Hai câu chuyện trái ngược và lời cảnh tỉnh về những khối u của trẻ
Từ khi sinh ra, cậu bé gần 2 tuổi chỉ có đúng một dấu hiệu bất thường: Hễ khi đứng rồi di chuyển, đầu của bé cứ nghiêng sang một bên. Không ai tưởng tượng được lại có một khối u lớn trong đầu cậu bé.
BS Trần Quốc Khánh đọc phim chụp của bệnh nhân (ảnh bác sĩ cung cấp).
Hai cảm xúc trái ngược
Mùng 6 Tết Kỷ Hợi 2019, khi đang trực cấp cứu, BS Trần Quốc Khánh, phẫu thuật viên Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức nhận thông tin một bé trai gần 2 tuổi đang cấp cứu tại viện. Bé hôn mê sâu, phải thở máy, tiên lượng rất nặng.
Kiểm tra cho thấy bé hôn mê sâu do khối u não rất to chèn ép, có dấu hiệu chảy máu bên trong, trên phim chụp cắt lớp, phù não rất nhiều. Những chuyên gia về thần kinh sọ não trực tham vấn ra thăm khám thêm cho cháu. Bác sĩ, gia đình… ai cũng muốn tìm kiếm một phép màu.
Nhưng rồi, phép màu đã không xảy đến. Ngày hôm sau gia đình xin cho cháu về trong lặng lẽ. Sự lặng lẽ thắt lòng. Tìm hiểu về những triệu chứng của cháu bé xấu số chỉ gần 2 tuổi, BS Khánh cho biết thêm, từ khi chào đời, bé có dấu hiệu khác thường: Hễ khi đứng rồi di chuyển, đầu của bé cứ nghiêng sang một bên. Cách lúc vào viện vài ngày, bé nôn nhiều hơn, gia đình lại cho vào viện gần nhà để truyền dịch. Thấy con ổn hơn, gia đình lại cho về. “Bởi ít ai nghĩ đến tổn thương u trong não ở lứa tuổi này”, BS Khánh tâm sự.
Vài tuần sau đó, BS Khánh lại tiếp nhận một bệnh nhi khác. Bé gái 6 tuổi quê Quảng Ninh vẫn chạy nhảy và ăn uống bình thường, thi thoảng cháu kêu đau vùng cổ cao gần gáy tóc. Cẩn thận, nam bác sĩ cho bé đi chụp phim cộng hưởng từ khảo sát vùng đầu cổ. Kết quả cho thấy, cột sống cổ cháu bình thường, nhưng khi máy quét lên vùng đầu đã phát hiện khối u não vô cùng lớn. Đó chính là nguyên nhân làm cháu kêu đau.
Hình ảnh người bố bé trai 2 tuổi nước mắt nghẹn ngào chào bác sĩ ngày mùng 6 Tết ùa về làm bác sĩ Khánh thảng thốt. Sau khi giải thích với người nhà về bệnh tình của cháu, BS Khánh cho biết bé sẽ phải trải qua cuộc đại phẫu thuật, chưa thể nói trước được điều gì. Ngày hôm sau, bệnh nhi được dẫn lưu tạm thời để giảm áp lực nội sọ. Sau 4 ngày cháu được phẫu thuật lấy khối u triệt để. Một ngày sau mổ, bé tỉnh táo, khối u được nhận định là lành tính.
“Lúc nghe tin, lòng tôi thật sự dâng trào niềm vui bất tận. Niềm vui này không gì đong đếm được và cũng rất khó diễn tả. Có thể chỉ người trong cuộc, chứng kiến những bệnh nhân đến rồi ra đi mới thấu hết được giá trị của cuộc sống này”, BS Khánh chia sẻ.
Những lưu ý quan trọng về khối u ở trẻ em
Chỉ trong một thời gian ngắn, hai câu chuyện với hai cảm xúc trái ngược nhưng “nhắc nhở”, cảnh tỉnh một điều quan trọng. Theo BS Khánh, ở nước ta, không mấy ai đưa trẻ đi khảo sát sức khỏe định kỳ khi triệu chứng hầu như rất ít hoặc không có.
Theo nam bác sĩ này, ở trẻ em, có ba nhóm khối u hay gặp bao gồm nhóm bệnh lý của tế bào máu (ung thư bạch cầu), các khối u thận - u xương và nhóm thứ ba chính là các khối u não. Về nguyên nhân, ung thư ở trẻ bắt nguồn chủ yếu từ gene, ở đó lối sống và yếu tố gia đình từ cha mẹ đóng vai trò không nhỏ. Đơn cử: Tiền sử cha mẹ hút thuốc lá, lạm dụng các loại thuốc Tây, tiếp xúc hoá chất, không kiểm soát vấn đề ăn uống, nhiễm virus…
“Ung thư ở trẻ em thường có tỷ lệ điều trị thành công tương đối cao, trên dưới 70%. Có những thể ung thư tỷ lệ điều trị khỏi lên đến 90% nếu phát hiện sớm”, BS Khánh lưu ý.
Do đó, với bất kỳ loại ung thư nào thì việc phát hiện sớm luôn đóng vai trò then chốt. Ở đó, cha mẹ để ý sớm những dấu hiệu bất thường của trẻ là yếu tố vô cùng quan trọng vì ở trẻ nhỏ ít ai chủ động đưa các cháu đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Những lựa chọn như siêu âm ổ bụng đánh giá tổng thể là điều cần thiết vì siêu âm không độc hại, rẻ tiền, nhiều cơ sở làm được. Ngoài góp phần giúp phát hiện các khối u cục, siêu âm còn giúp khảo sát cơ bản các cơ quan trong bụng trẻ xem có bất thường hay dị tật gì không (một thận duy nhất, đảo ngược phủ tạng, bất thường hệ tiết niệu…).
“Việc chụp X-quang các xương dài, chụp cắt lớp/cộng hưởng từ sọ não, xét nghiệm huyết tuỷ đồ… là vấn đề vô cùng “nhạy cảm”, không thể lạm dụng khảo sát tràn lan”, BS Khánh nói. Vì thế, các bậc cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nhi sâu (huyết học, thần kinh..) khi cần thiết hoặc khi trẻ có dấu hiệu gì bất thường.
Khi trẻ có một trong những dấu hiệu dưới đây, người lớn nên cho cháu đi khám sớm:
- Giảm cân nhanh trong thời gian ngắn, có dấu hiệu xanh xao, thiếu máu.
- Dễ bầm tím, chảy máu khó cầm mỗi lúc tai nạn, va chạm.
- Trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân.
- Sưng đau các hạch.
- Đau nhức ở một đầu xương nào đó khi về đêm gần sáng hoặc lúc vận động nhiều.
- Có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của vùng đầu như trẻ hay kêu đau đầu, trẻ hay trớ, trẻ có thói quen nghiêng đầu sang 1 bên, trẻ đi-chạy với dáng điệu khác thường…
- Trẻ đái nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc trẻ hay kêu đau bụng.