Không ai nghĩ câu này thốt lên từ cậu bé 4 tuổi, chỉ có tình yêu của mẹ mới "chữa lành vết thương" trong con
Tâm lý, tính cách của con phản chiếu một cách chính xác nhất cách nuôi dạy và chăm sóc của cha mẹ.
Trẻ con đều rất vô tư và hồn nhiên, thế nhưng đôi lúc các con cũng có những suy nghĩ của riêng mình. Đặc biệt là khi cách đối xử, tình yêu của cha mẹ có sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực khiến con bị tổn thương. Nhiều cha mẹ vẫn nghĩ "trẻ con thì biết gì" nhưng chúng có khả năng phán đoán cảm xúc của cha mẹ chỉ qua nét mặt, cử chỉ.
Những ngày gần đây, câu chuyện về cậu bé Geum Juk (4 tuổi) trong chương trình truyền hình nổi tiếng Hàn Quốc "My Golden Kid" (Con vàng con bạc) đã gây xôn xao trong dư luận. Một câu chuyện nhỏ nhưng phía sau là rất nhiều bài học dành cho tất cả các bậc phụ huynh, một lần nữa phải nhìn nhận lại cách nuôi dạy của bản thân mình.
Không ai nghĩ câu này thốt lên từ cậu bé 4 tuổi
Geum là một cậu bé rất hiểu chuyện. Con yêu ông bà, bố mẹ nhưng khi nhắc về họ, con lại cảm thấy tủi thân. Bởi mới 4 tuổi nhưng con đã phải chơi một mình, con mong ước được chơi cùng bố mẹ nhưng quỹ thời gian của họ lại quá eo hẹp. Hơn nữa, mẹ còn phải chăm em nên không có nhiều thời gian cho Geum như trước. Cậu bé một mình cô độc trong thế giới xung quanh, đến mức cảm thấy bị tổn thương nhưng lại không dám nói với ai.
Trong một phân cảnh khi được mẹ dẫn đi chơi ở trung tâm thương mại, mẹ của Geum vì muốn dỗ em ngủ nên để cậu bé chơi một mình. Trong phút chốc không nhìn thấy mẹ, Geum cảm thấy sợ hãi, con òa khóc và tự nói với chính bản thân mình: "Mẹ mình đi đâu mất rồi? Sao vậy nhỉ, mẹ ghét mình sao". Cậu bé òa khóc, cảm giác bị bỏ rơi lại thật không dễ dàng chút nào.
Không ai nghĩ được lời nói này lại được thốt ra từ đứa trẻ 4 tuổi. Thay vì tiếp tục chơi, Geum đã lo bị mẹ bỏ lại một mình, con còn tự nghĩ có khi nào mẹ ghét mình không. Suy nghĩ này quả thực khiến người xem không khỏi đau lòng, thương cảm.
Cảm giác bị bỏ rơi thật sự không dễ chịu chút nào
Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy không đồng tình với cách xử lý của mẹ Geum. Ban đầu, cậu bé rất muốn cùng chơi với mẹ nhưng bị mẹ gạt ra, thậm chí rời đi mà không nói với con trai 1 lời. Dù đi đâu, xa hay gần, điều người mẹ cần làm là nói với con để bé không cảm thấy bị bỏ rơi. Những câu như "mẹ ra chỗ xích đu kia ngồi một chút để quan sát Geum chơi" hoặc "mẹ ru em ngủ rồi ra chơi với con nhé"... rất dễ dàng để xoa dịu một đứa trẻ. Nhưng người mẹ đã không làm vậy.
Mãi sau khi nghe thấy giọng mẹ gọi, Geum mới ngừng khóc. Cậu bé chạy ra ôm chầm lấy mẹ, đồng thời cũng ngừng khóc. Sau tất cả những chuyện không vui xảy ra, mẹ Geum có vẻ đã nhận ra sai lầm của mình. Chị đã thẳng thắn nhìn nhận và tâm sự với con: "Khi mẹ nói không thể chơi cùng con, mẹ mệt lắm. Lúc đấy con cảm thấy thế nào? Mẹ từ giờ sẽ không nói như vậy nữa. Dù 5 hay 10 phút mẹ cũng sẽ dành thời gian chơi với con nhé. Mẹ xin lỗi Geum vì đã để con nghĩ là mẹ ghét con. Từ giờ mẹ sẽ yêu thương con nhiều hơn".
Tình yêu và sự dịu dàng của mẹ là cách "chữa lành" tốt nhất.
Cuối clip, Geum đã nở một nụ cười rất tươi, nụ cười của sự hạnh phúc, vết thương trong con có được "chữa lành" hay không chính là nhờ tình yêu và sự dịu dàng của mẹ. Ba mẹ có rất nhiều cái lần đầu: lần đầu là bố mẹ của đứa con thứ nhất, con thứ 2, con thứ 3... và thậm chí lần đầu làm ba mẹ của một chục đứa con. Ba mẹ có thể có rất nhiều con nhưng với mỗi đứa trẻ thì chúng chỉ có 1 ba và 1 mẹ duy nhất trên đời.
Và đó cũng là lần duy nhất con là con của ba mẹ. Trẻ em không được chọn cha mẹ nhưng cha mẹ là người chọn đẻ chúng ra, đừng đòi hỏi quá nhiều ở một đứa con khi chính chúng ta phải là một hình mẫu cho những gì mình muốn, dành cho con những gì con xứng đáng nhận được.
Mong rằng tất cả con trẻ đều được cha mẹ yêu thương như cách chúng ta muốn lúc còn nhỏ, vì chúng ta từng là trẻ con, còn tụi nhỏ thì không.