Khi “thần tượng” sụp đổ

Theo PN. TPHCM,
Chia sẻ

Với con trẻ, hình ảnh gần gũi và sự gắn bó nhất chính là cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ là điểm tựa vững chắc nhất vàcó sức ảnh hưởng lớn nhất với con cái.

Sốc

Từ khi học lớp 10, H. đã sốc khi phát hiện ba - người mà em một lòng kính trọng và luôn xem như thần tượng đã phụ bạc mẹ để đến với người khác. H. mạnh dạn thể hiện mong muốn ba chấm dứt mối quan hệ ngoài luồng kia để duy trì một gia đình đầm ấm, hạnh phúc như lâu nay. Nhưng mọi cố gắng của H. đều vô vọng. H. đi du học nước ngoài và vừa mới về thăm nhà lại phải chứng kiến chuyện buồn.
 
H. viết trên một diễn đàn mạng: “Con về được chỉ vài tuần mà ba cũng thế, vẫn thường về muộn hoặc vắng nhà. Con chán nản trở lại trường sớm hơn dự định. Mẹ ngỡ ngàng khóc ngất, nhưng con nghẹt thở lắm mẹ ơi! Trong con sụp đổ một hình ảnh lớn, một điểm tựa. Con chới với không biết bám vào đâu, nương tựa vào đâu”.
 
Còn T. - HS lớp 11 một trường chuyên ở TPHCM đã được mẹ đưa đến gặp chị Hạnh Dung Báo Phụ Nữ trong tình trạng T. đang bị khủng hoảng tinh thần sau khi biết cha bị đuổi việc vì chèn ép nhân viên và ăn tiền đút lót.
 
Lâu nay, T. rất tự hào về ba với chúng bạn. T. luôn nghĩ rằng ba mình là một trưởng phòng kinh doanh giỏi giang, mẫn cán, hết lòng vì nhân viên, vì người khác. Mỗi lần các nhân viên đến nhà, ai nấy đều vâng vâng, dạ dạ và nói tốt về ba, khen ba với mẹ con T. Ba cũng thể hiện là người luôn cư xử nhẹ nhàng, quan tâm đến mọi người trong gia đình.
 
Nhưng qua tố cáo của nhân viên, công ty điều tra và phát hiện ba của T. đã lạm dụng quyền hạn để bắt chẹt cấp dưới. Ai muốn được giao việc, được giao đối tác “ngon”, được nhận xét tốt phải “cống nạp” cho “sếp”. T. còn sốc hơn khi biết, ba dùng số tiền “đút lót” đó để bài bạc và bao bồ nhí.


Lòng yêu thương

Trong mắt con cái, cha mẹ là thần tượng. Do đó, khi phát hiện cha mẹ có những hành động không đúng, đánh mất hình ảnh mẫu mực như: ngoại tình, ăn cắp, đánh lộn, bất hiếu… con cái thường rất sốc và bị khủng hoảng niềm tin. Làm sao để giúp con vượt qua sự khủng hoảng là thắc mắc của nhiều phụ huynh khi tìm đến các trung tâm tư vấn.

Theo chuyên viên tâm lý Tô Nhi A - giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM, gia đình tan vỡ, bố mẹ phạm sai lầm và đánh mất hình ảnh mẫu mực của mình thì con cái luôn là người chịu ảnh hưởng, bị sang chấn tâm lý. Chấp nhận, vượt qua và đi tới không phải là điều mà đứa trẻ nào cũng làm được. Vì vậy, đây là giai đoạn mà người thân phải luôn đồng hành, làm điểm tựa cho con.

Cha/mẹ (đặc biệt là người vẫn còn lung linh trong mắt con) cần trò chuyện để lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ với con. Hãy giải thích cho trẻ nguyên nhân những điều không may đến với gia đình, sự đổ vỡ hay những sai lầm của bố mẹ. Với sự thông hiểu này, trẻ sẽ dễ làm quen với thực tại và có thể cùng bố mẹ giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, hãy nói với trẻ về cuộc sống không hoàn hảo. Xây dựng cuộc sống hạnh phúc và thành công luôn là mục tiêu lớn của mỗi con người, mỗi gia đình. Nhưng điều đó không dễ dàng. Hãy để trẻ từng bước nhận ra rằng: con người có thể sai lầm, thất bại. Vấn đề là biết đứng dậy, bước qua những vấp ngã đó.

Tuy nhiên, theo các chuyên viên tâm lý, cái gốc của vấn đề là cha mẹ nên ý thức về lối sống, cách hành xử của mình, hạn chế thấp nhất những điều không hay ảnh hưởng đến con trẻ. Và khi con còn bé, cha mẹ cần “ươm mầm” cho con lòng tự tin, tự lập cũng như giúp con nhận biết những giá trị, phẩm chất tốt đẹp: lòng kiên nhẫn, khiêm tốn, bao dung, yêu thương… để khi gặp khó khăn trong cuộc sống, trẻ còn có thể tựa vào chính mình và nhận ra xung quanh vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp.

Một trong những yếu tố giúp con trở nên bản lĩnh và vững vàng trong cuộc sống là tình yêu thương từ gia đình. Đôi khi sự đổ vỡ buộc trẻ phải chấp nhận một gia đình không hoàn hảo hay sai lầm của bố mẹ làm cho hình ảnh thần tượng của trẻ bị lu mờ. Nhưng nếu bố mẹ luôn thể hiện để con cái thấy rằng, dù thế nào thì chúng vẫn được yêu thương thì trẻ sẽ thấy luôn có “dây neo” để vững chải bước trên đường đời.
Chia sẻ