Hiểm họa rình rập trẻ ở… nơi an toàn nhất
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, nhận thức của các cha mẹ về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ còn hạn chế và thiếu sự quan tâm.
Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ gặp tai nạn thương tích trong chính gia đình.
Nhận thức còn hạn chế
Ngôi nhà là nơi an toàn, nhưng cũng có thể xảy ra nhiều rủi ro gây thương tích cho trẻ. Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, hoặc để lại di chứng suốt đời cho trẻ.
Phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích trẻ em xảy ra là do sự bất cẩn của người lớn. Nếu người lớn bất cẩn trong quá trình chăm sóc, trẻ có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn như: Bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang…
Mới đây, vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Hà Nội) đã gây ra hậu quả vô cùng thảm khốc. Trong đó, có 25 trẻ em là nạn nhân (16 trẻ tử vong, 9 trẻ bị thương). Sau vụ hỏa hoạn, các chuyên gia đã đặt vấn đề về phổ biến kiến thức, kỹ năng sinh tồn khi xảy ra cháy nổ.
Một trong những biện pháp quan trọng đó là cần tăng cường nhận thức cho cộng đồng dân cư về việc tạo lập môi trường sống an toàn, phòng ngừa tối đa tai nạn thương tích ở trẻ em.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho biết, theo báo cáo từ khảo sát toàn quốc về tử vong trẻ em năm 2012, có gần 60% trẻ tử vong do tai nạn thương tích xảy ra ngay trong chính ngôi nhà mình ở và khuôn viên quanh nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 9 tuổi.
Điều này cho thấy sự tiềm ẩn các nguy cơ gây tai nạn thương tích cao trong chính ngôi nhà, nếu cha mẹ và người chăm sóc bất cẩn, chủ quan không để mắt giám sát.
“Nguyên nhân chính xuất phát từ nhận thức của các cha mẹ về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ còn hạn chế và thiếu sự quan tâm. Nhiều gia đình để nhà cửa sắp xếp thiếu ngăn nắp, không hợp lý, đồ đạc bừa bãi. Từ đó, gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ. Các yếu tố có thể gồm: Điện hở, nước sôi bếp lửa, chum vại xô chậu chứa nước, dao kéo sắc nhọn, thuốc chữa bệnh của người lớn để bừa bãi và các hóa chất tẩy rửa trong nhà vệ sinh…”, chuyên gia nêu.
Cũng theo bác sĩ An, tai nạn thương tích ở trẻ thường gặp tại các gia đình nghèo, khi phụ huynh phải bươn chải mưu sinh, không có thời gian để quan tâm chăm sóc, giám sát con. Những gia đình này thường phải để con ở nhà một mình, trẻ lớn trông trẻ bé.
“Các cha mẹ hãy dành thời gian chăm sóc, quản lý, giáo dục con, đặc biệt là chú ý phòng tránh vấn đề tai nạn thương tích xảy ra sinh hoạt trong gia đình. Bởi, nguy cơ trẻ gặp tai nạn rất dễ xảy ra ngay trong chính ngôi nhà của mình như: Bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật, cháy bỏng...”, bác sĩ Nguyễn Trọng An cảnh báo.
Những nguy cơ “rình rập”
Ngày 6/5/2011, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định 548 xây dựng ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, dựa trên phong trào vận động của UNICEF từ 2008 Child Safe Home. Quyết định với 43 tiêu chí, từ an toàn về điện, nước, cầu thang, xung quanh nhà… đến vận động toàn dân để tuyên truyền vận động. Từ đó, giúp cho cha mẹ có thể nhận biết, phát hiện được những mối nguy cơ mất an toàn, hiểm họa gây tai nạn thương tích trong chính ngôi nhà của mình để kịp thời loại bỏ.
Do đó, chuyên gia này nhấn mạnh, cần kiểm tra, xem xét và cất hoặc loại bỏ các nguy cơ mất an toàn cho trẻ, như: Phích nước nóng, dao kéo, các loại thuốc uống; Khóa cửa ra ban công, đóng cửa sổ; Đậy nắp chum vại hoặc đổ hết nước trong các xô chậu trong nhà tắm; Tắt các thiết bị điện không dùng, dán băng dính che ổ điện, ngắt cầu dao bếp, khóa bình gas cẩn thận hoặc khóa cửa phòng bếp.
Các phụ huynh cũng nên để sẵn một điện thoại di động cạnh điện thoại bàn và dán danh sách những số điện thoại quan trọng. Trong đó, gồm các số gọi: Cảnh sát 113, chữa cháy 114 và cấp cứu 115 ở ngay đầu danh sách. Tiếp đến là số điện thoại bàn, số di động, số cơ quan của những người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè và hàng xóm đáng tin cậy. Phụ huynh cũng cần đưa cho trẻ giữ một chìa khóa cửa chính của nhà.
Liệt kê các nguy cơ gây tai nạn thương tích trong, xung quanh nhà, cạnh gia đình mà trẻ em dễ mắc phải, bác sĩ An nêu, trước hết là nhiệt. Nguy cơ cháy, bỏng trong nhà là rất cao.
Do đó, cần chú ý tới các vật nóng để bất cẩn cạnh chỗ trẻ chơi hoặc trên đường đi của trẻ, như: Thức ăn nóng, phích nước sôi, bàn là nóng, ống bô xe máy...., thiết bị nấu ăn không bảo đảm an toàn do không được che chắn bảo vệ. Người lớn cần chú ý các vật dụng gây cháy như: Bao diêm, bật lửa, sạc điện, bếp gas…
Điện và đường dây điện trong nhà không an toàn cũng là nguyên nhân gây tai nạn thương tích ở trẻ, như: Các thiết bị điện như ổ cắm để không đúng quy cách hoặc không có thiết bị bảo vệ, dây dẫn điện bị hở, các đồ dùng bị dò điện. Vật sắc nhọn như mảnh thủy tinh, dao kéo... để trong tầm với cũng có nguy cơ gây tai nạn thương tích ở trẻ.
Ngoài ra, hóa chất, các chất tẩy rửa, thuốc độc (hóa chất trừ sâu, thuốc diệt chuột…), thuốc uống để không đúng chỗ cũng có thể gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, trẻ có nguy cơ tai nạn thương tích do độ cao, như: Bậc thềm cao, cầu thang không có tay vịn, gác xép không có thành chắn, các cây cao xung quanh nhà không có rào ngăn, hoặc không có người trông nên trẻ dễ bị ngã.
Một số yếu tố nguy cơ cao khác gồm: Các đồ vật treo hoặc gác ở trên cao nhưng có nguy cơ rơi xuống; súc vật; vật gây ngạt tắc đường thở; các loại đồ chơi; trò chơi nguy hiểm như kiếm, súng; thức ăn ôi thiu hoặc có chất gây độc; hố vôi, giếng, bể nước, chum vại, hố sâu không được che chắn, không có nắp đậy.