Chiêu “hạ hỏa” cho những bé hay cáu giận

Gia Linh,
Chia sẻ

(aFamily.vn) - Ở trẻ nhỏ, cách thể hiện cảm xúc mỗi khi cáu giận có thể khác nhau, bởi vậy nên phương pháp xoa dịu cơn cáu giận cũng sẽ khác nhau đối với từng đứa trẻ.

Mỗi lần không hài lòng là Đậu Đỏ lại hét lên ầm ĩ. Dù bố mẹ có mắng thế nào thì lần sau, cứ cảm thấy không thoải mái là con lại tiếp tục hét như vậy. Bực lắm, chị Thanh – mẹ Đậu Đỏ phải dùng đến cách tét vào mông con vài cái để bé chịu ngồi yên không hét nữa. Những tưởng Đậu Đỏ sẽ sợ và không làm như vậy. Tuy nhiên, Đậu Đỏ không những không chịu ngồi yên mà còn hét to hơn, có điều, con bé đã biết đứng tránh xa mẹ để không bị đánh.

Bé Cún con chị Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) thì lại thích ném thứ gì đó vào người khác mỗi lần cáu giận. Dù chị Liên đã nhiều lần nói rằng con không được làm như vậy nhưng có vẻ như Cún không nghe lời mẹ.

Lo sợ con có vấn đề về tâm lý nên chị Liên lên các trang mạng xã hội tìm hiểu thì nhận thấy rằng có rất nhiều đứa trẻ giống con mình. Thực tế thì việc hét lên ầm ĩ hay ném đồ đạc vào người khác chỉ là cách để trẻ giải tỏa cảm xúc. Ở trẻ nhỏ, cách thể hiện cảm xúc mỗi khi cáu giận có thể khác nhau, bởi vậy nên phương pháp xoa dịu cơn cáu giận cũng sẽ khác nhau đối với từng đứa trẻ.

Nói về điều này, giáo sư Gaile – Chuyên viên phân tích tâm lý trường Đại học Minnesota cho biết: “Đối với một số trẻ, việc cắn móng tay, thích ngồi một mình hay muốn được an ủi, vỗ về trong lòng mẹ, lắng  nghe một câu chuyện có thể khiến trẻ nhanh chóng dịu đi cơn giận giữ. Trong khi đó, một số trẻ khác lại phải hét lên thật to bởi nếu không, trẻ có thể phải đập phá một thứ gì đó mới hả giận”.

Chiêu “hạ hỏa” cho những bé hay cáu giận 1

Khi thấy con như vậy, các ông bố bà mẹ có thể dùng những phương pháp dưới đây để giúp con bình tĩnh trở lại:

1. Ôm con vào lòng

Việc ôm con thật chặt vào lòng sẽ khiến trẻ cảm thấy mình luôn được an toàn. Người lớn hoàn toàn có thể áp dụng cách này để giúp trẻ bình tĩnh trở lại.

Thông thường, trẻ nhỏ sẽ có xu hướng thích làm những việc được người khác chú ý. Ví dụ, nếu bị vấp ngã và không ai để ý, con có thể sẽ cố gắng khóc và hét to dù không bị đau. Nếu lúc này người lớn quát mắng hoặc yêu cầu trẻ phải nín ngay thì rất có thể trẻ sẽ ấn tượng và… ghét. Hãy ôm con vào lòng để trẻ luôn cảm nhận được sự quan tâm của bố mẹ. Tất nhiên, người lớn không nên áp dụng phương pháp này quá nhiều để tránh tạo thói quen dựa dẫm cho trẻ.

2. Tìm chỗ trút giận cho con

Cũng giống như người lớn, khi cảm thấy bức xúc, trẻ sẽ vô cùng khó chịu. Việc kìm hãm cảm xúc được cho là không tốt, bởi vậy,  người lớn có thể tìm cho con chỗ như chiếc gối bông để con trút giận.

3. Lắng nghe lời trẻ  nói

Đối với trẻ con, lắng nghe dường như là một liều thuốc an thần rất hiệu quả. Nếu con cảm thấy có người đang chia sẻ với mình, con sẽ không cáu giận nữa. Việc cùng con trò truyện và giúp con giải quyết mọi vấn đề sẽ giúp trẻ học cách điều tiết cảm xúc của bản thân.

4. Cha mẹ cần phải bình tĩnh

Nếu bạn thường xuyên không biết giữ hoặc điều hòa cảm xúc của mình thì rất có thể sau này con cũng sẽ trở thành người giống như bạn. Cách tốt nhất dạy con biết kiềm chế cảm xúc của bản thân chính là hãy trở thành một tấm gương cho con ngay từ khi trẻ còn nhỏ.

5. Đánh lạc hướng sự chú ý

Chơi đồ chơi, vẽ tranh hoặc thêu thùa sẽ giúp trẻ điều tiết cảm xúc rất tốt. Những thú vui này sẽ giúp trẻ nhanh chóng chuyển hướng sự chú ý.



Nếu con bạn là một trong những đứa trẻ có tính cứ cáu giận là quăng đồ thì nên đọc bài viết sau đây.
Chiêu “hạ hỏa” cho những bé hay cáu giận 2
Chia sẻ