Hành trình đẻ thường của mẹ bỉm đã từng đẻ mổ: Phản kháng quyết liệt với cả thế giới, hoàn hồn mới biết đã đánh giá quá thấp cơn đau đẻ

San San,
Chia sẻ

Mẹ bỉm đã đấu tranh với bản thân, gia đình, tất cả mọi người cho quyết định đẻ thường sau đẻ mổ của mình.

Thông thường, khi một bà mẹ đã có tiền sử sinh mổ thì những em bé sau ra đời cũng sẽ đi theo phương pháp này. Tuy nhiên có 1 vài trường hợp ngoại lệ vẫn có thể sinh thường sau sinh mổ như hot vlogger Vũ Kiều Loan dưới đây. Cùng lắng nghe những tâm sự và trải nghiệm của bà mẹ 2 con khi quyết định sẽ sinh thường em bé thứ 2 nhé!

Đấu tranh với chính bản thân mình

Mình tin rằng mỗi cuộc sinh nở của mỗi người phụ nữ trên thế giới này đều có yếu tố li kỳ, thừa đủ tư liệu đắt đỏ để dựng thành phim. Và dù là sinh thường hay sinh mổ đi nữa thì người mẹ nào cũng thật vĩ đại cả. Mình không phải người đầu tiên VBAC thành công. Càng không phải người cuối cùng. Nhưng hơn ai hết mình biết mình thật mạnh mẽ phi thường. Bởi thế mình sẽ cố kể lại thật kĩ từng chi tiết, vì mình không bao giờ muốn quên mình đã là người mẹ tuyệt vời biết nhường nào.

Cách đây 4 năm rưỡi, mình sinh mổ. Lý do mổ khá lãng xẹt. Dâu đẻ ra có 3.1kg, mình giận mình sao không cố mà đẻ thường. Lúc đó con đã ra dấu hiệu cho mẹ là mẹ đừng mổ, con sắp ra với mẹ đây rồi, vậy mà mẹ còn không hiểu. Nhiều năm trôi qua, mỗi lần nghĩ lại mình vẫn cảm thấy áy náy với bản thân mình, với con. Tất nhiên Dâu vẫn lớn lên cực kì hoàn hảo và khoẻ mạnh, nhưng mình vẫn lăn tăn vì mình có thể mang đến cho con một khởi đầu tốt đẹp hơn nữa.

Hành trình đẻ thường của mẹ bỉm đã từng đẻ mổ: Phản kháng quyết liệt với cả thế giới, hoàn hồn mới biết đã đánh giá quá thấp cơn đau đẻ - Ảnh 1.

Vũ Kiều Loan, hot beauty vlogger trong lòng giới trẻ.

Thế nên lần này mang bầu, mình đã quan tâm đến VBAC từ những ngày đầu tiên. Mình cày rất nhiều sách, tham gia rất nhiều nhóm VBAC của khắp các mẹ năm châu bốn biển. Mình hiểu được những rủi ro và lợi ích của VBAC, và sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng sức khoẻ bản thân, lịch sử sinh đẻ, tình trạng thai kì, mình biết mình là ứng cử viên sáng giá cho VBAC. Có rất nhiều yếu tố để quyết định VBAC thành công, nhưng tín hiệu đầu tiên là các lý do lần trước phải mổ không lặp lại nữa.

Bắt đầu hành trình mang thai. Bà bầu người ta được cả thế giới nâng niu, chiều chuộng, ủng hộ. Còn mình là 9 tháng 10 ngày đấu tranh gay gắt với bản thân, với chồng, với gia đình, với cả nhân loại. Mình đã có một cái đầu trang bị thật nhiều kiến thức rồi, nhưng tinh thần của mình lại không đủ sắt đá để phản biện lại mọi nghi hoặc, ngờ vực của những người xung quanh, thậm chí của chính mình.

Chuẩn bị cho việc sinh thường sau sinh mổ

Suốt cả thai kì mình rất chăm chỉ đi bộ, ngày nào cũng đi bét nhất là nửa tiếng, không thì một tiếng, có ngày còn hai tiếng. Mình cũng hay ngồi nhún trên yoga ball. Sau mốc 36-37w, mình thêm hoạt động leo cầu thang hàng ngày (12 tầng) và lên Youtube tập theo các bài tập mở khớp hông, khớp háng, kích thích chuyển dạ.

Có những lúc mình cảm thấy chẳng ai hiểu những việc mình đang làm. Nhưng mình mặc kệ, mình tin vào những kiến thức mình đọc được, tin vào bản năng của mình. Những ngày dịch bệnh căng thẳng, một mình lặn lội đến phòng khám để khám thai hàng tuần, mình lại càng cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến này. Rất nhiều lần mình muốn bỏ cuộc, năm lần bảy lượt định sang viện tư đăng kí mổ chủ động luôn cho rồi…

39w bác sĩ hẹn mình lách ối. Lách ối sẽ tăng xác suất chuyển dạ sớm. Má ơi sao mà nó đau, đau vì mình không được báo trước, không có sự chuẩn bị gì ấy. Sách vở chỉ nói đến đau do cơn co, có ai nói đến đau do lách ối bao giờ.

Hành trình đẻ thường của mẹ bỉm đã từng đẻ mổ: Phản kháng quyết liệt với cả thế giới, hoàn hồn mới biết đã đánh giá quá thấp cơn đau đẻ - Ảnh 2.

Dâu là em bé được mẹ Loan sinh bằng phương pháp mổ.

Nhưng cả tuần sau lách ối, mình vẫn chưa chuyển dạ. Ngày nào mình cũng leo 12 tầng cầu thang rồi thở phì phò như hà mã. Leo xong mình còn đi bộ thêm 1 tiếng nữa. Ngày nào cũng leo cũng đi nhiều như vậy mà vẫn không thấy động tĩnh gì, mình càng thấy bất lực. Mình đã làm hết khả năng của mình rồi mà sao cơ thể mình nó cứ chây ỳ không chịu hợp tác vậy. Sao bao người người ta đẻ được mà mình thì không? Mình sẽ mãi mãi là người mẹ không biết đẻ sao?!

Dự kiến sinh là 19/1. Theo kế hoạch thì trước đó một ngày là 18/1 mình sẽ lách ối lần 2. Bác bảo lần này lách xong là chắc chắn chuyển dạ đấy. 17/1: Hai ngày trước dự kiến sinh. Một ngày trước cái hẹn lách ối lần 2. Mình thật sự không muốn lách ối nữa, vì mình thấy đau dã man mà có vẻ không xi nhê gì. Lúc này mình muốn bỏ cuộc, muốn buông xuôi lắm rồi.

Và rồi phép màu đã xảy ra. Buổi tối đi ăn về thì 1h sáng có cơn chuyển dạ. Mình liên tục lẩm nhẩm cảm ơn con trai đã cho mẹ cơn đau này. Việc còn lại là của mẹ. Mẹ làm được. Đau mấy mẹ cũng chịu được.

Đau đẻ quả thật rất… đau

Mình đã đánh giá thấp cái sự đau đẻ. Nó quá quá đau. Và không phải đau một phát nhói lên là xong, nó cứ dồn dập từng cơn từng cơn và tăng dần level đau đớn. Trận này vừa qua, trận sau đã tới, ráo riết hung tợn hơn. Tưởng tượng bị xe máy tông vào, vừa lồm cồm đứng lên được thì lại bị ô tô đâm sầm, rồi đến xe tải, cứ như thế mấy chục tiếng đồng hồ.

Sau nhiều lần rặn mãi, rặn mãi mà vẫn sai, chắc có lẽ đến lần cuối cùng mình cũng làm đúng. 2h20' sáng ngày 19/1, em bé Cây được đặt lên người mẹ. 2.9kg. 48cm. Em nhỏ xíu. Em ấm nóng. Em thật hoàn hảo. Đúng như tất cả những gì mẹ tưởng tượng.

Hành trình đẻ thường của mẹ bỉm đã từng đẻ mổ: Phản kháng quyết liệt với cả thế giới, hoàn hồn mới biết đã đánh giá quá thấp cơn đau đẻ - Ảnh 3.

Kiều Loan đã chiến thắng chính bản thân mình.

Những tưởng đã về đích nhưng không, đến đoạn khâu tầng sinh môn cũng dài cả thế kỉ. Lại đau, nhưng là một kiểu đau khác hẳn. Mình muốn than tiếp là ấn bụng cũng đau cơ, nhưng thôi, được nằm đây vẫn có chồng có con bên cạnh thì còn mong mỏi gì hơn. Suốt cả thời gian hậu sản, em Cây được da tiếp da với mẹ, được tìm ti mẹ tập bú luôn. Đây là điều mà cách đây 5 năm với Dâu mình không có được.

Ngay khi về đến phòng riêng, mình đã có thể ngồi dậy, tự mình đi vệ sinh, lượn qua lượn lại, thậm chí bế con luôn trong ngày hôm đó. Đến chiều ngày hôm sau, tức 36 tiếng sau khi đẻ, bác sĩ kiểm tra thấy mọi thứ ok, mình được xuất viện về nhà…

Đẻ thường khó và khổ hơn đẻ mổ quá nhiều!

Sinh thường không dành cho tất cả mọi người. Sự không chủ động về thời gian, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Những con co dồn dập tưởng đã quá ngưỡng chịu đựng. Ác mộng nữa là rất nhiều lượt bác sĩ y tá trong viện, ai đi qua cũng vô tư nhét tay vào xem sản phụ này mở được mấy phân rồi. Và không thể không nhắc tới tầng sinh môn bị rách, bị khâu, phải mất cả tháng mới ngồi được trên cái toilet mà không còn cảm giác nhức nhối, đau đớn. Mình biết có nhiều mẹ đẻ giỏi, đẻ nhanh trong một nốt nhạc, nhưng với mình thì không. Đẻ thường khó và khổ hơn đẻ mổ quá nhiều!

Hành trình đẻ thường của mẹ bỉm đã từng đẻ mổ: Phản kháng quyết liệt với cả thế giới, hoàn hồn mới biết đã đánh giá quá thấp cơn đau đẻ - Ảnh 4.

Em bé Cây chào đời bằng phương pháp sinh thường.

Nhưng sau tất cả, nếu được chọn lại, mình vẫn sẽ lựa chọn đi theo con đường này. Chỉ đơn giản là mình nghĩ mình nợ con một khởi đầu tốt nhất, và mình tin tưởng ở bản thân mình có thể làm được. Và mặc dù chặng đường phía trước còn dài, nhưng mình đã bắt đầu thấy trái ngọt của việc nỗ lực hết mình. Mình đã có thể cho Cây ti mẹ trực tiếp, điều mà trước đây mình không thể làm được với Dâu, phải ôm cái máy hút sữa cả năm trời. Dù bất cứ lý do là gì đi nữa, mình vẫn cứ muốn tin là do em Cây và mẹ có được khởi đầu tuyệt vời từ ban đầu.

Mọi con đường sinh thường hay sinh mổ rồi đều cũng dẫn về một đích đến, đó là mẹ tròn con vuông. Và vì thế, tất cả chúng ta đều quá phi thường luôn ấy!

Nguồn: Instagram nhân vật. 

Chia sẻ