Là giáo viên Montessori, tôi đã học được 5 bài học làm mẹ quý giá
Từ kinh nghiệm của một giáo viên Montessori, bà mẹ trẻ này đã đúc kết được những bài học làm mẹ quý giá.
Tôi cảm thấy thật quá may mắn khi được trải nghiệm việc là một giáo viên Montessori, trước mặt các em học sinh. Tôi không chỉ học được rất nhiều điều về trẻ em và cách tương tác với chúng mà tôi còn có được hiểu biết đầy giá trị về kiểu cha mẹ mà tôi muốn trở thành.
Dưới đây là những bài học làm mẹ quý giá mà tôi đã đúc rút được:
1. Tránh dán nhãn "buồn chán", "nhút nhát" hay "kén chọn"
Tôi muốn con mình học được càng nhiều từ càng tốt trong vòng 2 năm tới. Nhưng có một số từ, như "nhút nhát", "kén chọn" và "buồn chán" tôi cảm thấy con chẳng cần phải vội biết tới chúng làm gì.
Tôi cam đoan rằng, bạn sẽ thấy hối tiếc khi con nói với bạn 1.000 lần chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ rằng chúng đang buồn chán.
Tác giả Christina Clemer và con trai.
Nếu con đã nói ra từ đó, hãy thử cách xử lý này: "Ồ, các con buồn chán sao? Buồn chán có nghĩa là chẳng có gì để làm. Mẹ có việc mà các con có thể giúp đây". Tiếp đó, hãy lôi kéo bọn trẻ vào việc gấp quần áo, lau nhà, bất cứ việc gì cần làm… Trẻ sẽ nhanh chóng học được cách ngừng nói với bạn rằng chúng buồn chán và bắt đầu tìm ra thứ gì đó thú vị để làm.
Tương tự, tại sao lại cần dạy một đứa trẻ rằng bé rất "nhút nhát"? Cảm giác bẽn lẽn, ngại ngùng là hoàn toàn bình thường. Nhưng dán nhãn ai đó là nhút nhát sẽ trở thành một phần tính cách của họ.
Khi con giấu mình sau chân bạn, thay vì nói: "Xin lỗi, Bông nhà tôi nhát lắm, cháu chỉ muốn ở cạnh tôi", bạn có thể nói: "Bông à, có vẻ như con đang cảm thấy do dự không muốn vào lớp hôm nay. Mẹ nhìn thấy bạn Gấu của con ở đằng kia kìa".
Không nên "dán nhãn" trẻ là đứa bé nhút nhát (Ảnh minh họa).
Cách xử lý tương tự có thể áp dụng với trường hợp "kén chọn". Một số trẻ chắc chắn rất kén ăn. Nhưng nếu trẻ nghe bạn dán nhãn chúng là "kén chọn", nó sẽ trở thành một phần trong cách trẻ tự nhìn nhận bản thân và ít khả năng trẻ muốn thử những thứ mới.
2. Không hỏi trẻ về những điều xấu
Nếu bạn hỏi con về một ngày ở trường, rồi tập trung vào một việc tiêu cực mà trẻ để ý, bắt đầu đặt những câu hỏi xoay quanh việc đó trong khoảng nửa giờ tiếp theo, trẻ sẽ nhanh chóng học được cách tường thuật nhiều chuyện tiêu cực hơn.
Cha mẹ cũng muốn quan tâm và đảm bảo con mình không gặp rắc rối gì nhưng nếu bạn luôn phản ứng thái quá mỗi lần con đề cập tới bất cứ chuyện "xấu" nào xảy ra, trẻ sẽ bắt đầu tập trung vào những loại phản ứng này và hình thành cảm xúc tiêu cực hơn với chúng.
3. Không chào hỏi bằng lời chỉ trích
Hãy hình dung cảnh này: Su 3 tuổi mất tới 20 phút để tự đi giày. Người mẹ xuất hiện để đón con. "Ôi, con đi giày nhầm chân rồi. Đi lại giày thôi trước khi mẹ con mình ra xe nhé". Sau đó, mẹ đổi lại giày cho Su bởi làm thế nhanh hơn. Hành động này sẽ khiến con hiểu rằng: Con làm sai rồi và mẹ không nghĩ con có thể tự mình làm việc này đâu.
Không nên chỉ trích khi con đang cố gắng làm một việc gì đó (Ảnh minh họa).
Nếu bạn lo lắng con cảm thấy không thoải mái, bạn có thể nói: "Đôi giày thoải mái với chân con chứ?". Nếu trẻ đáp "Có", cứ để như vậy và sau đó, bạn có thể dùng bút đánh dấu để giúp bé nhận ra giày nào đi với chân nào. Hoặc không cần làm vậy cũng được. Cuối cùng, trẻ cũng sẽ tự tìm ra cách mà thôi.
4. Bỏ mọi thứ lại ngoài cửa
Thêm một tình huống nữa: Một bé gái tết tóc đuôi sam tung tăng bước vào trường, nụ cười nở trên gương mặt, hộp đồ ăn trưa cầm trong tay. Người mẹ: "Tội nghiệp Cốm đã có một buổi sáng kinh khủng. Con bé ngủ rất tệ, khóc lóc về việc đi giày, ngã và làm xước đầu gối trên đường ra xe ô tô. Mong rằng hôm nay con bé sẽ gặp may".
Cô bé không còn cười nữa...
Trẻ nhỏ vượt qua mọi chuyện rất nhanh. Trong khi tất cả những sự kiện của một buổi sáng "bão táp" vẫn còn quay cuồng trong đầu bạn thì trẻ lại dễ dàng quên đi. Ngay khi trẻ chưa quên, tại sao bạn không trao cho trẻ một khởi đầu mới mẻ khi trẻ đến trường?
5. Tránh nói "không"
Điều này không có nghĩa là bạn để con làm bất cứ việc gì chúng muốn. Có nhiều cách bạn có thể diễn tả ý "không" mà không cần trực tiếp sử dụng từ này, từ đó, loại bỏ nguy cơ xảy ra cuộc chiến với con.
Có nhiều cách từ chối con thay vì nói "không" (Ảnh minh họa).
Ví dụ:
1. Trẻ: Con có thể ăn một cái kẹo không?
Cha/mẹ: Có chứ, vào tối nay nhé, sau khi ăn tối xong. (Hoặc: Kẹo là món dành cho những dịp đặc biệt thôi. Nhà mình sẽ ăn kẹo vào mấy tuần tới, đúng dịp lễ Halloween con nhé!).
2. Trẻ: Bố/mẹ mua cho con món đồ chơi này đi? Và cả thứ này nữa? Thứ kia nữa!
Cha/mẹ: Ôi, trông có vẻ thú vị đấy. Mẹ sẽ chụp ảnh để ghi nhớ món đồ chơi đó và tặng con vào dịp sinh nhật con nhé!.
3. Trẻ: Con có thể ra ngoài chơi không ạ?
Cha/mẹ: Được chứ. Ngay khi chúng ta lau dọn phòng con xong, con có thể ra ngoài chơi.
Vài nét về tác giả:
Christina Clemer là một giáo viên Montessori, được chứng nhận bởi Hiệp hội Montessori Mỹ. Hiện cô đang ở nhà để chăm sóc con trai mình, bé James. Gia đình Clemer sống tại thành phố Austin, bang Texas. Cô cũng ghi lại hành tình làm mẹ theo phương pháp Montessori trên trang blog cá nhân.