Hậu quả khôn lường khi trẻ bị lạm dụng tình cảm

Thủy Kiều,
Chia sẻ

Giống như các hình thức bạo lực khác, lạm dụng tình cảm trẻ em liên quan đến quyền lực và sự kiểm soát.

Hậu quả khôn lường khi trẻ bị lạm dụng tình cảm - Ảnh 1.

Trẻ em thường vẫn trung thành với người lạm dụng mình. (Ảnh: ITN).

Dấu hiệu lạm dụng tình cảm trẻ em

Lạm dụng tình cảm trẻ em có thể rất khó phát hiện, lý do là bởi nó diễn ra trong phạm vi ngôi nhà của một đứa trẻ, không có nhân chứng bên ngoài, thậm chí không có bất kỳ dấu hiệu bên ngoài rõ ràng nào cho thấy việc lạm dụng đang diễn ra. Đôi khi, hành vi của trẻ là điều duy nhất cho thấy trẻ đang có vấn đề.

Hành vi không phù hợp về mặt phát triển, chẳng hạn như hành động rất non nớt hoặc quá chín chắn so với lứa tuổi, có thể là dấu hiệu của sự lạm dụng. Ví dụ, một đứa trẻ hành động bất thường hoặc gặp rắc rối về mặt xã hội hoặc học tập.

Mọi người cho rằng, một đứa trẻ bị lạm dụng sẽ không gắn bó với người lớn chăm sóc chúng hàng ngày, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trẻ em thường vẫn trung thành với người lạm dụng mình.

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái rất phức tạp. Trẻ em thường muốn được cha mẹ chấp thuận và yêu thương, ngay cả khi chúng bị bạo hành. Hơn nữa, trẻ có thể lo sợ điều gì đó sẽ xảy ra nếu chúng tiết lộ việc bị lạm dụng.

Một đứa trẻ bị lạm dụng tình cảm cũng có thể nghĩ rằng việc bị chửi rủa, bị chỉ trích nặng nề là một lối sống... bình thường. Vì vậy chúng không nói cho ai biết. Ngoài ra, trẻ có thể cảm thấy xấu hổ hoặc nghĩ rằng đó là lỗi của mình.

Các yếu tố nguy cơ lạm dụng tình cảm

Hậu quả khôn lường khi trẻ bị lạm dụng tình cảm - Ảnh 2.

Trải qua việc lạm dụng tình cảm khi còn nhỏ làm tăng nguy cơ một người có thể lạm dụng tình cảm đối với một đứa trẻ.

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm sự cô lập về mặt xã hội hoặc bị tách khỏi đại gia đình, mắc bệnh về thể chất hoặc tinh thần như rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) hoặc trầm cảm, sử dụng chất gây nghiện hoặc đối mặt với căng thẳng tài chính, thất nghiệp, nghèo đói,...

Một số yếu tố nguy cơ khác có thể bao gồm khủng hoảng hoặc căng thẳng trong gia đình, có xung đột trong hôn nhân; cảm thấy ghen tị hoặc oán giận đối với đứa trẻ hoặc trách nhiệm chăm sóc trẻ; thiếu kỹ năng nuôi dạy con cái hoặc hiểu biết về sự phát triển của trẻ;...

Tác động của lạm dụng tình cảm

Hậu quả khôn lường khi trẻ bị lạm dụng tình cảm - Ảnh 3.

Hậu quả của việc lạm dụng trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào đều nghiêm trọng và thường kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Trẻ thường tin rằng chúng phải chịu trách nhiệm về việc bị lạm dụng và điều đó có nghĩa là chúng không được yêu thương và không được mong muốn.

Lạm dụng tình cảm cản trở khả năng hình thành và duy trì những gắn bó lành mạnh của trẻ. Các vấn đề về sự gắn bó trong thời thơ ấu có liên quan đến sự gắn bó không an toàn ở tuổi trưởng thành.

Trẻ em cũng có nguy cơ cao hơn về mối quan hệ kém với bạn bè, gặp rắc rối với sự thân mật, khó giải quyết xung đột và thường xuyên gây hấn trong quan hệ.

Lạm dụng tình cảm ở thời thơ ấu cũng có liên quan đến hành vi phạm pháp và bạo lực tình dục ở thanh niên. Các vấn đề ở trường và với bạn bè cũng phổ biến hơn ở những đứa trẻ này.

Nếu không có sự can thiệp thích hợp, những người từng bị lạm dụng khi còn nhỏ có nhiều khả năng lạm dụng con mình hơn những người chưa từng bị lạm dụng.

Thanh thiếu niên từng bị lạm dụng tình cảm khi còn nhỏ có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc ít nhất một bệnh tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo âu, có thể tồn tại đến tuổi trưởng thành.

Những người có tiền sử lạm dụng tình cảm cũng có nguy cơ tự làm hại bản thân cao hơn, bao gồm cả việc cố gắng tự sát.

Lạm dụng tình cảm không chỉ tác động tiêu cực đến cá nhân và gia đình mà còn gây căng thẳng cho toàn xã hội.

Hậu quả của việc lạm dụng tạo gánh nặng lên hệ thống y tế và chăm sóc xã hội, đồng thời gây tốn kém do thất bại trong giáo dục, nạn nhân trở thành tội phạm và có nhu cầu cao về các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

Tuy nhiên, không phải ai có tiền sử lạm dụng tình cảm đều mang theo vết sẹo suốt đời. Thời gian, mức độ nghiêm trọng và độ tuổi bắt đầu bị lạm dụng cũng như kỹ năng ứng phó của cá nhân và nguồn lực hỗ trợ dành cho trẻ là những yếu tố ảnh hưởng.

Ví dụ, việc có những người lớn hỗ trợ trong cuộc sống của các em cũng có thể bù đắp được tổn hại do lạm dụng gây ra.

Với những hậu quả kể trên, giới chuyên gia cho rằng ngăn chặn hành vi lạm dụng và giúp trẻ đối phó cũng như xử lý những tổn thương mà chúng đã trải qua có thể làm giảm khả năng chu kỳ lạm dụng tiếp tục xảy ra với thế hệ tiếp theo.

Theo verywellfamily.com

Chia sẻ