Hội bạn thân mẫu giáo trải nghiệm nặn gốm, tô tượng tại Bát Tràng

Thảo Hương,
Chia sẻ

Các em bé đã có những khoảnh khắc rất vui vẻ và đầy ý nghĩa cùng nhau.

Cho trẻ ra ngoài chơi sẽ giúp con phát triển toàn diện, tạo cơ hội cho bé khám phá và tìm hiểu thế giới quan. Có một điều rất kỳ diệu là nếu con được đi chơi cùng nhóm bạn thân thì niềm vui của bé sẽ nhân lên gấp nhiều lần. Các con sẽ cùng nhau đùa nghịch, cùng mày mò, tìm tòi mọi thứ dưới lăng kính hồn nhiên, vô tư nhất. 

Thấu hiểu điều này, chị Chi (sống tại Hà Nội) đã cho con gái Cookie (hay gọi là Ki) cùng đi chơi với các bạn học mẫu giáo của mình. Nhóm bạn thân đã có một buổi khám phá làng gốm Bát Tràng tại Hà Nội với những trải nghiệm thú vị và khó quên. Đây chắc chắn là một điểm đến hứa hẹn cho các gia đình có trẻ nhỏ vào cuối tuần hoặc những lúc rảnh rỗi.

Các em bé miệt mài nặn gốm.

Chia sẻ về việc đưa con đi chơi ở Bát Tràng, chị Chi tâm sự, bé Ki đã được đến Bát Tràng từ hồi mới 2 tuổi. Vì lúc ấy con còn bé nên bố mẹ đưa con đi dạo chơi vài vòng trong khu chợ gốm để ngắm nghía và sờ mó những con vật gốm. Bé rất thích thú mỗi khi tới đây. Tuy nhiên vì còn nhỏ nên Cookie chưa mạnh dạn nặn gốm.

"Không biết vì sao Bát Tràng trở thành một địa chỉ đi chơi quen thuộc của gia đình, chỉ biết mỗi cuối tuần rảnh rỗi thì Bát Tràng sẽ nằm trong danh sách được lựa chọn để thay đổi không khí. Đôi khi chỉ đơn giản vì lý do khi em bé được hỏi 'Có phiếu bé ngoan con thích được thưởng đi chơi ở đâu?'. Trong 3 tháng gần đây Ki đã đi Bát Tràng với bố mẹ và bạn bè đến 5 lần", chị Chi tâm sự. 

Một ngày cùng các bé vui chơi tại làng gốm Bát Tràng 

Nằm ven con sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, Bát Tràng là một điểm vui chơi lý tưởng cho cả gia đình nhỏ. Để đi tới Bát tràng, bố mẹ có thể chọn cách đi bằng xe máy, đi bằng ô tô riêng, hoặc bắt xe bus từ bến trung chuyển Long Biên, xe sẽ đưa bạn tới đầu làng. Đi bộ một chút qua các nhà bán gốm là đến chợ.

Chợ gốm Bát Tràng có bán rất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ gốm sứ. Bố mẹ có thể thỏa thích tìm bát đĩa, lọ hoa, đồ trang trí trong khi các bé sẽ mê mẩn với những tạo hình con thú đồ chơi đầy màu sắc bắt mắt của các sản phẩm gốm. 

Còn gì vui hơn khi được đi chơi cùng nhóm bạn thân.

Bé nào đến đây cũng mê mải với việc đặt cục đất lên bàn xoay, rồi tự mình "hô biến" cục đất mềm dẻo thành những hình thù khác nhau. Đa số tác phẩm ban đầu đều là những hình thù khá kỳ quái khiến các bé phải phá lên cười thích thú. Nhưng sau quen tay, bé nào khéo sẽ nặn được những chiếc cốc hoặc bát hình tròn đơn giản. 

Bố mẹ cũng có thể thi làm cùng với bé để xem tác phẩm của ai đẹp hơn. Nặn xong là đến công đoạn làm khô sản phẩm. Công đoạn này phải mất đến 30 phút, nên gia đình có thể tranh thủ lúc này để đi ăn trưa ở ngay đầu chợ.

Chị Chi chia sẻ, nếu đến Bát Tràng mà đi cùng với bạn bè của Ki thì lịch trình thường sẽ là khám phá chợ gốm, lò bầu cổ, bảo tàng rồi đi trải nghiệm vuốt nặn gốm với nhau, không quên check-in chụp ảnh và tham quan các sản phẩm gốm độc đáo. 

Bạn bè ơi, mình cùng đi muôn nơi!

Nếu định ăn trưa ở Bát Tràng thì rất nên thử món cỗ truyền thống có món măng mực, su hào xào mực khô rất ngon. Hành trình kết thúc sau bữa trưa và trở về với rất nhiều tượng trắng do các bé vào tận các nhà gốm (lò gốm) để mua về tô tượng.

Khi ăn trưa xong, cũng là lúc sản phẩm gốm vừa kịp khô. Bây giờ là lúc trang trí, tô màu cho sản phẩm. Tùy theo con mắt của bé mà bé có thể chọn màu và tự tay vẽ hình lên chiếc cốc của mình. Cuối cùng, chủ nhà sẽ sơn phủ bóng bên ngoài để sản phẩm được bền màu hơn. Bé đã có thể hân hoan cầm chiếc cốc về nhà.

Nếu đi Bát Tràng chỉ có bố mẹ thì cả nhà sẽ cùng nhau đi cà phê trên tầng 5 của bảo tàng gốm hoặc đối diện bảo tàng. Sau đấy Ki sẽ cùng mẹ vào chợ mua một số món đồ gốm gia đình đang cần, đôi khi là tranh thủ tạt luôn vào làng hoa Xuân Quan ở ngay gần đó.

Ngắm nhìn các đồ vật được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân

"Bát Tràng là một điểm đến rất yêu thích với một em bé yêu thích màu sắc như Ki. Thay vì chọn các khu vui chơi trong trung tâm thương mại thì các những trải nghiệm ở Bát Tràng chưa bao giờ hết hấp dẫn với bé. Lần nào trở về nhà cũng sẽ đem theo chiến lợi phẩm yêu thích là các bức tượng trắng do bé nặn khi chơi trò vuốt gốm hoặc là mẹ mua sẵn hình công chúa, hình các con vật đáng yêu. 

Việc hô biến 1 cục đất mềm dẻo màu nâu trở thành hình thù rất kỳ diệu. Sau đó miếng đất ấy được hơ lửa trở nên trắng bóc khiến bé vô cùng thích thú. Chưa kể cùng nhau nặn gốm, cùng nhau tô tượng sẽ là khoảng thời gian gắn kết mọi người hơn.

Em bé Ki mê nặn gốm sứ.

Là mẹ mình mong con có nhiều trải nghiệm để đời sống tuổi thơ phong phú, đến Bát Tràng bé được hiểu thêm về một làng nghề truyền thống, thấy được những đồ vật sử dụng trong gia đình được tạo ra bởi đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân và nhất là bản thân bé được khám phá nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống", chị Chi gửi gắm.

Hội bạn thân mẫu giáo trải nghiệm nặn gốm, tô tượng tại Bát Tràng - Ảnh 5.

Chia sẻ