Không biết cách này thì con ốm nhẹ sẽ thành ốm nặng

Ngọc Hà,
Chia sẻ

Con liên tục đau ốm, hết viêm đường hô hấp trên, lại viêm đường hô hấp dưới, khiến chị Hoài không dám sinh con thứ hai.

Không dám sinh con thứ hai vì liên tục phải chăm con ốm

Chị Lê Thị Hoài (Nghi Tàm, Hà Nội) sinh được bé Mon rất kháu khỉnh, đáng yêu. Nhưng cứ trở trời là chị lại mất ăn mất ngủ vì con ốm liên miên. 3 tháng tuổi bé đã bị viêm đường hô hấp nặng, rồi thường xuyên bị ho, khịt mũi, khò khè… Hai mẹ con vào viện như cơm bữa, tới mức bác sĩ quen mặt, thuộc tên, đổi thuốc chữa trị hết viêm đường hô hấp trên, tới viêm đường hô hấp dưới và rất hay tái phát. Có lần chị đi làm về muộn, thế là mới đêm trước con ho, chiều hôm sau đã viêm tới phế quản. Bác sĩ thăm khám bảo chậm chút nữa là biến chứng thành viêm phổi.

Mỗi lần cho con uống kháng sinh chị đều lo lắng, sợ tới ngày nào đó con sẽ bị nhờn kháng sinh. Không cho con uống thuốc thì bệnh không lui, nhưng uống kháng sinh thì chỉ vài tuần, thậm chí sau 1 tuần bé Mon lại bị tái phát. Chăm con ốm vất vả tới mức chị không dám sinh bé thứ hai.

Ở khoa Cấp cứu – Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) từng xảy ra chuyện đau xót là bé sơ sinh 2 tháng tuổi, vào viện trong tình trạng nguy kịch và đã tử vong do bị suy hô hấp kéo dài, tim ngừng đập.

Bố mẹ bé còn rất trẻ, kể lại với bác sĩ là khi thấy bé có dấu hiệu sốt, ho và chảy nước mũi… nhưng chủ quan cho là con ho sốt do thời tiết, nên cho uống siro ho thảo dược ở nhà. Ai ngờ trẻ sơ sinh trở bệnh nhanh, bé khó thở, bỏ bú… khi vào cấp cứu thì đã suy hô hấp nặng và tử vong.

Viêm đường hô hấp trên

Đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản – do tiếp xúc trực tiếp với không khí, dẫn đến cảm lạnh, tiếp đó là viêm mũi họng, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm tai giữa… Các viêm sưng do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể do virus, vi khuẩn, vi nấm (dị vật, bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá), do dị ứng thời tiết (những ngày trời lạnh, chuyển mùa đông – xuân).

Triệu chứng chủ yếu là sốt nhẹ, ho, chảy mũi hoặc không chảy mũi, khò khè… Tùy thể trạng mà điều trị triệu chứng. Bệnh nhẹ chỉ cần vệ sinh mũi, họng sạch sẽ, không cần dùng thuốc cũng có thể sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày.

Viêm đường hô hấp dưới

Theo các bác sĩ, tỷ lệ trẻ em mắc phải viêm đường hô hấp dưới quanh năm rất cao, đặc biệt vào mùa lạnh ở miền Bắc và mùa mưa ở miền Nam. Bệnh hay xảy ra sau khi bị cảm cúm, cảm lạnh. Hai thể nặng hay gặp là viêm phế quản cấp và viêm phổi vì dễ biến chứng, biến chứng rất nhanh ở trẻ và có thể tử vong. Vì thế phải theo dõi sát diễn biến bệnh, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

Bị viêm hô hấp dưới rất nguy hiểm, cần được bác sĩ khám và chỉ định dùng thuốc kháng sinh để chữa trị dứt điểm.

Cha mẹ không được tự ý cho trẻ dùng kháng sinh kẻo bị kháng thuốc. Điều trị đúng thì một đợt viêm phổi cấp khỏi sau 7 – 10 ngày, nhưng biến chứng nặng rất dễ tử vong.

Không biết cách này thì con ốm nhẹ sẽ thành ốm nặng - Ảnh 1.

Đi viện khi nào?

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai), khi trẻ bị sốt từ 37,5 độ C, cần cho trẻ nằm phòng thoáng mát, mặc áo quần mỏng, không bó sát. Uống nhiều nước, làm mát cho trẻ bằng nước ấm (37 độ C) ở trán, nách bẹn. Theo dõi nhiệt độ 30 phút/lần.

Từ 38,5 độ C trở lên tiếp tục làm mát, hạ sốt bằng paracetamol (efferagan) loại uống (cần tham vấn bác sỹ chuyên môn), hoặc viên đặt hậu môn với liều 10-15mg/kg/lần, lặp lại sau 4-6h nếu nhiệt độ vẫn trên 38,5 độ C, và nên đưa con đi khám sớm để tránh biến chứng nguy hiểm. Cần cho trẻ đi viện ngay khi có một trong các triệu chứng sau:

- Trẻ ăn uống (bú) kém, bỏ bữa, sốt không rõ ràng, hay nôn trớ, giấc ngủ không ngon. Trẻ nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày… Sức khỏe không tốt lên sau 2 ngày điều trị.

- Trẻ được chăm sóc tại nhà 1 tuần mà không bớt, ho có đàm đặc như mủ, ho ra máu...

- Khi trẻ nôn, có đờm là bệnh đã nặng hơn, cần cho trẻ đi khám. Không nên uống thuốc chống nôn khi bác sĩ chưa chỉ định.

- Các triệu chứng nặng hơn, sốt cao liên tục 2 ngày, khó thở, thở nhanh hơn 50 lần/1 phút, rút lõm lồng ngực…

Nếu bác sĩ xác định rõ nguyên nhân, có thể dùng kháng sinh, kháng viêm, nhưng không tự ý dùng thuốc khi chưa đi khám, chưa có chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh nên nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước để tránh mất nước. Hàng ngày nên nhỏ nước muối 9‰ từng bên mũi để làm loãng dịch và hút mũi, hoặc ngoáy sạch mũi.

Lưu ý là khi bị viêm mũi mới cần dùng nước muối biển xịt trợ giúp làm sạch mũi, họng. Hoặc dùng hút mũi 2 đầu để hút dịch mũi ra. Tránh lạm dụng nước muối quá nhiều vì sẽ gây teo niêm mạc mũi của trẻ, và bản thân mũi cũng có cơ chế tự làm sạch.

Ai dễ bị mắc bệnh?

Ai cũng có thể bị bệnh viêm đường hô hấp dưới, nhưng các đối tượng sau dễ mắc:

-Trẻ nhỏ và người già do sức đề kháng, hệ miễn dịch bị suy yếu, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công.

– Người hút thuốc lá, người thường xuyên ngửi khói thuốc lá (khiến phổi bị suy yếu, dễ bị virus tấn công), người mắc các bệnh lý mạn tính.

Chia sẻ