Không biết mình bị rắn độc cắn, mẹ vẫn cho con bú dẫn đến cái chết thương tâm của cả 2 mẹ con
Sau khi ngủ dậy, người mẹ vẫn cho con bú mà không hề biết là sữa mình đã bị nhiễm độc.
Câu chuyện đau lòng này xảy ra tại Uttar Pradesh (Ấn Độ), người mẹ đã bị rắn độc cắn trong khi ngủ. Điều đáng nói là cô không hề biết hay cảm thấy đau sau khi bị rắn cắn. Cho nên khi tỉnh dậy, cô đã cho con gái 3 tuổi bú như thường lệ, mà không hề biết là sữa của mình đã bị nhiễm độc.
Sau đó, cả người mẹ và bé đều có biểu hiện bệnh lạ nên gia đình đã đưa hai mẹ con đi cấp cứu nhưng tiếc là họ đã ra đi trên đường đến bệnh viện.
Thanh tra cảnh sát Vijay Singh cho biết trong cuộc điều tra, gia đình nạn nhân khai báo họ phát hiện có một con rắn ở trong một căn phòng, nhưng nó đã trốn thoát trước khi bị bắt. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện trên cơ thể người mẹ có một vết rắn cắn sưng tấy, có mủ, và họ đã tiến hành khám nghiệm tử thi để đưa ra kết luận cuối cùng.
Nọc độc rắn có thực sự được truyền qua sữa mẹ?
Mặc dù chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào chứng minh được nọc độc của rắn được truyền vào sữa mẹ, nhưng theo một nghiên cứu của trường Đại học Khoa học Y tế ở Tehran (Iran) cho biết trong nọc độc của rắn có chứa nhiều loại protein, enzyme và lipid khác nhau. Những thứ này có thể được chia nhỏ ra và chuyển vào trong sữa mẹ, vì vậy nó có thể ảnh hưởng đến con nếu mẹ cho con bú.
Thậm chí, ngay cả khi mẹ đã được điều trị bị rắn độc cắn thành công thì vẫn không nên cho con bú, vì ngoài nguy cơ truyền nọc độc cho trẻ sơ sinh, các cục máu đông do rắn cắn vẫn có thể gây ra các vấn đề nguy hiểm cho con.
Cách phòng tránh bị rắn cắn
Tuy câu chuyện này đã xảy ra cách đây hơn 1 năm về trước (tháng 5/2018), nhưng nó vẫn mãi là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người làm cha làm mẹ. Bởi theo thống kê của Hiệp hội Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Hoa kỳ thì mỗi năm có đến 5,4 triệu người bị rắn cắn. Một nửa trong số các trường hợp này liên quan đến rắn độc, và đã có 100.000 người chết, 400.000 người bị thương. Riêng ở Ấn Độ, có đến 300 loài rắn, và 60 loài trong số đó là cực độc.
Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) luôn khuyến khích mọi người nên dọn dẹp lại khu vực sống của mình. Dọn cỏ, loại bỏ hết các thùng trống, các vũng nước đọng… vì đây thường là các nơi trú ẩn của rắn.
Ngoài ra, cha mẹ hãy thường xuyên quét dọn nhà cửa, nhất là những ngóc ngách như gầm bàn. gầm ghế, gầm giường, gầm tủ để dễ dàng phát hiện nếu có rắn ẩn nấp trong nhà. Tuyệt đối không để con chơi ở những vùng trống, cỏ cao và hãy mặc quần dài, mang giày bít mũi hoặc ủng khi cho con chơi ngoài ở ngoài trời.