Khi trẻ ăn vạ, cấm con khóc hay la hét sẽ chẳng ích gì đâu, đây mới là "chiêu" xử lý bố mẹ nên làm
Chỉ cần làm vài hành động nhỏ này thôi là bạn sẽ không còn bị điếc tai bởi những tiếng hét chói tai của con.
Theo Tiến sĩ Lauren M. O'Donnell – nhà tâm lý học đang làm việc tại bệnh viện nhi đồng Alfred I.Dupont (Mỹ), la hét và ăn vạ là một hành động bình thường tồn tại ở tất cả mọi trẻ em.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng khủng hoảng này là do trẻ đang ở độ tuổi muốn độc lập và kiểm soát mọi thứ liên quan đến mình. Các bé luôn cho rằng "Mình có thể tự làm được" hay "Mình muốn làm việc này". Điều này dẫn đến một cuộc tranh giành quyền lực giữa cha mẹ và con cái. Và khi phát hiện ra mình không được phép làm một việc đó hoặc không có được thứ mình muốn thì trẻ sẽ nổi cơn thịnh nộ, dù khi ấy đang ở bất cứ đâu.
Để cho êm nhà êm cửa, Tiến sĩ Lauren đã đưa ra một số lý do khiến trẻ ăn vạ và mẹo xử lý những tình huống này giúp cha mẹ dễ thở hơn trong việc đối đầu với con.
1. Trẻ đang tìm kiếm sự chú ý
Đôi khi lý do con bạn bỗng nổi cơn tam bành chỉ đơn giản là con đang tìm kiếm sự chú ý của cha mẹ. Nói một cách dễ hiểu là khi nhận thấy cha mẹ đã bỏ bê mình, trẻ sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng để thu hút sự chú ý, trong đó la hét là một cách hiệu quả nhất.
Mẹo nhỏ: Khi đột nhiên thấy con la hét ầm ĩ thì trước tiên bạn nên kiểm tra xem con có bị khó chịu ở đây không. Nếu không có gì bất thường thì bạn nên phớt lờ hành vi này của con. Việc này sẽ dần dần giúp trẻ nhận ra rằng la hét không đạt được hiệu quả như mong muốn, trẻ sẽ tìm cách khác để lôi kéo bạn.
2. Trẻ đang kiểm tra khả năng ồn ào của chính mình
Tiến sĩ Lauren tiết lộ rằng khả năng la hét của một đứa trẻ sẽ đạt đỉnh điểm trong độ từ 18 tháng đến 2 tuổi. Đây là giai đoạn mà trẻ tự kiểm tra xem mình có khả năng gây tiếng ồn đến mức nào, và đây cũng là điều mới mẻ mà con vừa học được.
Ngoài ra, trẻ cũng nhận ra rằng việc gây ra tiếng ồn bằng cách la hét có sức mạnh kỳ lạ, khiến tất cả mọi người đều phải tập trung nhìn về phía con.
Mẹo nhỏ: Trong trường hợp này, bạn hãy dành cho con một sự quan tâm tích cực. Nếu con đang la hét, bạn hãy đến bế con lên, ôm ấp, vỗ về và trò chuyện nhẹ nhàng để giúp con bình tĩnh lại.
3. Trẻ đang giao tiếp với cha mẹ
Vì còn nhỏ nên vốn từ của trẻ còn bị giới hạn. Vậy nên, đó có thể là nguyên nhân khiến cho cuộc trò chuyện giữa bạn và con luôn kết thúc trong tiếng la hét. Bởi đây là cách duy nhất để con báo với cha mẹ rằng con vẫn chưa hài lòng.
Mẹo nhỏ: Để hạn chế chuyện con dùng tiếng hét là phương tiện giao tiếp, trước tiên, cha mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với con nhiều hơn để vốn từ ngữ của trẻ được tăng lên. Trong trường hợp con la hét khi đang nói chuyện thì hãy biến nó thành một trò chơi nhỏ.
Đầu tiên, hãy tìm một nơi thật yên tĩnh. Sau đó bạn và con thay phiên nhau 1 lần nói to hết cỡ xem ai nói to hơn ai. Rồi lại thay phiên nhau nói nhỏ hết cỡ xem ai nói nhỏ hơn ai. Việc này giúp trẻ trở nên bình tĩnh và vui vẻ hơn.
4. Trẻ đang tức giận, mệt mỏi hoặc đói
Tiến sĩ Lauren cũng chia sẻ một lý do nữa khiến trẻ hay la hét đó chính là vì đói, mệt hoặc tức giận. Ví dụ, khi con không có được thứ mình muốn, một cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra trong đầu của con. Nhưng con lại không biết làm cách nào để đối mặt và vượt qua được sự thất vọng, và con cũng chưa đủ nhận thức để kiên nhẫn và hiểu chuyện. Bởi đây đều là những kỹ năng mà sau này trẻ mới học được khi lớn lên.
Mẹo nhỏ: Hãy bình tĩnh là cách làm tốt nhất mà bạn nên làm trong tình huống này. Trả lời sự la hét bằng tiếng la hét không phải là sự lựa chọn thông minh vì điều này chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, bạn hãy quan sát và hỏi xem con có đang mệt hay đói hay buồn ngủ gì không.
5. Trẻ cảm thấy không thoải mái hoặc lo lắng
Một lý do nữa khiến trẻ la hét đó là do con không cảm thấy thoải mái hay lo lắng trong một số tình huống hoặc một môi trường xa lạ. Chẳng hạn như chỗ công cộng đông người lạ như nhà hàng, sân bay…
Mẹo nhỏ: Lúc này, việc bạn cần làm là đánh lạc hướng con. Hãy ôm lấy con, vỗ về, hát nhẹ nhàng hoặc đưa cho con cầm một món đồ nào đó nhưng không phải là thứ con đang đòi để giữ con im lặng trong một thời gian ngắn.
6. Trẻ tràn đầy năng lượng
Ngoài ra, trẻ cũng có thể la hét vì nhiều năng lượng quá. Đây là kiểu la hét lành mạnh và hoàn toàn bình thường. Vì con đang học cách thể hiện tất cả những cảm xúc hạnh phúc vui vẻ và buồn bã thất vọng mà con đang có. Tiếng hét này sẽ có cao độ và giai điệu khác nhau.
Mẹo nhỏ: Hãy khen ngợi vì con đã cư xử tốt. Điều này sẽ khuyến khích con thể hiện nhiều hơn cảm xúc của mình, dần dần trẻ sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc của mình và không còn la hét nữa.
Nguồn: Brightside, Parenting