Kinh nghiệm nuôi con đầy mình nhưng chưa chắc các mẹ có thể đọc hiểu hết những ngôn ngữ cơ thể này của trẻ

Imacho,
Chia sẻ

Hiểu được ngôn ngữ cơ thể của con cái, bố mẹ sẽ hiểu hơn về trẻ hoặc có thể sớm phát hiện ra nhiều vấn đề bệnh lý, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng để có hướng giải quyết kịp thời.

Chăm sóc em bé là một công việc đòi hỏi rất nhiều sự tỉ mỉ và tận tâm. Đối với những đứa trẻ bắt đầu có nhận thức và biết nói ra những khó chịu trong người, bố mẹ sẽ đỡ phần cực nhọc hơn. Nhưng với trẻ sơ sinh, ngoài việc tươi cười và khóc la ra, chúng hoàn toàn không thể thể hiện mong muốn của bản thân hoặc những gì đang khiến chúng cảm thấy không vui.

May mắn là đối với những đứa trẻ mới chào đời như vậy, chúng ta vẫn có thể hiểu được chúng phần nào nhờ vào ngôn ngữ cơ thể, những hành động của chúng dù là nhỏ nhất cũng mang nhiều ý nghĩa hoặc có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Vậy nên bố mẹ không được lơ là, phải thường xuyên để ý để hiểu được con nhỏ hơn, bắt đầu bằng việc tìm hiểu ý nghĩa của 7 hành động cơ bản sau đây của trẻ.

Cong lưng

Kinh nghiệm nuôi con đầy mình nhưng chưa chắc các mẹ có thể đọc hiểu hết những ngôn ngữ cơ thể này của trẻ - Ảnh 1.

Tư thế cong lưng chứng tỏ bé bị đau, nhiều khả năng thủ phạm là do chứng ợ nóng gây ra. Nếu hiện tượng này xảy ra lúc đang ăn thì đó là dấu hiệu trẻ không muốn ăn nữa, hoặc gặp vấn đề tiêu hóa như chứng trào ngược dạ dày. Theo lời chuyên gia Ari Brown, khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản ở giữa ngực, các bé sẽ cố gắng cong lưng để thoát khỏi cảm giác khó chịu.

Ngoài ra, bé cong lưng còn có thể là do chúng đang khó chịu, giận dỗi hoặc mệt mỏi. Nếu tình trạng này kéo dài, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện thăm khám.

Liên tục đá chân

Kinh nghiệm nuôi con đầy mình nhưng chưa chắc các mẹ có thể đọc hiểu hết những ngôn ngữ cơ thể này của trẻ - Ảnh 2.

"Trong lúc đá chân, nếu bé đang vui và tươi cười chứng tỏ chúng đang muốn đùa giỡn. Ngược lại, nhiều khả năng đứa trẻ đang cảm thấy khó chịu vì một điều gì đó, có thể là tã đã bị ướt hoặc chỗ nằm chật chội. Phát hiện điều này, bố mẹ cần kiểm tra xung quanh xem điều gì đang gây rắc rối cho con nhỏ của mình" - Claire McCarthy, bác sĩ nhi khoa bệnh viện Boston, Mỹ, cho biết.

Co bóp tay

Kinh nghiệm nuôi con đầy mình nhưng chưa chắc các mẹ có thể đọc hiểu hết những ngôn ngữ cơ thể này của trẻ - Ảnh 3.

Theo bác sĩ nhi Catherine Nelson hiện đang công tác tại trung tâm chăm sóc Santa Clara Valley bang San Francisco, Mỹ, những năm đầu đời, trẻ sẽ tỏ ra vô cùng thích thú với việc co bóp bàn tay nhưng bố mẹ không nên lúc nào cũng xem nhẹ hiện tượng này. Nếu trẻ liên tục co bóp tay, kể cả khi không chơi đồ chơi hoặc không chơi cùng với ai, phụ huynh cần nhanh chóng đưa em đến bệnh viện kiểm tra. Một lưu ý nhỏ nữa là trẻ sẽ dần dần từ bỏ hành động này sau 3 tuổi.

Véo tai

Kinh nghiệm nuôi con đầy mình nhưng chưa chắc các mẹ có thể đọc hiểu hết những ngôn ngữ cơ thể này của trẻ - Ảnh 4.

Trẻ không ngừng dùng tay véo tai chứng tỏ khu vực này của chúng đang xảy ra vấn đề bệnh lý. Đây là suy nghĩ của đa phần các bậc phụ huynh xuất phát từ sự lo lắng cho con cái nhưng đôi khi, hành động này chỉ đơn thuần thể hiện sự nhận thức của trẻ khi chúng phát hiện ra rằng mình có đôi tai 2 bên. Ngoài ra, khi đến tuổi mọc răng, trẻ sẽ trở nên khó chịu và hành động véo tai sẽ giúp chúng cảm thấy thoải mái hơn.

Nắm chặt tay

Kinh nghiệm nuôi con đầy mình nhưng chưa chắc các mẹ có thể đọc hiểu hết những ngôn ngữ cơ thể này của trẻ - Ảnh 5.

Hành động nắm chặt tay cho thấy đứa trẻ của bạn đang cực kỳ đói bụng. Nếu phát hiện con nhỏ thực hiện hành động này, kể cả khi không quấy khóc, bố mẹ vẫn phải cho chúng ăn ngay lập tức. Bác sĩ S. Michelle Long cho biết trẻ cảm thấy căng thẳng và khó chịu nhất là khi chúng đang phải chịu đựng cơn đói dữ dội.

Co chân

Kinh nghiệm nuôi con đầy mình nhưng chưa chắc các mẹ có thể đọc hiểu hết những ngôn ngữ cơ thể này của trẻ - Ảnh 6.

Tư thế 2 chân co gập và hướng về phía bụng là dấu hiệu của những vấn đề ở bụng dưới, có thể bé đang gặp rắc rối với đường tiêu hóa như đau dạ dày hoặc khó tiêu. Khi đó, bố mẹ hãy cố gắng cho bé ợ để giảm bớt sự khó chịu và nhẹ nhàng vuốt lưng bé. Nếu tình trạng này không cải thiện, tốt nhất là nên liên lạc với bác sĩ chuyên khoa để có hướng giải quyết kịp thời.

Tay co giật

Kinh nghiệm nuôi con đầy mình nhưng chưa chắc các mẹ có thể đọc hiểu hết những ngôn ngữ cơ thể này của trẻ - Ảnh 7.

Đây là dấu hiệu cho thấy bé bị giật mình trong lúc ngủ do ảnh hưởng của tiếng ồn xung quanh, ánh sáng chói từ bên ngoài vào hoặc có thể là một đụng chạm bất ngờ nào đó. Hiện tượng này sẽ dần biến mất khi trẻ lớn lên khoảng 3 đến 4 tháng.

(Nguồn: Elite Readers)

Chia sẻ
Chuyên trang tin tức phụ nữ gia đình, tư vấn nuôi con thông minh tại aFamily.