Hai từ có thể biến việc nuôi dạy con từ mệt nhoài thành an nhàn
Chỉ một chút thay đổi quan điểm bắt đầu từ việc sử dụng hai từ thay thế cách nói quen thuộc "phải làm", việc nuôi dạy con của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Mỗi sáng, lúc đôi mắt chưa kịp mở, tâm trí bạn đã phải bật chế độ "làm ngay" rồi. Đầu tiên là chuẩn bị bữa ăn sáng cho các con, rồi đưa con đi học. Tiếp theo là đi siêu thị mua tã, lên lịch đưa bé đi khám định kỳ. Lại đón con, đưa con đến lớp Taekwondo, trên đường về thì sẽ suy nghĩ ngâm nga xem tối nay ăn gì. Rồi lại ghé vào siêu thị lần nữa...
Bạn có thấy đồng cảm với những cảnh tượng như thế? Dù chưa ra khỏi giường nhưng đã thấy mệt mỏi rồi. Có cả tỷ việc bạn chắc chắn phải làm mỗi ngày. Chỉ là, bạn đã cố nén một tiếng thở dài khi uể oải với tay tắt chuông báo thức và oằn mình một cái cho cả ngày dài phía trước.
Bà mẹ nào cũng bắt đầu một ngày dài với cả núi công việc trước mắt (Ảnh minh họa).
Nhưng bỗng một suy nghĩ thoáng qua trong tôi: nếu bạn và tôi thay thế "phải làm" bằng "được làm". Hai từ đơn giản nhưng có khả năng biến đổi tâm thế của cha mẹ khi nuôi dạy con.
Mình được chuẩn bị đồ ăn sáng cho con.
Mình được đưa con đi học.
Mình được đưa con đi khám rồi đi học thêm.
Mình được là tài xế, là đầu bếp, là thư ký lên lịch cho các con...
Hai năm trước, gia đình tôi từ Mỹ chuyển sang Ấn Độ định cư - nơi hai vợ chồng tôi sinh ra và lớn lên. 12 năm trước đó nữa, chúng tôi sống ở một vùng ngoài ô thành phố Portland, bang Oregan (Mỹ). Cả chồng và tôi đều tốt nghiệp rồi gặp nhau và yêu nhau, kết hôn rồi có hai con (cách nhau 17 tháng). Chúng tôi an nhàn với cuộc sống ngoại ô, trong căn nhà nhỏ có hàng rào gỗ màu trắng. Rất bình yên, chúng tôi đã sống "Giấc Mơ Mỹ" của mình. Nhưng rồi, vì một vài lí do khác nhau, chúng tôi đã chuyến đến Ấn Độ để sinh sống.
Chúng tôi đã sống một cuộc đời ấm êm ở Mỹ. Và vẫn tiếp tục sống một cuộc sống hơn cả đủ đầy ở đất nước Ấn Độ này. Chúng tôi có một công việc có thể chu cấp cho những nhu cầu hàng ngày.
Nhưng mỗi ngày, khi chứng kiến vô số hoàn cảnh xung quanh mình, tôi đã nghĩ đến việc "tôi nên làm cái này" thay vì "tôi phải làm".
Khi đưa con đến trường trong một chiếc xe hơi có điều hòa mát rượi, tôi và các con đi ngang qua lũ nhóc ngồi bên vệ đường, quanh đống cát xây dựng, nơi mà bố mẹ chúng đang vất vả lao động. Mái tóc đen tự nhiên giờ đã phai màu bởi cái nắng gắt. Mẹ chúng thì hì hục khuân đống gạch, vác vài bao xi măng tới những tòa nhà đang xây dở. Họ làm gì có lựa chọn đưa các con đến trường chứ. Bây giờ, cái cau có của tôi mỗi khi chuông báo thức vang lên mỗi sáng thật là đáng hổ thẹn.
Những khoảnh khắc như thế này cứ len lỏi vào suy nghĩ của tôi.
Khi tôi ngồi thư thái ngắm mưa trong căn hộ tiện nghi trên cao ở một chung cư văn minh, có hồ bơi, nhìn ra cửa sổ, tôi thấy một gia đình lúc nhúc bên dưới tấm vải bạt màu xanh mà họ gọi nhau là nhà. Tối đến, họ lại mơ màng trên những tấm chăn, bên dưới là nền đất lạnh lẽo.
Khi tôi bước ra khỏi siêu thị với những thứ đồ mình không cần đến lắm, khi tôi đang đi trên vỉa hè thì có một đứa trẻ chạy lại và kì kèo tôi mua giúp một tờ báo hay một vài tờ vé số. Chắc là mẹ của cậu bé không thể cùng cậu làm bài tập về nhà. Mà cũng có khi, họ nào đâu biết chữ.
Thay vì nhìn vào mớ việc nhà còn phải làm, thì hãy xem đó là cơ hội (Ảnh minh họa).
Tôi có thể kể ra nhiều thật nhiều câu chuyện nữa. Nhưng bạn cũng không cần phải đi một vòng trái đất để nhận ra rằng cuộc sống của chúng ta đang được lấp đầy bởi những nhiệm vụ mà đáng lẽ chúng ta nên gọi là đặc ân. Hãy hạnh phúc khi chúng ta có giường để dọn, có đồ để giặt, có cơm để nấu, trong khi ngoài kia, hàng triệu người không thể có được. Cái mà chúng ta có hàng ngày, nhiều lúc là rất tầm thường, nhưng lại là ước mơ của người khác. Cái mà chúng ta đang làm cho những người thân chính là cái "được làm" của tất cả mọi người.
Thay vì nhìn vào mớ việc nhà còn phải làm, thì hãy xem đó là cơ hội. Tôi đã dạy con rằng khi mình cho đi những yêu thương thì sẽ nhận được yêu thương. Có thể là chia sẻ bánh kẹo với những đứa trẻ nghèo trên đường. Có thể là dạy kèm cho một cậu nhóc thiệt thòi. Có thể là giữ gìn đồ chơi cũ rồi đem tặng những cô cậu bé đang thèm thuồng được sở hữu. Dù đó chỉ là một giọt nước nhỏ trong một xô nước.
Nhưng dần dần, giọt nước cũng nhiều lên, xô nước sẽ đầy lên, cách nghĩ cũng dần thay đổi. Từ một người mẹ luôn bị ám ảnh bởi cuộc sống mệt mỏi cho tới một người biết trân quý những gì mình đang dư dả. Ai cũng nên thay đổi cuộc đời bằng một cách cực kỳ đơn giản là thay đổi cách nói. Hãy bắt đầu từ hôm nay, hãy dùng từ "được làm" thay vì "phải làm" nhé!
Vài nét về tác giả
Susan Narjala là một nhà báo hiện đang làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận. Cô dành hầu hết tài năng sáng tạo của mình để suy nghĩ về những cách thông minh để nuôi dạy con.
Nguồn: Parent