Làm trắng răng bằng miếng dán - Lợi hay hại nhiều?
Mang nhiều ưu điểm như nhanh trắng, giá mềm và tiện lợi, nhưng không vì thế mà miếng dán trắng răng không mang những nguy cơ tiềm tàng với răng.
Từ trước đến nay, sở hữu một hàm răng trắng đều luôn là chìa khóa then chốt cho một gương mặt rạng ngời xinh đẹp. Bạn nghĩ xem, liệu một khuôn mặt duyên dáng có còn hoàn hảo nếu bạn nở nụ cười với một hàm răng vàng xỉn? Vậy nên, không có gì khó hiểu khi phái đẹp bỏ hàng đống tiền vào việc chăm sóc cho hàm răng của mình.
Tuy nhiên, chăm sóc răng miệng không phải là chuyện một sớm một chiều. Nó không đơn giản như việc ở nhà bôi kem dưỡng da, đắp mặt nạ là sẽ có da đẹp, không phải là cứ ra thẩm mỹ viện làm mũi là mũi sẽ cao và xinh. Làm răng đòi hỏi nhiều thời gian hơn, nhiều tiền bạc hơn và thậm chí là cả đau đớn. Bạn phải ghé nha sĩ đều, lui tới thẩm mỹ thường xuyên và giá cả của mỗi lần như vậy không hề dễ chịu chút nào. Chính vì thế, phái đẹp cần biện pháp gì đó nhanh gọn hơn, tiết kiệm hơn, và từ đó mà phương pháp sử dụng miếng dán làm trắng răng ra đời.
1. Rẻ, nhanh gọn, hiệu quả
Miếng dán làm trắng răng có dạng trong suốt như băng dính, trong đó có chứa sẵn hoạt chất làm trắng hydrogen peroxide (liều lượng tùy thuộc vào các thương hiệu khác nhau). Chất này cùng một số nguyên liệu cần thiết khác có tác dụng làm trắng, loại bỏ hoàn toàn những chất bẩn bám trên bề mặt răng, ngăn ngừa sự xuất hiện của cao răng và được chứng minh là ít có nguy cơ gây dị ứng.
Vậy là, muốn làm trắng răng, bạn chỉ việc dán trực tiếp miếng băng vào răng rồi... thong thả chờ thuốc trên đó tẩy trắng cho hàm răng của bạn. Mỗi lần sử dụng miếng dán làm trắng răng, người dùng chỉ mất khoảng 30 phút để dán mỗi ngày, nhưng lại chỉ mất khoảng từ 3 ngày để bắt đầu thấy hiệu quả và từ 14 - 20 ngày để có được hàm răng trắng sáng như mong muốn. Nhanh gọn và hiệu quả tức thì - chính những đặc điểm ưu việt dễ thấy này đã khiến không ít người "ngang nhiên" sử dụng miếng làm trắng răng một cách đơn giản, thoải mái... như dùng kem đánh răng hàng ngày vậy.
Tất nhiên, đã là tác động nhân tạo, nhất là có sử dụng đến chất hóa học lên cơ thể thì chắc chắn sẽ phải có ảnh hưởng không tốt về mặt sức khỏe. Ví như làm móng nhiều có thể gây ung thư, lạm dụng PTTM có thể làm biến dạng, thay đổi cấu trúc khuôn mặt... thì làm trắng răng cũng có nguy cơ tiềm tàng nguy hiểm không kém. Đây có lẽ cũng là lí do vì sao, trước làn sóng sử dụng miếng dán làm trắng răng đang lan rộng hiện nay, nhiều nha sĩ đã khuyên khách hàng của mình nên cẩn thận khi sử dụng sản phẩm miếng dán trắng răng, và tốt nhất là nên thực hiện tại các trung tâm, bệnh viện uy tín. Vậy, thực chất điểm có hại cho người dùng miếng làm trắng răng là gì, và tầm ảnh hưởng xấu của nó đối với con người nghiêm trọng tới mức nào?
Miếng dán... không có khả năng tẩy trắng răng
Sở dĩ có khẳng định như vậy là bởi, chất hydrogen peroxide có trong miếng dán làm trắng cũng chính là chất tẩy răng mà các nha sĩ dùng cho khách hàng. Thông thường, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng nồng độ hydrogen peroxide là 45% để tẩy trắng răng trước trong khoảng 1 tiếng, rồi lại tiếp tục với một dụng cụ chuyên biệt (không làm ảnh hưởng tới nướu răng) có chứa hydrogen peroxide ở nồng độ từ 10 - 15%, đây được coi là nồng độ an toàn của chất tẩy này. Tuy nhiên, miếng dán làm trắng răng với nồng độ hydrogen peroxide theo quảng cáo chỉ là khoảng 10%. Theo các nha sĩ thì chắc chắn nồng độ đó không thể giúp tẩy trắng răng chỉ trong... 3 đến 14 ngày. Nồng độ này chỉ có thể thành công với thời gian sử dụng... trên 2 tháng. Còn nếu miếng dán bạn mua có khả năng làm trắng răng trong thời gian ngắn bất ngờ, thì điều này chứng tỏ miếng dán của hãng đó sử dụng nồng độ hydrogen peroxide cao hơn. Và lúc này, hậu quả sẽ lại đi theo một chiều hướng khác...
Đốt cháy nướu răng, hoại tử, tụt nướu