Hãy làm những việc này để không biến con thành đứa trẻ thiếu kiên nhẫn, cô đơn và chán ghét học hỏi
Nhiều thống kê xã hội và nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ ngày nay tuy có cuộc sống vật chất đầy đủ và được nuôi dưỡng kĩ càng hơn nhưng lại gặp nhiều vấn đề về tâm lý và sức khỏe tâm thần hơn trẻ em các thế hệ trước.
Một sự thật mà cha mẹ hiện đại đang phải đối diện, đó là con cái chúng ta đang ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn, hay cáu giận, khó kiểm soát cảm xúc, luôn cảm thấy cô đơn và ít hứng thú với việc học tập. Một trong những nguyên nhân quan trọng được các chuyên gia và nhà nghiên cứu tâm lý cảnh báo, đó là sự thiếu hụt thời gian chất lượng dành cho con và những hoạt động tương tác gắn bó giữa cha mẹ và con cái ngày càng ít đi. Vì thế, để giúp con trở thành những đứa trẻ cân bằng cảm xúc và có sức khỏe tinh thần lành mạnh, các bố mẹ cần đặc biệt lưu ý và thực hiện 10 điều dưới đây trong cuộc sống hàng ngày.
1. Mười phút mỗi ngày
Chỉ cần 10 phút mỗi ngày dành trọn vẹn cho con là bố mẹ đã có thể mang đến cho con rất nhiều điều tuyệt vời. (Ảnh minh họa)
Mỗi ngày hãy dành 10 phút để kết nối lại với con bạn. Dành thời gian tương tác 1-1 với từng đứa trẻ của bạn 10 phút mỗi ngày. Không thiết bị điện tử. Không tivi. Không công việc. Không phiền muộn. Hãy để trẻ là người dẫn dắt cuộc chơi và chọn lựa hoạt động. Chỉ cần như vậy thôi bạn sẽ dần gạt bỏ được cảm giác tội lỗi với con và sẽ cho phép bạn kết nối với trẻ chất lượng hơn. Hãy quay về với những thứ chúng ta làm trước khi điện thoại thông minh xuất hiện (những gì mà bố mẹ của bạn làm khi bạn còn nhỏ) – đơn giản chỉ là dành thời gian chơi trò chơi với trẻ.
(Tham khảo một số hoạt động giúp bạn có thời gian chất lượng bên con ở bài viết này)
2. Hãy để trẻ biết buồn chán
Buồn chán là một trong những trạng thái giúp trẻ trở nên cân bằng và sáng tạo hơn. (Ảnh minh họa)
Hãy nói với trẻ rằng việc không có gì làm là điều thật may mắn. Đừng lôi điện thoại ra để mong trẻ lúc nào cũng bận rộn. Đừng lúc nào cũng phải nghĩ xem cho trẻ đi đâu chơi. Hãy cứ để chúng thấy buồn chán, bởi vì đó là lúc tâm trí con bạn sẽ trở lại bình yên và các sở thích sẽ quay trở lại; trẻ sẽ tìm ra cách riêng để chơi; mong muốn được đáp ứng ngay khi trẻ đòi hỏi sẽ dần biết mất.
Hãy nhớ rằng: Nỗi buồn chán là thứ mở đường cho lũ trẻ khám phá bản thân.
3. Thay thế các phần thưởng từ bên ngoài bằng các phần thưởng nội tại
Hãy dạy trẻ cách biến những hoạt động không thú vị thành thú vị. Hãy cho trẻ biết rằng những gì chúng làm được có giá trị cho bản thân chúng sau này.
4. Nói chuyện
Trò chuyện với con mỗi ngày là cách đơn giản nhất để bố mẹ gần gũi và thấu hiểu con hơn. (Ảnh minh họa)
Hãy nói chuyện với trẻ mọi lúc, mọi nơi có thể: lúc ăn tối, trên đường đi học, khi đang nấu ăn, khi ngồi trên xe buýt… Đó là lúc bạn tìm hiểu về tâm tư, cảm xúc, cuộc sống của con bạn. Hãy để bữa tối (hay bất cứ bữa ăn gia đình nào) không có tivi, điện thoại hay bất kỳ thiết bị nào xung quanh.
5. Trao trách nhiệm
Hãy để con tham gia vào những công việc gia đình để trẻ ý thức được vai trò và sự quan trọng của mình trong gia đình. (Ảnh minh họa)
Việc nhà không chỉ đơn giản là việc lau dọn. Ràng buộc về trách nhiệm mang đến cho việc nhà giá trị lớn hơn thế. Nó dạy cho trẻ cách làm việc, chăm sóc mọi thứ, cách là một phần của một thế giới lớn hơn bản thân chúng. Cần cho trẻ biết được chúng đóng góp ở mức độ nào với thế giới xung quanh, mà gần gũi nhất chính là việc nhà.
6. Xây dựng các giới hạn
Hãy thiết lập thời gian ngủ cố định
Hãy quy định không ăn vặt trước bữa ăn.
Hình thành thói quen đọc trước khi ngủ (bằng nguyên tắc D.E.A.R – "Drop Everything And Read" - Gác mọi thứ lại và đọc sách hoặc nguyên tắc "3 chữ B" trong bài viết này)
7. Xây dựng quy định sử dụng đồ điện tử
Một nguyên tắc đơn giản: Không tiếp xúc đồ điện tử trong tuần đi học, trừ phi có một chương trình phù hợp cả nhà cùng xem. Được phép sử dụng vào ngày cuối tuần trong thời gian nhất định.
8. Đối thoại cởi mở với con
Để cho trẻ biết rằng bạn luôn sẵn sàng lắng nghe trẻ chia sẻ. Hãy nói với chúng rằng: "Nếu gặp vấn đề gì mà con nghĩ rằng vượt quá khả năng tự xử lý của bản thân, hãy nói với mẹ/bố." Hãy luôn nhắc đi nhắc lại điều ấy để con bạn biết rằng bạn luôn ở bên chúng để lắng nghe, chia sẻ và trợ giúp.
9. Bỏ điện thoại xuống
Hãy tự đặt cho mình nguyên tắc nói không với các thiết bị kết nối mạng Internet nếu con bạn ở nhà. Đừng để đến một lúc nào đó con bạn phải thốt lên rằng điện thoại của bạn quan trọng hơn lũ trẻ. Hãy bỏ điện thoại xuống khi nói chuyện với trẻ.
10. Làm gương
Cách dạy con tốt nhất và hiệu quả nhất là cha mẹ trở thành tấm gương cho trẻ. (Ảnh minh họa)
Nếu muốn con bạn thay đổi, bạn phải thay đổi trước. Cho trẻ thấy được chúng mới là ưu tiên hàng đầu của bạn. Hãy lựa theo trẻ và rồi bạn sẽ thấy chúng hướng tới bạn để làm theo bạn. Hãy để trẻ thấy bạn đang đọc sách, rửa bát, nấu bữa tối, đối thoại, và nhìn thẳng vào mắt nhau. Chúng sẽ làm theo.