Làm gì khi con hay giận dỗi?

Vân Huyền,
Chia sẻ

Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.

Làm gì khi con hay giận dỗi? - Ảnh 1.

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, có một số trẻ dỗi hờn nhiều hơn, trong khi trẻ khác chỉ thỉnh thoảng mới buồn rầu.

Đôi khi, trẻ giận dỗi vì muốn xem cha mẹ có thực sự quan tâm đến mình hay không. Hoặc, trẻ sử dụng cơn hờn giận như một cách để lôi kéo sự chú ý của cha mẹ. Trong trường hợp này, cha mẹ cần nhẹ nhàng nhưng vẫn kiên quyết, ứng phó trước những cơn giận dỗi của trẻ.

Cung bậc cảm xúc tự nhiên

Hờn dỗi, tức giận, cáu gắt, la hét, gào khóc… là một trong vô vàn những cung bậc cảm xúc tự nhiên xảy ra đối với một đứa trẻ. Đặc biệt, những cảm xúc này xuất hiện trong giai đoạn hình thành và phát triển tính cách, tâm sinh lý của trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu để những cảm xúc này vượt quá mức kiểm soát sẽ gây nên những ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của trẻ.

Các cơn hờn giận của trẻ thường xuất hiện vào cuối năm đầu đời, phổ biến nhất ở trẻ từ 2 đến 4 tuổi và thường gián đoạn sau khi trẻ lên 5 tuổi. Nếu cơn hờn giận của trẻ thường xảy ra sau 5 tuổi, chúng có thể tồn tại suốt thời thơ ấu.

Cơn giận dỗi của trẻ có thể bao gồm các biểu hiện: Hét lên; bé hay khóc thét; khóc; lăn trên sàn; nhảy dậm chân; vứt đồ đạc. Thậm chí, trẻ có thể trở nên đỏ mặt và đánh hoặc đá một ai đó.

Napoleon từng nói: “Những người có thể kiểm soát được cảm xúc còn giỏi hơn cả những vị tướng giành chiến thắng. Ngược lại, những người không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân thực sự tệ hại. Họ làm mọi việc mà không nghĩ đến hậu quả, dựa vào cảm xúc để kiểm soát mọi hành vi. Họ có thể làm tổn hại chính mình và tổn thương người khác”.

Có thể nói, việc quản lý cảm xúc là một việc làm quan trọng trong sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ. Thậm chí, khả năng kiểm soát cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến việc trẻ có thể có được các mối quan hệ với những người tốt và một tinh thần lành mạnh trong tương lai hay không. Một đứa trẻ biết kiểm soát cảm xúc sẽ có thể chấp nhận và đối phó với những nỗi buồn, sự lo lắng của mình.

Một nghiên cứu về giáo dục trẻ em cho thấy, những trải nghiệm cảm xúc của trẻ trước 6 tuổi có một tác động lâu dài trong cuộc đời một người. Nếu không thể tập trung chú ý, tính cách của trẻ sẽ là bi quan, cô đơn, lo âu, không hài lòng với bản thân và hay ăn vạ... Những điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách tương lai của trẻ. Hơn thế nữa, nếu những cảm xúc tiêu cực xảy ra thường xuyên và liên tục, chúng sẽ ảnh hưởng lâu dài tới tính cách, sức khỏe và các mối quan hệ cá nhân của trẻ.

Đứng trước những cơn giận hờn thất thường, những đòi hỏi, gào khóc đôi khi rất vô lý của con, nhiều cha mẹ lúng túng không biết xử lý thế nào. Theo các nhà tâm lý học, những cơn giận hờn của trẻ thường lành mạnh và khó tránh khỏi. Bởi, qua đó, trẻ có cơ hội được thể hiện nhu cầu bản thân. Nếu phụ huynh biết cách chế ngự những cơn giận hờn của trẻ bằng thái độ cương quyết chứ không phải bằng sự lấn át, thì trẻ sẽ học được cách điều chỉnh cảm xúc.

Trẻ trên 9 tháng tuổi bắt đầu giận hờn thất thường, đặc biệt đối với trẻ từ 18 tháng đến 4 tuổi. Đây là giai đoạn các cha mẹ vui sướng ngắm nhìn con lớn lên từng ngày, nhưng cũng là giai đoạn phụ huynh chịu đựng, cảm thấy bất lực trước những cơn hờn giận thất thường. Thậm chí, đôi lúc, những hờn giận của trẻ còn khiến cha mẹ phải xấu hổ trước nơi đông người.

Làm gì khi con hay giận dỗi? - Ảnh 2.

Trước những cơn giận hờn của con, nhiều cha mẹ không biết xử lý thế nào. Ảnh minh họa.

Không kích hoạt sự yếu đuối trong trẻ

“Bé nhà em cứ thấy cha mẹ nói gì không đúng ý là dỗi, thậm chí khóc ấm ức”, chị Hoàng Mai Linh - phụ huynh có hai con chia sẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh - Học viện Minh Trí Thành, tình trạng trẻ dỗi, hờn, buồn tủi là rất phổ biến. Đôi khi, trẻ có thể dỗi lúc ăn, dỗi cha mẹ, khóc, buồn, ngồi một chỗ… Có những trẻ thường xuyên dỗi mỗi khi nhà có cỗ, hoặc có khách tới chơi. Hoặc, khi trẻ nhìn thấy mẹ thể hiện tình cảm với anh/em hơn với mình, bé cũng dỗi.

Theo chuyên gia, trong những tình huống này, phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ hay dỗi. Thông thường, các phụ huynh sẽ dỗ dành hoặc quát con rằng: “Có gì mà dỗi?” hoặc “Có thế mà cũng dỗi”… Do đó, điều quan trọng là cần hiểu nguyên nhân “gốc rễ” khi một đứa trẻ hay dỗi cha mẹ, ông bà.

Chuyên gia này cho biết, bên trong trẻ, sức khỏe cảm xúc yếu nên các bé hay dỗi. Khi dỗi, trẻ sẽ được quan tâm nhiều, hỏi han, cũng như được chú ý hơn. Mục đích khi trẻ dỗi là để người khác quan tâm đến mình hơn. Bởi, những trẻ hay dỗi cảm thấy thiếu tình yêu thương, sự quan tâm từ người khác.

Khi dỗi, trẻ có thể ngồi một mình ở cửa, hoặc góc nhà, nhưng thường có xu hướng nhìn xem cha mẹ có chú ý, nhìn mình không. Thậm chí, trẻ muốn biết xem cha mẹ có quan tâm, lo lắng cho mình không.

Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh chia sẻ, việc cha mẹ dỗ dành càng kích hoạt sự yếu đuối bên trong trẻ. Khi đó, ở những lần sau, trẻ sẽ thiết lập hành vi: Dỗi sẽ được quan tâm. Từ đó, tình trạng dỗi bắt đầu trở thành thói quen của trẻ. Nếu không thay đổi, thì khi lớn lên, trẻ vẫn sẽ thường xuyên dỗi mọi người xung quanh.

Làm gì khi con hay giận dỗi? - Ảnh 3.

Nếu trẻ có hành động hoặc yêu cầu quá đáng, cha mẹ nên kiên quyết nói “không”. Ảnh minh họa.

Khi trẻ dỗi, phụ huynh có thể để con một mình suy nghĩ. Khi trẻ thông suốt, cha mẹ và trẻ có thể thẳng thắn nói chuyện. Trong trường hợp trẻ vừa nói vừa khóc hoặc vùng vằng, phụ huynh có thể nói: “Chờ tới lúc bình tĩnh lại, chúng ta sẽ nói chuyện tiếp”. Đặc biệt, khi trẻ giận dỗi, cha mẹ không nên cảm thấy sợ hãi điều đó.

“Con là tấm gương phản chiếu hình ảnh, tính cách, cách nuôi dạy của cha mẹ. Nếu như cha mẹ hay cáu gắt, không thể kiểm soát được hành vi, lời nói của mình mà tranh cãi nhau, đập phá đồ đạc… thì làm sao có thể đòi hỏi con bình tĩnh kiểm soát cảm xúc của mình? Muốn xử lý cơn hờn giận, gào thét, quấy phá… của con, trước hết, cha mẹ cũng cần phải xử lý được hành vi và cơn nóng giận của chính mình”, chuyên gia chia sẻ.

Giáo viên Đặng Thục Hà My - Trung tâm Tiếng Anh Bình Minh (Hà Nội) chia sẻ, sau nhiều năm đứng lớp, việc trẻ hay dỗi là chuyện bình thường, nên cha mẹ không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, theo chị Hà My, điều giáo viên cũng như cha mẹ cần làm với bé hay dỗi hờn là quan tâm trẻ nhiều hơn trong những tình huống thường ngày. “Trẻ nhỏ cũng giống một cành cây non. Chúng ta chăm sóc như thế nào thì trẻ sẽ phát triển như thế ấy. Vì vậy, dù có bận rộn, cha mẹ vẫn nên dành thời gian để bên con. Nếu phụ huynh quan tâm nhiều tới con, trẻ sẽ cảm thấy an toàn hơn. Chăm sóc con không phải là việc của một người mà cả cha và mẹ đều cần phải dành thời gian cho bé”, giáo viên Hà My nhận định.

Cũng theo chị, phụ huynh không nên để không khí trong gia đình quá căng thẳng vì trẻ nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng bởi điều đó. Khi thấy không khí trong nhà không vui, trẻ sẽ cảm thấy lo lắng. Việc cha mẹ tức giận trước cơn hờn dỗi của con sẽ chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Do đó, phụ huynh cần kìm nén sự tức giận ngay cả khi trẻ đang khiến cha mẹ cảm thấy vô cùng khó chịu. Điều đó sẽ góp phần vào việc khắc phục tình trạng trẻ hay giận dỗi.

Nếu cha mẹ có phản ứng lại gay gắt với con thì nên xin lỗi. Như vậy, trẻ sẽ biết rằng, ngay cả người lớn cũng có lúc tức giận. Tuy nhiên, xin lỗi không đồng nghĩa với việc cha mẹ chiều theo cơn hờn giận của con. Nếu trẻ có hành động hoặc yêu cầu quá đáng, cha mẹ nên kiên quyết nói “không”.

Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể thử đưa cho con vài sự lựa chọn để trẻ quyết định đâu là điều mình thích nhất. Ví dụ, trong các món ăn, trẻ thích ăn món nào nhất hoặc đâu là trò chơi bé thích chơi nhất. Bằng việc lựa chọn, trẻ sẽ cảm thấy mình được đưa ra quyết định và dần quên đi cơn hờn giận.

“Tôi cho rằng, các cha mẹ nên dành một khoảng thời gian đặc biệt trong ngày để chia sẻ về những điều khiến con cảm thấy lo lắng, buồn rầu. Nếu trẻ không còn gì để nói, cha mẹ hãy để con tiếp tục vào ngày hôm sau. Như vậy, trẻ sẽ dành thời gian để suy nghĩ và dần dần, con sẽ giảm thói quen than phiền.

Ở trường, khi nhận thấy một trong số các học sinh có dấu hiệu giận dỗi, buồn bã, tôi thường ngồi riêng và tâm sự, lắng nghe chia sẻ của các em. Chăm sóc trẻ nhỏ không phải là một điều dễ dàng. Tuy nhiên, mọi việc đều có cách để giải quyết”, giáo viên Hà My cho biết.

Chia sẻ