Không chỉ phụ nữ mới trầm cảm sau sinh: Khi người chồng cũng gục ngã vì áp lực làm cha

PHAN HẰNG,
Chia sẻ

Câu chuyện đầy nước mắt của một người cha trẻ, từng từ bỏ mức lương cao để toàn tâm chăm con, đã cho thấy rằng, áp lực làm cha cũng có thể khiến một người đàn ông rơi vào tuyệt vọng.

Khi nhắc đến trầm cảm sau sinh, người ta thường chỉ nghĩ đến phụ nữ. Thế nhưng, hành trình làm cha của "Ba của Moli" đã hé lộ một sự thật ít ai ngờ: Đàn ông cũng có thể gục ngã trước áp lực nuôi con. Từ việc từ bỏ sự nghiệp ổn định đến những đêm dài trằn trọc, câu chuyện của anh khiến nhiều người phải nhìn nhận lại về những hy sinh âm thầm của người cha trẻ ở Trung Quốc.

Không chỉ phụ nữ mới trầm cảm sau sinh

"Tôi, một người đàn ông, vậy mà lại mắc chứng trầm cảm sau sinh", đó là lời tự sự gây chấn động của "Ba của Moli", sinh năm 1992, trên mạng xã hội Trung Quốc.

Nhắc đến "trầm cảm sau sinh", người ta thường nghĩ ngay đến các bà mẹ. Thế nhưng, khi vai trò đảo ngược, những người cha chăm con cũng có thể rơi vào cùng một vực thẳm đau đớn. Với "Ba của Moli", việc từ bỏ sự nghiệp để toàn tâm nuôi con đã khiến anh đối mặt với áp lực đè nặng cả thể chất lẫn tinh thần.

Những trận cãi vã liên tiếp với vợ, cùng những cảm xúc bị đè nén, đã đẩy cuộc hôn nhân của họ đến bờ vực. Khi bé Moli được 18 tháng tuổi, họ chính thức ly hôn.

Câu chuyện của anh không phải là cá biệt. Trong phần bình luận và tin nhắn riêng tư, rất nhiều người đã thổ lộ với anh rằng, họ cũng từng trải qua những giây phút tột cùng của sự mệt mỏi và bất lực. Trầm cảm sau sinh, hóa ra, không phân biệt giới tính, nó là hệ quả tự nhiên của một môi trường nuôi dạy con đầy thách thức.

Từ bỏ mức lương cao để trở thành "người cha toàn thời gian"

Trước khi sinh con, vợ chồng anh chưa từng bàn bạc kỹ càng việc ai sẽ là người chăm sóc con cái. Xét về hoàn cảnh gia đình, "Ba của Moli" cho rằng mình phù hợp hơn. Anh từng làm đại lý bán buôn thực phẩm thú cưng, công việc linh động hơn so với vợ làm trong nhà nước.

Ông bà nội ngoại đều bận rộn hoặc ở xa, tài chính gia đình cũng không đủ để thuê bảo mẫu. Vì vậy, sau khi vợ hết kỳ nghỉ thai sản, anh bắt đầu hành trình ở nhà chăm sóc con.

Không chỉ phụ nữ mới trầm cảm sau sinh: Khi người chồng cũng gục ngã vì áp lực làm cha - Ảnh 1.

Áp lực khi phải làm cha toàn thời gian

Là thạc sĩ chuyên ngành thú y, từng có mức thu nhập trung bình 20.000 tệ/tháng (khoảng 70 triệu đồng), nay công việc bấp bênh khiến thu nhập của anh chỉ còn chưa đến 2.000 tệ (khoảng 7 triệu đồng), thậm chí có tháng không có. Sự chênh lệch quá lớn giữa quá khứ và hiện tại khiến anh rơi vào trạng thái mất cân bằng nghiêm trọng.

"Ba của Moli" thừa nhận: "Tôi yêu con nhưng sự thực là nếu không có công việc, không có thu nhập, cảm giác bất lực khi không thể cho con những điều tốt đẹp nhất khiến tôi đau lòng hơn cả".

Khi "khoảng thời gian riêng tư" chỉ còn lại vào nửa đêm

Chăm sóc bé Moli gần như chiếm trọn quỹ thời gian mỗi ngày của anh, từ việc pha sữa lúc 6 giờ sáng, chơi cùng bé, ru ngủ, nấu ăn, đến việc dỗ dành giữa đêm khuya. Trong suốt giai đoạn từ 8 đến 16 tháng tuổi, em bé thường thức giấc mỗi 3 tiếng, buộc anh phải liên tục tỉnh dậy.

Thời gian duy nhất để "Ba của Moli" cảm thấy mình thực sự được sống cho bản thân là khi con đã ngủ sâu, thường là sau 11 giờ đêm. Nhưng chính lúc đó, sự mệt mỏi thể xác, những suy nghĩ dằn vặt về sự nghiệp dang dở lại ập đến, khiến anh trằn trọc, mất ngủ triền miên.

Không chỉ vậy, việc thường xuyên bế con ra ngoài chơi khiến anh mắc chứng viêm bao gân tay, tay lúc nào cũng dán cao dán. Một lần, bé Moli bị bệnh nặng, phải nhập viện vào phòng chăm sóc tích cực (PICU). 5 ngày liên tiếp anh không tắm, không thay quần áo, chỉ trực bên giường bệnh. Khi con qua cơn nguy hiểm, điều anh nhận được từ cha mẹ mình lại là lời trách móc: "Sao mà chăm con cũng không nên thân".

Trong khoảnh khắc ấy, nỗi tủi thân và sự bất lực dâng trào.

Không chỉ phụ nữ mới trầm cảm sau sinh: Khi người chồng cũng gục ngã vì áp lực làm cha - Ảnh 2.

Anh gặp nhiều khó khăn khi làm cha đơn thân.

Khi sự thấu hiểu từ bạn đời trở thành điều xa xỉ

"Ba của Moli" và vợ quen nhau qua một ứng dụng hẹn hò. Họ không dự định sinh con quá sớm, nhưng khi em bé đến bất ngờ, cả hai quyết định giữ lại đứa trẻ. Những tháng ngày đầu sau sinh, khi cả hai cùng chăm con, mọi thứ còn khá suôn sẻ.

Nhưng khi anh một mình đảm nhận việc chăm sóc con toàn thời gian, những mâu thuẫn bắt đầu tích tụ. Anh từng hy vọng vợ sẽ thấu hiểu những vất vả của mình, dành cho anh những lời động viên, hay đơn giản chỉ là một ánh nhìn cảm thông. Thế nhưng, mỗi cuối tuần, thay vì được khen ngợi, anh lại nhận về những lời chê trách.

Sự thất vọng ngày càng lớn. Sau những cuộc cãi vã không hồi kết, họ quyết định ly hôn ngay khi kết thúc "thời gian suy nghĩ".

Khi đàn ông lên tiếng về trầm cảm sau sinh

Sau khi ly hôn, "Ba của Moli" lập tài khoản chia sẻ hành trình làm cha đơn thân của mình qua các video ngắn. Bất ngờ, anh nhận được sự đồng cảm mạnh mẽ từ cộng đồng mạng, đặc biệt từ những bà mẹ cũng từng lặng lẽ chiến đấu với trầm cảm sau sinh.

"Ba của Moli" thẳng thắn thừa nhận: "Con cái vốn không phải được sinh ra từ cơ thể của người cha. Nếu chỉ với vai trò chăm sóc mà đã khiến tôi kiệt sức và trầm cảm như vậy, thì những người mẹ vừa trải qua những biến đổi hormone khủng khiếp, vừa phải chăm sóc con còn khó khăn biết nhường nào".

Câu chuyện của "Ba của Moli" không chỉ mở ra một góc nhìn khác về trầm cảm sau sinh, mà còn nhấn mạnh một sự thật nhiều người dễ lãng quên: Dù là cha hay mẹ, hành trình nuôi dưỡng một sinh linh nhỏ bé đều chất chứa những hy sinh thầm lặng. Điều mà mỗi người làm cha mẹ cần nhất, không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sự thấu hiểu, sẻ chia và đồng hành từ những người thân yêu.

Chia sẻ