Dạy con không sợ thất bại: Cho con va vấp để trưởng thành
Bày tỏ lời khen ngợi đúng đắn, giúp con tìm ra giải pháp thay vì trách mắng, làm bạn cùng con và tạo cảm hứng học tập là những phương pháp nuôi dạy trẻ trưởng thành một cách khoa học, văn minh.
Việc nuôi dạy con không hề dễ dàng
Trong môi trường hiện nay, các bậc cha mẹ đã đầu tư rất nhiều cho con về việc ăn uống, học tập, giải trí… Nhưng nhiều con lại không như được kỳ vọng, còn có các hành vi tùy hứng khiến ba mẹ buồn lòng.
Trong cuốn sách "Dạy con không sợ thất bại", nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em người Trung Quốc Dương Nghị Hoằng nhìn nhận rằng: "Ba mẹ sẽ đặt ra mục tiêu, đưa ra yêu cầu, vạch ra giới hạn hành vi cho con, và không ngừng thúc đẩy con trở thành người tốt đẹp hơn, ưu tú hơn. Cho dù con thành công hay thất bại, dù con xuất sắc hay tầm thường, ba mẹ vẫn luôn yêu thương, đồng hành cùng con đối diện với mọi điều tốt - đẹp hay vui sướng - khổ đau trong cuộc sống".
Nhưng trên thực tế, không phải gia đình nào cũng chấp nhận được cái giá của thất bại. Bởi lẽ, thất bại có thể xuất hiện ngay ở những thời điểm trọng đại, và do đó, con cái của họ có thể bị bỏ rơi lại phía sau.
Để giúp con cái tránh khỏi thất bại, các bậc cha mẹ không chỉ cố gắng giúp con được phát triển toàn diện cả về đạo đức, trí tuệ, thể lực, mỹ thuật và lao động mà con tham gia các kênh liên lạc mật thiết, thuận tiện giữa phụ huynh và nhà trường. Từ đó, họ có thể nắm bắt thông tin trực tiếp về những thành công và thất bại của con tại trường học, để họ có thể giúp con một tay.
Những đứa trẻ được cha mẹ vạch sẵn kế hoạch, dự trù đường đi nước bước ngay từ nhỏ sẽ khó có cơ hội trải nghiệm thất bại. Bởi vì, chúng chỉ việc đi theo con đường cha mẹ vạch sẵn nên mọi việc sẽ luôn thuận buồm xuôi gió. Nhưng cuộc đời con người có thể mãi thuận lợi như vậy không?
Đối diện với những thất bại đầu đời của con
Chị H. có con gái tên M, 13 tuổi. Cháu rất say mê theo đuổi ngôi sao thần tượng. Do mẹ làm ngành truyền thông có quan hệ với các công ty tổ chức sự kiện nên cháu hứa giúp các bạn mua vé chương trình biểu diễn của thần tượng. Cháu tưởng rằng, mẹ đã đồng ý nên đã tự thu tiền vé các bạn, nhưng không đưa tiền cho mẹ mà lại dùng để mua đồ cá nhân.
Mấy ngày trước khi diễn ra chương trình biểu diễn, cháu mới hỏi mẹ, nhưng mẹ không còn mua kịp nữa. Cháu lo lắng vì không giữ lời hứa với các bạn nên giả vờ ốm, không đi học. Đến khi chương trình biểu diễn kết thúc, các phụ huynh khác biết chuyện liền nhờ cô giáo liên hệ với ba mẹ. Lúc này, chị H. mới biết được đầu đuôi sự việc. Tuy chị đã trả lại toàn bộ số tiền con nhận của các bạn, nhưng vẫn không có cách nào khuyên cháu tiếp tục đi học được nữa. Cháu M quá xấu hổ nên không thể đối diện với sự việc đã xảy ra và có cảm giác thất bại nặng nề.
Ví dụ điển hình trên là một trong những tình huống thực tiễn mà tác giả Dương Nghị Hoằng trải nghiệm khi làm việc với phụ huynh. Theo ông, những câu chuyện như trên không hiếm với trẻ mới lớn. Vì vậy, trong một số trường hợp, cách cư xử khôn khéo và hợp tình hợp lý của cha mẹ sẽ phát huy tác dụng giáo dục tốt, giúp con hiểu được đâu là đúng - sai. Từ đó trẻ sẽ biết cách điều chỉnh hành vi cho phù hợp với gia đình và với mọi người xung quanh.
Trên thực tế, không có đứa trẻ nào hoàn hảo và cũng không có cha mẹ nào hoàn hảo. Điều bố mẹ cần làm là nắm bắt được những vấn đề thiết yếu để quan tâm đúng mực và có kế hoạch đồng hành cùng con.
Quá trình đồng hành cùng con trưởng thành là hành trình cha mẹ và con cái cùng nhau hoàn thiện bản thân. Làm thế nào để đối diện với thất bại? Làm thế nào để giúp trẻ quản lý cảm xúc tiêu cực và xây dựng mối quan hệ cá nhân trở nên tốt hơn? Đây là bài học chung bắt buộc của cả cha mẹ và con cái.
5 phương pháp cơ bản giúp dạy con không sợ thất bại
Theo tác giả Dương Nghị Hoằng, việc giáo dục trẻ đã là một quá trình liên tục thất bại, bản thân ba mẹ cũng liên tục thất bại, sau đó mới tiếp tục tìm hiểu và điều chỉnh phương pháp. Hãy dám dũng cảm nói với con rằng: "Ba mẹ đã trách nhầm con", "Việc này ba mẹ làm chưa tốt", "Ba mẹ đang cố gắng để hiểu con", "Ba mẹ cũng đang học cách làm thế nào để trở thành những bậc ba mẹ tuyệt vời"... Hãy để các con thấy đó chính là cách tốt nhất để làm gương, truyền dạy cho em khả năng vượt qua nghịch cảnh, khắc phục khó khăn.
Đồng thời, Dương Nghị Hoằng cũng chỉ ra 5 phương pháp cơ bản để thể hiện tình yêu thương vô điều kiện với con trẻ mà không cần dùng đến hình phạt hay phần thưởng. Đó là: Phương pháp khuyến khích đúng đắn: Khen ngợi; Giúp con tìm phương pháp thay vì trách mắng; Động viên trẻ chứ đừng treo thưởng; Giữ gìn hứng thú học tập của trẻ; Cùng chia sẻ cảm xúc với trẻ.