vì sao không nên nêm 1 hạt muối nào vào đồ ăn dặm của trẻ dưới 12 tháng tuổi:

Thứ nhất, thận của trẻ dưới 12 tháng tuổi chưa trưởng thành như người lớn nên khả năng đào thải muối không tốt.

Chức năng thận của trẻ em chưa hoàn thiện ngay từ lúc mới sinh ra mà chỉ đạt chức năng ngang người lớn sau 3 tuổi. Nghĩa là nếu như con bạn dưới 12 tháng tuổi, độ lọc của thận chỉ bằng 1/3 người lớn. Muối lọc qua thận, thận trẻ con chưa lọc nổi muối, việc nêm muối ấy khiến con bạn quá tải muối trong cơ thể, trước mắt thì gây tổn thương thận và lâu dài là gây các bệnh lý mạn tính như tim mạch, huyết áp....

Thứ hai, quan niệm nêm muối vào đồ ăn cho trẻ ăn ngon miệng là sai lầm. Ngon với người lớn chứ cực mặn với trẻ con. Đừng bao giờ áp dụng chế độ ăn người lớn cho con nít. Chúng ta hay nêm muối vào thức ăn vì đó là 1 trong 5 vị căn bản để giúp thức ăn ngon hơn. Một nồi canh nhạt nhẽo sẽ chẳng người trưởng thành nào nuốt nổi nhưng với trẻ con là hoàn toàn bình thường. Cũng giống như bạn thử uống sữa mẹ sẽ thấy nó lợ lợ và tanh đến nỗi nôn ói ra. Nhưng trẻ con vẫn bú 100% mỗi ngày và cao lớn đó thôi.

Số lượng cơ quan cảm nhận vị giác của trẻ em cao hơn người lớn rất nhiều, nghĩa là, cùng một kích thích nhưng vị giác trẻ con nhận được sẽ mạnh và nhanh hơn người lớn. Đó là lí do vì sao đôi khi chỉ 1 ít tiêu hoặc hành trong cháo nhưng những đứa trẻ vẫn không thể ăn là vậy.

Bác sĩ giải thích vì sao không nên nêm 1 hạt muối nào khi chế biến đồ ăn dặm cho con - Ảnh 3.

Ảnh minh họa 1gr muối.

Thứ ba, quan niệm nêm muối cho trẻ thêm cứng cáp là càng sai thêm. Các nghiên cứu đều ghi nhận vùng nào lượng NaCl tiêu thụ càng nhiều thì tỷ lệ bệnh tim mạch, tăng huyết áp và đột quỵ càng cao. Và Việt Nam ta là một trong những nước ăn mặn khủng khiếp!

Trẻ dưới 12 tháng chỉ cần 1gram muối mỗi ngày, nhưng mẹ không cần nêm thêm vì lượng Nacl này đã có sẵn trong bột ăn dặm, sữa công thức hay trái cây... Việc nêm muối chỉ làm thận con bạn trở nên quá tải và nó phải tăng thải muối ra ngoài qua nước tiểu. Thận chỉ thực sự hoàn thiện chức năng sau 3 tuổi.

Khuyến cáo của NHS (Trung Tâm Y tế Quốc gia của Anh) thì lượng muối tối đa theo tuổi như sau:

- Dưới 12 tháng tuổi: 1g muối/ngày (<0.4gr Natri) (1g muối chỉ bằng 1/6 thìa cà phê)

- 1 đến 3 tuổi: 2g muối/ngày (0.8g Natri)

- 4 đến 6 tuổi: 3g muối/ngày (1.2g Natri)

- 7 đến 10 tuổi: 5g muối/ngày (2g Natri)

- Trên 11 tuổi: 6g muối/ngày (2.4g Natri)

Theo như khuyến cáo trên thì đứa bé 11 tuổi mới cần 1 muỗng nêm cà phê muối mỗi ngày mà thôi.

Tóm lại:

1. Thận trẻ chỉ thực sự trưởng thành sau 3 tuổi.

2. Nêm muối cho bé dưới 12 tháng tuổi là sai.

3. Quan niệm nêm muối vào đồ ăn cho trẻ ăn ngon miệng là sai.

Bác sĩ giải thích vì sao không nên nêm 1 hạt muối nào khi chế biến đồ ăn dặm cho con - Ảnh 5.

4. Quan niệm nêm muối vào đồ ăn cho trẻ cứng cáp càng sai.

5. Món ăn quá mặn là một trong những nguyên nhân khiến con uống nhiều nước và nôn trớ sau đó.

6. Món ăn quá mặn là một trong những nguyên nhân khiến con biếng ăn và sợ ăn cháo.

7. Nếu ông bà vẫn giữ quan niệm nêm muối vào đồ ăn dặm cho con thì CHÍNH MẸ hãy là người nấu những bữa ăn cho con. Hãy bỏ ra 15 phút để nấu nồi cháo khoa học cho chính con mình.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang nhắc lại rằng: "Con là con của mình. Mình là mẹ và là người chịu trách nhiệm cao nhất cho cuộc đời con. Nếu có nấu đồ ăn dặm cho bé thì đừng nêm muối vào đồ ăn cho con dưới 12 tháng tuổi".

Chia sẻ