Kỹ năng bố mẹ cần hướng dẫn trước khi cho con sử dụng công nghệ
Công nghệ đóng một vai trò lớn trong việc thay đổi cách trẻ em học hỏi, giải trí, cũng như mối quan hệ với bạn bè và cư xử trong xã hội.
Trẻ em thường dễ bị ảnh hưởng khi sử dụng thiết bị công nghệ hàng ngày, như điện thoại di động, iPad, Internet, video game... Cùng với sự phát triển của công nghệ và sự dễ dàng trong tìm kiếm thông tin, việc kiểm chứng và đánh giá sự chính xác của thông tin là vô cùng quan trọng. Do đó, phụ huynh cần dạy trẻ kỹ năng phân tích, lập luận đa chiều, cũng như khả năng ra quyết định.
“Chất gây nghiện” vô hình
Thiết bị và công nghệ dần trở thành chất “gây nghiện” vô hình đối với trẻ. Nhiều trẻ không được cha mẹ hoặc người lớn chỉ dẫn đã trở thành nạn nhân của “kẻ săn mồi” Internet.
Trong khi đó, một số trẻ khác thì nghiện video game. Tình trạng nghiện công nghệ khiến trẻ không có thời gian để tiếp xúc, kết thân, vui chơi với bạn bè. Điều này có nguy cơ làm tăng tỷ lệ trẻ bị trầm cảm, cô đơn cũng như tự ti khi giao tiếp.
Hiện nay, trẻ em được tiếp cận với công nghệ từ rất sớm. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ 2 tuổi đã sử dụng thành thạo iPhone, iPad... Với những thiết bị này, trẻ có thể ngồi chơi hàng tiếng đồng hồ mà không làm phiền cha mẹ. Câu hỏi được đặt ra đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh là: “Có nên cho trẻ tiếp xúc với công nghệ?”.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Tú Anh - tác giả sách nuôi dạy con “Làm mẹ rất vui” và “Hiểu con để dạy con tích cực”, người sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học - cho biết: “Cha mẹ cần dạy con những kỹ năng sống cùng công nghệ, qua các việc thiết thực”.
Cụ thể, phụ huynh nên dạy trẻ về an toàn ở không gian mạng và đảm bảo sức khỏe tinh thần cũng như tâm lý cho con. Việc kết bạn của con trẻ sẽ không chỉ còn ở chế độ offline nữa, mà sẽ ngày càng có nhiều tình bạn online hơn. Cũng từ đó, việc bạo hành trên không gian mạng sẽ phổ biến và khó kiểm soát hơn. Những tổn thương và sang chấn về mặt tâm lý cũng khó nhận biết và khó được phát hiện hơn.
Đặc biệt, một số cha mẹ thường xuyên bận rộn với công việc, giao con cho “bảo mẫu” iPad mà không kiểm soát, ít dành thời gian trò chuyện và tìm hiểu tâm tư tình cảm của con. Điều đó sẽ tạo ra những nguy cơ trẻ bị tiêm nhiễm và ảnh hưởng xấu bởi nội dung lệch lạc trên mạng.
Do đó, cha mẹ cần dạy con tính kỷ luật và tự giác. Chuyên gia Tú Anh chia sẻ, nhiều cha mẹ thế hệ 8X – 9X muốn thể hiện bản thân là những phụ huynh hiện đại, cấp tiến nên thường xuyên nói rằng: “Tôi muốn con tôi được chơi thật nhiều, bắt con học sớm để làm gì?”. Họ để trẻ chơi tự do và quên mất việc dạy con về tính kỷ luật, nền nếp và sự tự giác khi chuẩn bị đến tuổi đi học.
“Tôi nghĩ rằng, không dạy chữ, dạy toán hay dạy trước chương trình cho con là đúng. Nhưng, hãy dạy cho con những kỹ năng cần thiết phù hợp với lứa tuổi. Cho con có tiền đề vững chắc để có thể trở thành người bản lĩnh, tự lập và có khí chất riêng”, chị Tú Anh cho biết.
Theo nữ chuyên gia này, với các loại thiết bị điện tử, công nghệ giải trí, cũng như sự đa dạng của nội dung trên các ứng dụng, khả năng tập trung của chúng ta đang ngày một kém hơn. Vì vậy, phụ huynh hãy khuyến khích trẻ phát triển khả năng tập trung từ sớm. Bên cạnh đó, cha mẹ cần làm gương, cất điện thoại khi có thể và dành 100% sự chú ý khi ở bên con. Đồng thời, đọc sách, trò chuyện và chơi đùa cùng con.
Ngoài ra, phụ huynh hãy dạy trẻ kỹ năng phân tích, lập luận đa chiều, cũng như khả năng ra quyết định. “Cùng với sự phát triển của công nghệ và sự dễ dàng trong tìm kiếm thông tin, việc kiểm chứng và đánh giá sự chính xác của thông tin là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, khả năng biết lập luận, phân tích, đánh giá tình huống cũng như có quan điểm và suy nghĩ riêng cũng sẽ giúp ích cho con rất nhiều trong tương lai”, chuyên gia Tú Anh cho biết.
Để dạy trẻ kỹ năng này, cha mẹ cần dành thời gian trao đổi, nói chuyện, chia sẻ với con về những chủ đề, câu chuyện phù hợp với lứa tuổi. Thường xuyên đặt cho con những câu hỏi gợi mở, lắng nghe và trân trọng suy nghĩ của trẻ. Bởi, đây cũng là cách để thắt chặt sợi dây kết nối mối quan hệ gia đình. Một lưu ý là phụ huynh không nên để trẻ một mình với các thiết bị di động.
Hãy chơi game cùng con, ngồi xem tivi cùng con. Đồng thời, khuyến khích trẻ chia sẻ về các ứng dụng mới, cũng như nhờ con dạy cách sử dụng các phần mềm “trending” mới ra mắt.
Đồng hành trong thời đại công nghệ
Theo ThS Tú Anh, khi được tiếp xúc sớm với công nghệ và các thiết bị điện tử, những đứa trẻ thế hệ Alpha có khả năng tiếp nhận rất nhanh và sử dụng thuần thục các ứng dụng trong nháy mắt.
Tuy nhiên, sự hiểu biết, khả năng nhận thức và đánh giá vấn đề của các con vẫn chỉ là một đứa trẻ. Công nghệ và các ứng dụng hiện đại có thể tạo ra các nhận định không thực tế về cuộc sống khi trẻ lớn lên.
Trẻ cũng đứng trước nguy cơ bị bắt nạt, bêu riếu, bạo hành trên không gian mạng. Khi trẻ bị bạo hành thể xác trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ có thể dễ dàng nhìn thấy những vết thương trên cơ thể con. Khi đó, trẻ cũng có thể tự cảm nhận được sự đau đớn về thể chất dễ dàng.
Song, việc bạo hành trên không gian mạng thì khác. Nó nguy hiểm vì âm thầm ảnh hưởng đến tâm lý phát triển, nhận thức của trẻ. Đồng thời, khó nhận biết và khó kiểm soát hơn nhiều lần.
“Việc tối quan trọng mà cha mẹ có thể làm để đồng hành cùng con trong thời đại công nghệ là duy trì sự kết nối với con qua giao tiếp và tin tưởng”, chị Tú Anh nhận định. Nữ chuyên gia dẫn chứng, theo Nadia Sawalha, Kaye Adams, và chuyên gia an ninh Will Geddes (đồng tác giả quyển sách hướng dẫn cha mẹ về an toàn không gian mạng), phụ huynh cần thực hành 10 gợi ý trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cùng con.
Trước hết, trẻ cần tin rằng, cha mẹ là nơi an toàn nhất để con có thể chia sẻ mọi điều mà không gặp nguy hiểm. Cha mẹ cũng cần phải học khả năng giao tiếp hiệu quả, sẵn sàng lắng nghe để con tìm đến những khi hoang mang, bối rối. Việc cấm đoán hà khắc mà không giải thích lý do giờ đây không còn hiệu quả với trẻ.
Bên cạnh đó, phụ huynh nên thử các phương thức trò chuyện khác nhau với con, trên những nền tảng khác nhau, miễn sao cả cha mẹ và con cảm thấy thoải mái và thích hợp. Có thể là nhắn tin, tin nhắn thoại, viết giấy nhớ… chứ không nhất thiết phải đối mặt nếu cha mẹ và con không thoải mái. Đồng thời, cam kết với việc luôn dành thời gian để lắng nghe trẻ, cũng như cho con hiểu rõ điều đó.
Con sẽ không muốn trò chuyện và tâm sự nếu phải nghe từ cha mẹ quá nhiều những câu: “Cha mẹ đang bận, con trật tự đi/tự chơi đi…” hoặc “Con nhanh lên, cha mẹ không có thời gian đâu”.
Cha mẹ cũng cần luôn để mắt và quan sát con kỹ càng. Bởi đôi khi, một sự thay đổi nhỏ trong cảm xúc, hành vi, thái độ của trẻ cũng có thể là dấu hiệu con đang có khúc mắc hoặc vấn đề nghiêm trọng nào đó chưa thể nói ra. Nếu thật sự không thể nói chuyện với trẻ, cha mẹ hãy cho con biết rằng, có một người lớn khác đáng tin cậy và thân thiết để con tìm đến khi có vấn đề: Cô, dì, chú, bác, bạn thân của cha mẹ…
Lưu ý hành động tức thời theo cách khéo léo nhất, ngay khi cảm thấy có điều không ổn. Đồng thời, hãy nhắc trẻ nhớ rằng, nếu có ai đó ở ngoài xã hội hay trên mạng yêu cầu con giữ bí mật, có thể điều đó không an toàn. Con hãy nói mọi điều với phụ huynh, cha mẹ sẽ chia sẻ và giữ bí mật cùng con. Các phụ huynh không nên tức giận hoặc tỏ thái độ tiêu cực ngay lập tức với con mỗi khi có khúc mắc. Bởi, điều đó có thể khiến tình huống tệ hơn. Khi đó, trẻ càng giữ khoảng cách với cha mẹ nhiều hơn.
Dứt khoát, rõ ràng và nhất quán là để bảo vệ con. Nếu cần thiết, hãy giới hạn các tài khoản, xóa ứng dụng có chứa nguy cơ tiềm ẩn, đặt mật khẩu ứng dụng, chơi thử mọi trò trước khi cho con chơi, tìm hiểu rõ độ tuổi phù hợp của mỗi ứng dụng… Kết nối để gần gũi với con. Hãy cho con thấy cha mẹ rất có hứng thú với thế giới của con. Nhờ con chỉ cho cha mẹ cách chơi game như thế nào, ứng dụng này sử dụng ra sao, vì sao con thích hay không thích những trò chơi nào…
“Tất cả những nội dung mà con trẻ tiếp xúc qua các thiết bị điện tử đều góp phần hình thành nên nhận thức, quan điểm, hành vi và thái độ của con trong cuộc sống hằng ngày, với bản thân và mọi người xung quanh. Nếu không có định hướng đúng đắn và sự can thiệp, hướng dẫn kịp thời từ người lớn, trẻ sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý và nhận thức kéo dài cho đến khi trưởng thành”, chuyên gia Tú Anh nhấn mạnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, thời gian hợp lý để trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc với màn hình các thiết bị điện tử là không quá 60 phút/ngày. Đặc biệt, không nên để trẻ dưới 1 tuổi tiếp xúc với các loại màn hình này.
WHO cũng khuyến nghị trẻ dưới 5 tuổi tích cực hoạt động thể chất và ngủ đủ giấc nhằm phát triển thói quen sống tốt, ngăn ngừa bệnh béo phì và các bệnh khác khi lớn lên. Trẻ từ 1 đến 4 tuổi cần dành ít nhất 3 tiếng mỗi ngày cho các loại hình vận động. Trong khi đó, trẻ sơ sinh nên được nằm chơi trên sàn.