Hiếm muộn 4 năm mới có con nhờ IVF, mẹ bầu sợ động thai không dám vệ sinh bụng, người chê trách, người thương cảm
Vì không vệ sinh nên vùng bụng của người mẹ này khá bẩn, tuy nhiên khi biết được lý do thì không ít người lại tỏ ra đồng cảm.
Có con là điều thiêng liêng và kì diệu đối với bất kì người phụ nữ nào nhưng không phải ai cũng dễ dàng có được hạnh phúc ấy. Không ít người mẹ đã phải trải qua nhiều khó khăn, gian nan, thất bại trên hành trình tìm con của mình. Người mẹ trong đoạn clip đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội cũng vậy. Chị đã mất 4 năm cùng 2 lần IVF mới có em bé đầu lòng.
Khi đi khám thai, bác sĩ ngỡ ngàng khi kiểm tra vùng bụng của người mẹ này. Cụ thể, từ khi mang bầu, chị chưa một lần nào vệ sinh vùng bụng khiến làn da đen sì, đầy mảng bám cùng chất bẩn. Các y tá lập tức giúp người mẹ này làm sạch bụng cùng lời khuyên: "Cứ kì mạnh vào, kì cọ không gây ra động thai đâu. Mình để bẩn như thế này thì khi chọc ối dễ có nguy cơ nhiễm trùng. Nên vệ sinh, sát khuẩn sạch sẽ".
Mẹ bầu sợ động thai không dám vệ sinh bụng. Nguồn: Tiktok
Dưới phần bình luận, một số người tỏ ra chê trách khi người mẹ không biết giữ vệ sinh cho bản thân, để vùng bụng quá bẩn làm ảnh hưởng đến quá trình khám và đặc biệt có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng khi xử lý thủ thuật. Tuy nhiên, rất nhiều người khác cực kỳ thông cảm, thấu hiểu cho lý do tại sao người mẹ lại để vùng bụng của mình bẩn như vậy.
- Thương nhiều hơn là trách, họ phải cố gắng bao nhiêu, vất vả bao lâu, mong đợi thế nào mới có con. 2 lần IVF tốn cả tiền của và chịu nhiều cơn đau nên họ sợ ảnh hưởng tới con mình.
- Nghe giọng chị thấy thương quá, làm mẹ và đối diện với việc hiếm muộn rồi mới hiểu rằng họ sẽ làm mọi cách để giữ gìn con.
- Không nên chê cười mà hãy nói nhẹ nhàng để người mẹ hiểu rằng nên vệ sinh sạch sẽ là được. Việc kì cọ quá mạnh theo mình cũng gây ra những ảnh hưởng không tốt đâu. Vệ sinh nhẹ nhàng hàng ngày là biện pháp tốt nhất.
Bà bầu tắm có được kỳ bụng không?
Kì cọ khi tắm là thói quen với rất nhiều người, tuy nhiên phụ nữ mang bầu nên cẩn trọng hơn khi vệ sinh cơ thể. Mẹ bầu hoàn toàn có thể mát xa, chăm sóc nhẹ nhàng vùng bụng mỗi ngày để chúng trở nên sạch sẽ. Tuy nhiên, không nên chà xát hoặc tác động quá mạnh vì đây là vùng nhạy cảm, dễ làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Để an toàn, mẹ bầu có thể dùng khăn mềm lau nhẹ vùng bụng và dùng tăm bông nhẹ nhàng làm sạch bụi bẩn trên rốn khi tắm. Việc giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ là điều cần thiết, không nên để bất kì bộ phận nào bị bẩn, tuy nhiên cũng không nên tác động, chà xát với lực quá mạnh.
Tắm rửa đúng cách để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi
Để có một thai kỳ an toàn, bà bầu cần lưu ý những hướng dẫn cụ thể khi tắm:
- Tắm bằng nước có nhiệt độ thích hợp, tắm không quá 15 phút và hạn chế ngâm bồn lâu khi mang thai.
- Phụ nữ mang thai không nên ngồi xổm khi gội đầu vì có thể ảnh hưởng đến tử cung. Tốt hơn hết bạn nên nhờ ai đó gội đầu cho mình hoặc đến tiệm làm tóc để thư giãn.
- Trong quá trình tắm bà bầu nên giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, vì khi mang thai vùng kín của mẹ bầu sẽ tiết ra nhiều chất nhờn và có mùi hôi tương đối nồng. Vì vậy, vùng kín phải được giữ sạch sẽ để tránh nhiễm trùng. Nhưng lưu ý bà bầu không nên thụt rửa âm đạo quá sâu để tránh làm tổn thương vùng kín.
- Đặc biệt khi tắm không nên kỳ cọ mạnh mà chỉ nên tắm nhẹ nhàng các bộ phận trên cơ thể. Vùng rốn của mẹ bầu có thể vệ sinh sạch sẽ bằng tăm bông.
Một số lưu ý khác dành cho mẹ bầu khi tắm
- Chọn thời điểm để tắm: Cơ thể chị em trong thời gian mang thai rất nhạy cảm, chính vì vậy các mẹ không nên tắm rửa bất cứ lúc nào trong ngày đặc biệt là khi vừa ngủ dậy hoặc đêm muộn. Mẹ bầu nên chọn thời điểm thích hợp nhất trong ngày khi cơ thể sẵn sàng nhất cho việc tắm rửa như buổi chiều tối sau khi đi làm về. Lưu ý: Khi vừa vận động cơ thể xong thì nên ngồi nghỉ khoảng 30 phút để cơ thể thư giãn rồi mới tắm.
- Không tắm khi tụt huyết áp: Khi cơ thể mệt mỏi, huyết áp xuống thấp, tắm nước ấm sẽ làm mạch máu trong cơ thể người mẹ giãn nở, máu đưa lên não của mẹ cũng như đưa chất dinh dưỡng đến cho con không đủ, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
- Các mẹ nên tắm với nước ấm, thử nước bằng cách dùng cùi trỏ tay để kiểm tra và nên làm ướt người từ dưới lên trên để cơ thể quen dần với sự thay đổi nhiệt độ.