Học tiểu học ở Pháp: Không sách giáo khoa, không bài tập về nhà
Nếu so với học sinh lớp 4 ở Việt Nam, chắc chắn hầu hết học sinh tiểu học ở Pháp đều học toán kém hơn, tính nhẩm không nhanh bằng, chưa thể giải những bài tập toán nâng cao hóc búa.
Con gái tôi hiện đang học lớp 4 tại một trường tiểu học ở Pháp. Từ ngày con đi học, tôi đã có dịp quan sát và nhận ra những khác biệt giữa chương trình học của con cũng như phương pháp giáo dục tiểu học ở Pháp và ở Việt Nam.
Các cháu học tiểu học không sử dụng sách giáo khoa, toàn bộ tài liệu học đều do cô giáo tự chuẩn bị và phô-tô-cóp-pi cho học sinh. Tất cả tài liệu này được giữ lại trong một folder cá nhân chuyên dùng để lưu trữ giấy tờ. Đôi khi, một số thầy cô sẽ sử dụng những loại sách bài tập khác nhau, nhưng đều không vượt quá mục tiêu đề ra theo hướng dẫn của bộ giáo dục.
Chương trình học toán của các học sinh cấp 1 tại đây rất đơn giản, chủ yếu học về số, cách thực hiện các phép tính, cách giải các bài toán có lời đơn giản. Hệ thống số đếm của Pháp khác phức tạp, ví dụ 60 đọc là sáu mươi, 70 là sáu mươi mười, nhưng 80 lại được đọc là bốn hai mươi, 99 là bốn hai mươi mười chín. Vì thế, các học sinh phải học viết số bằng chữ thường xuyên để nhớ và còn phục vụ cho việc tính nhẩm.
Chương trình học toán của các học sinh cấp 1 tại đây rất đơn giản, chủ yếu học về số, cách thực hiện các phép tính, cách giải các bài toán đơn giản.
Cách học cũng hơi khác Việt Nam một chút. Ví dụ, khi học cộng trong phạm vi dưới 20, các cháu cũng học một bảng tính cộng giống như bản cửu chương vậy. Hoặc khi làm bài toán có lời giải, các cháu được khuyến khích sử dụng các ngón tay, hoặc vẽ vời các kiểu để tính cho dễ, cái chính là giúp trẻ tìm ra phương pháp để giải quyết vấn đề.
Ngoài ra trẻ còn học về đo lường thời gian, cân nặng, độ dài và hình học cơ bản. Tuyệt nhiên trong chương trình học bình thường, tôi không thấy có bài tập nâng cao kiểu đánh đố khiến bố mẹ vắt óc suy nghĩ không ra đành lên mạng hỏi. Hơn nữa, học sinh cũng chưa bao giờ có bài tập toán mang về nhà.
Mục tiêu của môn toán tiểu học là giúp trẻ trước hết là hiểu về số học và hình học, sau đó là hướng vào phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và lối suy nghĩ lô-gic.
Ở chương trình cấp một tại Pháp, việc học đọc và học viết được chú trọng rất nhiều. Về việc học đọc, học sinh thường đọc một đoạn văn ngắn hoặc một bài thơ, sau đó làm bài tập để kiểm tra mức độ hiểu về nội dung của đoạn văn. Bài tập có thể là các câu hỏi trả lời đúng/sai, lựa chọn đáp án đúng, điền từ vào chỗ trống hoặc trả lời các câu hỏi sâu về nội dung bài đọc. Nhiều khi bài tập đọc cũng gắn liền với hoạt động viết, ví dụ, các học sinh được phép lựa chọn một số nhân vật trong một câu chuyện và thay bằng các nhân vật mới do mình tưởng tượng, sau đó viết lại câu chuyện với các nhân vật đó.
Bài tập đọc với các câu hỏi dạng đúng sai.
Từ năm lớp 2, các em thường được thầy cô giáo giao sách về nhà để đọc. Độ dài và mức độ phức tạp của cuốn sách cũng tăng dần theo khả năng đọc của từng em. Thường là mỗi tuần các em đọc xong một cuốn sách, sau đó sẽ làm bài tập đọc hiểu ở trên lớp.
Lên lớp 4, việc đọc sách còn gắn liền với hoạt động trình bày. Cô giáo yêu cầu học sinh trong kì nghỉ lễ đọc một cuốn sách yêu thích, sau đó đến lớp và trình bày với các bạn lý do tại sao mình lại thích cuốn sách đó, đặc biệt, cần nói một cách hấp dẫn để các bạn cũng cảm thấy thích đọc. Mỗi bạn sẽ mang theo một cuốn sách để đóng góp vào thư viện của lớp và chia sẻ với các bạn học sinh khác. Bên cạnh đó, trường học cũng có thư viện để học sinh thoải mái đọc sách. Việc đi học ở thư viện thành phố cũng được tổ chức vài lần mỗi năm học. Những hoạt động này đều nhằm mục đích khuyến khích học sinh đọc và xây dựng sở thích đọc sách cho các học sinh ngay từ nhỏ.
Cũng như ở Việt Nam, học sinh tiểu học cũng có môn tiếng Pháp, các em học về ngữ pháp và từ vựng. Theo cảm nhận của tôi, ngữ pháp và chính tả của tiếng Pháp khá phức tạp. Vì thế, ngoài việc làm các bài tập ngữ pháp và chính tả, các hoạt động viết cũng rất được chú trọng. Tuy nhiên, nó không giống như việc học tập làm văn ở Việt Nam, học sinh không làm các dạng bài tập như tả cảnh, tả ông bà cha mẹ hay phát biểu cảm nghĩ về mùa xuân...
Bài tập đọc của học sinh lớp 3 tại Pháp.
Hoạt động viết gắn liền với môn khoa học, các học sinh viết những điều thực tiễn, như viết về sự thay đổi của các mùa, viết về đặc tính các con vật, tất nhiên với nội dung đơn giản. Hoặc hoạt động viết gắn liền với đời sống, viết một giấy mời bạn đến sinh nhật, viết thư chúc mừng giáng sinh cho người thân, viết thư cho một người bạn.
Ngược lại, cũng có những hoạt động viết kích thích trí tò mò và tính sáng tạo của trẻ nhỏ. Ví dụ, cả lớp cùng nhau viết một câu chuyện, mỗi bạn viết một vài câu, bạn viết sau sẽ tiếp tục phát triển chuyện từ ý của bạn viết trước. Cô giáo còn có một cuốn lịch viết, mỗi ngày được gợi ý bởi một câu, một từ, hoặc một ý và học sinh sẽ tự viết vào vở của mình theo những gợi ý đó. Không bao giờ có khuôn mẫu để trẻ bắt chước!
Bài tập toán của học sinh lớp 2.
Nếu so với học sinh lớp 4 ở Việt Nam, chắc chắn hầu hết học sinh tiểu học ở Pháp đều học toán kém hơn, tính nhẩm không nhanh bằng, chưa thể giải những bài tập toán nâng cao hóc búa. Mục tiêu của môn toán tiểu học là giúp trẻ trước hết là hiểu về số học và hình học, sau đó là hướng vào phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và lối suy nghĩ lô-gic. Các em học cách tìm kiếm cách giải một bài toán, thay vì học dạng toán và nhớ các bước giải.
Khả năng viết của trẻ được phát triển qua những hoạt động mang tính sáng tạo, vì thế không có chỗ cho những cuốn sách bài văn mẫu sáo rỗng và rập khuôn, các em cũng vì thế mà không có thói quen copy những sản phẩm không phải là của mình.
Tác giả Nguyên-Kan là nghiên cứu sinh ngành ngôn ngữ, hiện đang sống cùng gia đình tại thành phố La Rochelle, Pháp. Sở thích của cô là chụp ảnh hai con gái Nhím & Sâu, cũng như ghi chép những câu chuyện đáng yêu hàng ngày của các con. Đối với cô, "làm mẹ" là một công việc toàn thời gian vĩnh cửu tuyệt nhất trên đời.