Giúp con thoát nỗi sợ… ma

Ngọc Trang,
Chia sẻ

Hầu như mọi đứa trẻ đều có chung nỗi sợ ma và bóng tối. Vậy, cha mẹ phải làm thế nào để giúp bé thoát khỏi nỗi sợ này càng sớm càng tốt?

Giúp con thoát nỗi sợ… ma - Ảnh 1.

Nhiều trẻ sợ ma ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần. Ảnh minh họa.

Ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần

Chị Nguyễn Thu Trang (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, con mình rất sợ ma nhưng cũng rất hay xem phim liên quan đến nội dung này.

Chính vì nỗi sợ đó khiến chị không thể tách con ngủ riêng được dù trẻ đã học lớp 4. Cứ tối đến là con chị không dám đi đâu một mình, kể cả việc di chuyển từ phòng này sang phòng khác cũng phải có người đi kèm.

Chị Trang cho hay, đã giải thích nhiều lần rằng “ma không tồn tại” nhưng con chị vẫn không thoát ra khỏi sự sợ hãi mỗi khi tối đến.

Theo chuyên gia, hội chứng này khiến bé luôn trong trạng thái hoảng sợ và ám ảnh về sự tồn tại của một hình bóng lảng vảng xung quanh. Trí tưởng tượng của trẻ nhỏ luôn phong phú nên đôi khi bé không phân biệt được tưởng tượng và thực tế. Do đó, việc bé bất an, lo lắng, sợ hãi, đặc biệt khi ở một mình trong bóng tối cũng là điều dễ hiểu.

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy, Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội) chia sẻ, nhiều trẻ ngủ trưa ở trường thường giật mình, ngủ mơ. Khi hỏi thì trẻ cho biết nằm mơ thấy ma hay những hình ảnh từng xem phim, trên mạng… khiến con rất sợ hãi. Điều này đã ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý, thể chất và thường gây chứng lo âu, bất an không đáng có đối với trẻ mầm non.

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hiền (Trung tâm Trị liệu tâm lý Mindcare) cho biết, những biểu hiện thường thấy khi trẻ nhỏ mắc hội chứng sợ ma có thể kể đến như lo lắng dữ dội; không dám ở một mình; cảm thấy hoảng loạn, sợ hãi; khó ngủ khi không có ai bên cạnh; luôn muốn ngủ chung cùng bố mẹ và người khác; không dám đi vệ sinh vào ban đêm hoặc phải có người đi cùng mới chịu và cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày do thiếu ngủ…

Giúp con thoát nỗi sợ… ma - Ảnh 2.

Giải quyết bằng tình yêu thương

Đối với trẻ sợ ma, cha mẹ cần chia sẻ, trao đổi thẳng thắn với con để tìm hiểu nguyên nhân của việc này là gì. Bạn có thể hỏi những câu hỏi như con sợ hãi điều gì? Lý do sợ hãi và cảm giác sợ hãi như thế nào?

“Các bậc cha mẹ nên quan tâm, tâm sự với trẻ những điều trẻ nói. Hãy kể cho trẻ về nỗi sợ tương tự của bạn, như vậy sẽ khiến trẻ đồng cảm hơn với câu chuyện mà chúng trải qua giúp chúng vơi bớt sự sợ hãi”, cô Hiền khuyên.

Cũng theo chuyên gia này, việc chế giễu nỗi sợ ma của trẻ không những không khiến trẻ vơi đi nỗi sợ, mà còn làm tổn thương đến lòng tự trọng của con. Về lâu dài, việc này sẽ gây ra tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống. Nỗi sợ chỉ được giải quyết khi bạn giúp con vượt qua bằng tình yêu thương và sự quan tâm.

Những câu nói như “lớn rồi mà còn sợ”, “làm như còn nhỏ lắm” sẽ khiến trẻ suy nghĩ rằng việc sợ hãi là sai lầm từ đó sẽ giấu giếm, không chia sẻ với bố mẹ nữa. Việc này là hoàn toàn không nên. Thay vào đó, hãy nói với chúng rằng việc sợ hãi ở mỗi người là hết sức bình thường và con có quyền bộc lộ điều đó. Vì thế, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý về thái độ ứng xử với con khi chia sẻ về vấn đề này.

Thực tế, nhiều cha mẹ khi thấy con sợ ma sẽ thường muốn con đối mặt với việc này nhiều hơn bằng cách cho trẻ ở ngoài chỗ tối một mình với suy nghĩ rằng trẻ sẽ quên và không sợ nữa. Việc này là không nên, thay vào đó hãy để trẻ thích nghi dần, hãy ở cùng và động viên trẻ vượt qua sự sợ hãi đó.

“Cha mẹ hãy luôn là những người bảo vệ cho con trong mọi trường hợp. Cảm giác được người quan tâm và có người bảo vệ sẽ khiến trẻ cảm giác yên tâm hơn nhiều.

Hãy để trẻ kể về những nỗi sợ mà chúng đang đối diện và sau đó hóa giải chúng bằng những câu chuyện cười. Bạn cũng có thể dắt trẻ đi dạo ở bất cứ nơi nào mà trẻ thường cảm thấy sợ, sau đó nói với trẻ là chẳng có gì ở đấy hết sẽ khiến trẻ không còn sợ hãi nữa”, cô Hiền chia sẻ.

Bên cạnh đó, chuyên gia này khuyên rằng, trẻ con thường xuyên bị nhầm lẫn giữa thực tế và trong tưởng tượng. Vì thế, không nên mở phim kinh dị hay cho trẻ xem những sách báo có những nhân vật ghê rợn.

Cha mẹ cũng cần kiên nhẫn giải thích cho bé hiểu sự khác biệt giữa thực tế và tưởng tượng bằng cách giải thích quá trình làm phim cũng như các thể loại hoạt hình trên tivi. Thậm chí, có thể cùng con quay, dựng một video nhỏ để con hiểu trên màn ảnh mà chúng ta xem chỉ là do con người diễn và xây dựng.

Ngoài ra, cha mẹ có thể để bé tự miêu tả về những con quái vật đang làm phiền con, sau đó bố mẹ có thể biến chúng thành những chi tiết gây cười là cách bạn giúp con khi biết con mắc hội chứng sợ ma ở trẻ em. Tuyệt đối không dọa con rằng con quái vật sẽ bắt con nếu con không ngoan vì làm thế chỉ khiến con lo lắng, sợ hãi hơn.

“Trẻ em tùy theo độ tuổi sẽ có những nỗi sợ khác nhau, vì thế không có biện pháp nào là tốt nhất, hiệu quả nhất. Muốn giúp bé vượt qua mọi căng thẳng, cha mẹ phải tìm ra biện pháp cụ thể dựa trên giai đoạn phát triển nhất định và khả năng vượt qua nỗi sợ của bé”, cô Hiền chia sẻ.
Chia sẻ