Hot mom "kêu cứu" vì bị chứng mề đay hành hạ cuối thai kỳ, mất ngủ vì mẩn ngứa khắp cơ thể
Nổi mề đay là một trong số những triệu chứng thường gặp trong thai kỳ khiến không ít mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
Khi mang thai, mẹ bầu phải đối mặt với nhiều triệu chứng như ợ hơi, mệt mỏi, đau lưng... Bên cạnh đó, không ít sản phụ bị nổi mề đay khắp người gây ra tình trạng ngứa ngáy, khó chịu. Mới đây, beauty blogger Trinh Phạm chia sẻ cô bị chứng mề đay "hành hạ" khi đang mang thai em bé thứ 2 ở những tháng cuối thai kỳ.
"Tưởng qua 3 tháng mặt đỡ mụn rồi là tận hưởng nốt thai kỳ thôi. Nhưng không, làm gì đơn giản thế, lại mề đay khắp người liên tục 2 tối và không có dấu hiệu dừng lại. Hồi sinh Bơ xong mình bị mề đay đúng 3 tháng 10 ngày, lần này vừa qua 24 tuần là bị và có vẻ còn ngứa hơn. Thực sự cả tối chỉ ngồi gãi và thoa kem không biết phải làm sao, giờ gần 1h sáng chưa ngủ được vì vẫn nổi liên tục ngứa khủng khiếp. Có ai có cách nào không, ngày nào cũng thế này đến lúc sinh thì thật sự không thể tập trung làm việc gì nữa. Cứu!", Trinh Phạm chia sẻ.
Không chỉ riêng Trinh Phạm mà nhiều mẹ bầu khác cũng mệt mỏi, khó chịu khi đối mặt với tình trạng này. Chứng mề đay chủ yếu xuất hiện ở vùng bụng, đặc biệt là vùng rốn. Sau đó lan dần tới các khu vực khác như đùi, tay, chân... Bệnh dễ gặp trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối thai kỳ.
Nổi mề đay khi mang thai có biểu hiện như thế nào?
Sẩn ngứa và nổi mề đay gặp ở 0,25% -1% phụ nữ mang thai, là cơn phát lành tính với những nốt sần nhỏ, có màu hồng, nổi trên vết rạn da. Những nốt sần này là tập hợp lại như mề đay.
Tại sao mẹ bầu lại bị mề đay?
- Khi mang bầu, mẹ bị thay đổi nội tiết tố, các nồng độ Estrogen, Progesterone trong huyết tương thay đổi, từ đó làm tăng kích thích tế bào hắc tố và Proopiomelanocortin, dẫn đến nổi mề đay mẩn ngứa.
- Môi trường ô nhiễm với côn trùng, khói bụi, phấn hoa, lông động vật, các loại hóa chất dễ gây kích ứng cho da cũng khiến mẹ dễ bị nổi mề đay dị ứng.
- Ngoài ra, thời tiết thay đổi, sức đề kháng yếu, cơ địa dễ dị ứng do di truyền... cũng là một trong những yếu tố khiến mẹ bị mề đay.
Dấu hiệu mề đay ở mẹ bầu
- Nổi các nốt mẩn đỏ tập trung ở một vị trí hoặc rải rác khắp cơ thể, phổ biến ở vùng bụng, các vết rạn, mông, đùi, mặt, cánh tay,...
- Ngứa ngáy tạo phản ứng gãi, khiến bệnh tăng nặng, nốt mẩn lan rộng, tạo thành mảng, gãi nhiều có thể gây trầy da, nhiễm trùng da.
- Bệnh để lâu không chữa trị sẽ tái phát liên tục, chuyển sang giai đoạn mạn tính, có thêm các biểu hiện như đau đầu, sốt, mệt mỏi, đau họng, khó thở, ra nhiều khí hư,...
Nổi mề đay ở mẹ bầu có nguy hiểm không?
Thông thường, cơn mề đay sẽ tự hết sau một thời gian tùy vào từng mẹ, có thể không gây ảnh hưởng đến mẹ và bé. Tuy nhiên, nó có thể khiến mẹ ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, nhiều mẹ bị quá nặng có thể dẫn tới những trường hợp không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Tốt nhất, khi nổi mề đay, mẹ nên đi khám ở cơ sở uy tín để được bác sĩ đưa lời khuyên.
Làm gì để giảm ngứa khi bị mề đay
- Mẹ có thể thoa kem để làm dịu vùng da mẩn ngứa, loại kem này cũng cần tham khảo bác sĩ.
- Không tiếp xúc nước quá nóng (> 36 độ C) hay quá lạnh.
- Mẹ vẫn cần tắm rửa, vệ sinh mỗi ngày nhưng tránh sử dụng sữa tắm có mùi nồng hoặc chứa hóa chất quá mạnh.
- Giữ độ ẩm không khí trong phòng. Tránh cào, gãi quá mạnh gây xước da.
- Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học. Ăn nhiều ra xanh, trái cây tươi, hoa quả. Hạn chế các tác nhân gây dị ứng như hải sản, chất kích thích.
- Sử dụng thuốc trên đối tượng là phụ nữ có thai và cho con bú phải hết sức thận trọng. Mẹ bầu cần liên hệ bác sĩ để đánh giá và chỉ định thuốc, không tự ý dùng thuốc.