Hai cha con cùng vào quán ăn bún bò, cuộc đối thoại sau đó khiến nhiều người lo lắng cho tương lai đứa trẻ
Vài câu nói của ông bố khi vừa gọi món xong khiến đứa trẻ cúi gằm mặt, trông vô cùng tội nghiệp.
Nhiều phụ huynh muốn con cái biết sự cực khổ khi kiếm tiền của cha mẹ để tiết kiệm, không đòi hỏi, phung phí... điều này không sai. Tuy nhiên, không phải lúc nào than nghèo khổ cũng tốt và thời điểm nào cũng thích hợp để giáo huấn con.
Câu chuyện về cuộc đối thoại của hai cha con khi vào quán ăn mới đây được kể lại trên mạng xã hội Trung Quốc nhận về nhiều ý kiến cũng là trường hợp như thế.
Người cha trông có vẻ là một công nhân cùng đứa con vào một cửa hàng ăn. Đứa trẻ nhìn chằm chằm vào thực đơn, hồi lâu không gọi món. Người bố chọn cho mình xong, sau đó hỏi con ăn gì. Đứa bé trả lời mình muốn gọi một bún bò.
Có thể thấy, đứa trẻ lẽ ra đã mong chờ món bún bò này từ lâu. Sau khi đứa con gọi món xong, ông bố lại nói: "Bún bò con gọi đắt quá. Bữa ăn của con làm bố vất vả mất nửa ngày đấy!".
Đứa trẻ nhận ra rằng món ăn của mình đắt tiền, và nhanh chóng muốn đổi món. Nhưng người cha lại nói với con: "Bố bảo bún bò này đắt không phải nói con không được ăn mà bảo con chăm chỉ học hành, bố mẹ nuôi con không dễ đâu... ". Sau đó, người cha nói về chuyện kiếm tiền thêm nhiều lần và liên tục nhấn mạnh vấn đề khó khăn trong việc nuôi con.
Lúc đầu đứa trẻ rất vui vì được ăn món bún bò mà mình thích, nhưng nghe xong lời bố nói thì lại lén cúi đầu xuống, có vẻ không muốn ăn.
Sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, một số người nói rằng người cha này thực sự vì lợi ích của con và muốn cho con mình biết rằng tiền bạc là khó kiếm, nhưng hãy nghĩ xem, cách giáo dục con cái trong những dịp như vậy, liệu có thực sự tạo cho chúng tinh thần "chiến đấu"?
Nếu cha mẹ cứ nói với con cái họ đã tiêu bao nhiêu và đã trả bao nhiêu trước mặt con cái thì điều này thực sự không tốt cho trẻ, cũng không có ích gì cho việc giáo dục. Hành vi này của cha mẹ sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy rất tội lỗi.
Đứa trẻ rất hạnh phúc khi gọi một miếng thịt bò mà nó thường không ăn, nhưng khi bố nói rằng sẽ mất nửa ngày tiền công, niềm hạnh phúc của đứa trẻ rõ ràng là không còn nữa. Đứa trẻ biết rằng bữa ăn này sẽ tốn của bố rất nhiều tiền và nó sẽ cảm thấy có lỗi. Ngay từ đầu khi không dám gọi đồ ăn, có thể thấy rằng đứa trẻ thường sống trong cảm giác tội lỗi đến mức không dám tiêu tiền của cha mẹ.
Việc liên tục nói với con về tiền bạc sẽ gây nhiều hệ lụy:
Trẻ chịu nhiều áp lực
Đối với những bậc cha mẹ đã có một cuộc sống khó khăn, con cái của họ thực sự là niềm hy vọng duy nhất. Nhiều người sau khi nói về số tiền mình bỏ ra là ngay lập tức khuyên nhủ con cái phải chăm chỉ học hành, phải đỗ đạt thì mới thành tài để gia đình có cuộc sống tốt.
Điều này sẽ làm cho đứa trẻ cảm thấy không xứng đáng với cha mẹ, nó phải cố gắng rất nhiều, nhưng nếu thành tích của chúng không tốt, thì đứa trẻ sẽ dễ mắc các vấn đề về tâm lý, nghi ngờ bản thân và suy nghĩ tiêu cực.
Khiến trẻ tự ti quá mức
Ngày nay, nhiều người quá coi trọng tiền bạc, làm việc quên ngày đêm kiếm tiền để tạo cảm giác an toàn cho bản thân, thực tế cũng có thể là do khi còn trẻ họ đã từng trải qua sự tự ti khi thiếu tiền. Tiền trở thành nỗi "ám ảnh" trong lòng họ mà suốt đời cũng rất khó sửa chữa.
Thực ra, không có nghĩa là bố mẹ không cho trẻ nhận thức cơ bản về tiền và cho con biết rằng đồng tiền khó kiếm được. Nhưng nếu bạn luôn nhắc đi nhắc lại những chủ đề này sẽ không giúp ích được gì mà chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
Làm như vậy có thể khiến trẻ cảm thấy rằng chúng nợ bố mẹ rất nhiều và chúng sẽ trở nên rất tự ti, và cảm xúc với cha mẹ cũng sẽ thay đổi. Đa số những đứa trẻ này sẽ cảm tính thái quá, đồng thời cũng khó sống vui vẻ hạnh phúc. Trong cuộc sống, chúng ta vì thế không nên tạo áp lực cho con cái một cách mù quáng, chỉ cần dạy cho con tính tự lập và tự hoàn thiện bản thân là được.