Học cách vượt qua thất bại: Kỹ năng mềm quan trọng nhất trẻ em cần biết hiện nay
Cha mẹ có xu hướng muốn giúp con mình thành công nhưng trẻ em cũng cần được giúp đỡ để học cách vượt qua thất bại.
Trong cuộc sống hiện nay, học cách vượt qua thất bại cũng quan trọng không kém việc cố gắng thành công. Nếu không học cách đứng dậy sau thất bại, trẻ có thể bị khủng hoảng dù ở lứa tuổi mầm non hay đại học. Và có lẽ điều quan trọng hơn là nó khiến trẻ từ bỏ việc cố gắng hoặc thử những điều mới.
Đó là lý do tại sao Michael Jordan, một trong những vận động viên vĩ đại nhất thế giới, đã dành nhiều năm để giảng dạy về tầm quan trọng của việc thua cuộc. Jordan đã nói nhiều về sự kiên trì và khả năng phục hồi khi đối mặt với những thử thách trong và ngoài sân đấu, điều đã giúp anh ấy trở thành người chiến thắng.
Thật không may, khi thế giới ngày càng gây áp lực buộc trẻ em phải trở thành người chiến thắng. Cha mẹ cảm thấy buộc phải tạo điều kiện cho chúng bằng mọi cách có thể. Ngày càng có nhiều trẻ em dễ dàng đầu hàng vì một sai lầm nhỏ nhất.
Rõ ràng, khả năng chịu đựng đau khổ hoặc thất vọng là một kỹ năng sống quan trọng cần thành thạo. Amanda Mintzer, nhà tâm lý học lâm sàng tại Viện Trí tuệ Trẻ em Mỹ cho biết: "Khả năng chấp nhận sự không hoàn hảo, rằng điều gì đó không diễn ra theo ý muốn quan trọng hơn việc học bất cứ thứ gì. Việc rèn cho trẻ kỹ năng này là điều cần thiết để chúng trở nên độc lập, nỗ lực nhiều hơn cho tương lai, dù đó là mục tiêu cá nhân, mục tiêu học tập hay chỉ học cách đối phó hiệu quả với người khác".
Vậy cha mẹ dạy con thất bại như thế nào? Tiến sĩ Mintzer đưa ra một quy trình gồm nhiều bước:
1. Thể hiện sự đồng cảm
Tiến sĩ Mintzer nói: "Đừng chỉ nói: Không sao đâu, lần sau con sẽ làm tốt hơn. Việc gạt đi cảm giác bực bội và thất vọng của một đứa trẻ là vô ích. Thay vào đó, cha mẹ cần thay đổi cách nói: Mẹ thấy con thực sự rất buồn và thất vọng, mẹ biết con rất muốn làm tốt hơn".
2. Kể lại trải nghiệm của bản thân
Bạn có thể giải thích rằng, thất bại là một phần của cuộc sống và xảy ra với tất cả mọi người. Bạn có thể chia sẻ những ví dụ về thất bại mà mình từng trải qua.
Tiến sĩ Mintzer nói: "Cha mẹ có thể làm mẫu cách đối phó với sự thất vọng của chính họ, chẳng hạn như mất cơ hội thăng tiến trong công việc. Dù mọi người đều thích mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, nhưng điều quan trọng là phải dạy con cái rằng, nếu chúng diễn ra không theo ý muốn thì cũng không sao".
Sự thất bại của trẻ là cơ hội để cha mẹ dạy trẻ kỹ năng chấp nhận và giải quyết vấn đề. Bạn và con bạn có thể cố gắng nghĩ ra những gì mình có thể làm vào lần tới để có cơ hội thành công cao hơn.
3. Dạy con đối mặt với thất bại
Trẻ cần biết rằng, đôi khi chúng ta thất bại hoặc đối mặt với sự thất vọng, bản thân không thể làm được gì nhiều trong thời điểm đó, chúng ta phải chấp nhận nó như một phần của cuộc sống và bước tiếp.
Tiến sĩ Mintzer gợi ý một ví dụ rằng, bạn bè của con nói không thể đi chơi vì bận nhưng con lại thấy họ đăng ảnh đi chơi trên Instagram hoặc Facebook. Đây là một thực tế phổ biến, trẻ có thể đối mặt với nhiều cảm xúc như thất vọng, buồn bã, tức giận.
Làm thế nào để trẻ đối phó với điều đó? Gọi điện cho bạn bè và trách móc họ chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Trẻ có thể phớt lờ và giả vờ như chưa từng thấy, nhưng điều đó sẽ không khiến chúng cảm thấy tốt hơn hay thay đổi những gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Cha mẹ nên nói cho trẻ hiểu một bài học trong cuộc sống rằng, đôi khi chúng ta bị bỏ rơi, không được yêu thích và phải học cách đối mặt với sự thật đó mà không làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
4. Lùi lại và cho phép trẻ thất bại
Có thể rất khó khăn khi chứng kiến con cái "ngã xuống" nhưng chúng chỉ có thể học cách xử lý sự thất vọng thông qua thử và sai.
Cha mẹ tốt nhất học cách buông bỏ như thế nào, đừng cướp đi những trải nghiệm đòi hỏi khả năng giải quyết vấn đề của trẻ. Điều quan trọng là cha mẹ cho phép trẻ thất bại, mắc sai lầm và hướng dẫn chúng cách phục hồi sự tự tin để đón nhận những thử thách mới.
Học cách thất bại có thể rất đau đớn nhưng những đứa trẻ sẽ chỉ thành công nếu chúng có được kỹ năng xử lý bất cứ điều gì cuộc sống "ném" vào cuộc đời mình.