Giữ bí mật về việc bị xâm hại cũng có thể khiến trẻ bị teo não
Những lo lắng, stress sẽ tăng lên khi trẻ giữ kín bí mật về một hành vi xâm hại tình dục nào đó, về lâu dài, nó có thể làm não trẻ nhỏ đi.
Những ảnh hưởng của nạn xâm hại tình dục trẻ em không chỉ dừng lại ở thể chất mà còn tổn hại cả về tinh thần, trí não của trẻ. Trong buổi học về kĩ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em diễn ra tại trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark mới đây, cô Đỗ Thị Trang, chuyên viên Đào tạo nâng cao năng lực của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã nhấn mạnh cho học sinh thấy những tác hại đáng sợ mà trẻ phải đối mặt nếu như không chia sẻ những bí mật khiến mình cảm thấy bất an khi phát hiện ai đó có ý định, hành vi xâm hại mình.
Lớp học trang bị kĩ năng phòng tránh xâm hại cho học sinh tại trường Đoàn Thị Điểm Ecopark.
Cô Trang cho biết: "Nếu các con không nói ra bí mật, hành vi xâm hại của kẻ xấu sẽ leo thang. Và điều đó ảnh hưởng đến không chỉ thể chất, tinh thần mà cả sức khỏe của trẻ. Theo nghiên cứu của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ, khi giữ những bí mật xấu trong lòng, chất cortisol thường xuyên tiết ra làm cho não trẻ nhỏ đi, khả năng học tập làm việc kém đi, mạch máu và tim trẻ cũng nhỏ đi, tay ngắn hơn, chân ngắn hơn do các vấn đề phát triển về cơ, cơ thể thường xuyên mệt mỏi.
Về tinh thần, việc giữ kín các bí mật xấu khiến các con lo lắng, sợ hãi. Có trường hợp các bạn đã phải tìm đến cái chết. Vì vậy khi có chuyện đó xảy ra, các con phải chia sẻ với người các con tin tưởng".
Học sinh trường Phổ Thông Đoàn Thị Điểm Ecopark được trang bị các kiến thức và kĩ năng phòng tránh xâm hại tình dục.
Tại buổi học, các em học sinh đã được trang bị những kiến thức cơ bản về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em và cũng "vỡ" ra được nhiều điều:
Học sinh tìm hiểu các kiến thức về xâm hại tình dục.
Cô Đỗ Thị Trang - chuyên viên Đào tạo nâng cao năng lực của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đang chia sẻ cho các em kiến thức về giáo dục giới tính.
Thứ nhất, cơ thể các con là thuộc về các con, không ai được phép chạm vào. Tuy nhiên, ngoài các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể như vùng riêng tư, chỉ cần cảm thấy khó chịu thì kể cả khi người khác chạm vào tay, vào chân, các con cũng cần xua tay nói KHÔNG LÀ KHÔNG.
Thứ hai, ai cũng có thể trở thành thủ phạm gây ra các vụ xâm hại tình dục. Đó có thể là người lạ, những người không quen biết, cũng có thể là những người trong gia đình, người xấu, bạn bè, giáo viên, người già hay một cán bộ nhân đạo.
Thứ 3, có 5 cấp độ báo động về nạn xâm hại: Bao gồm báo động nhìn, báo động vói, báo động chạm, báo động một mình và báo động ôm.
Tham gia các tình huống giả định và học các ứng phó khi bị xâm hại.
Tự tin và hăng hái trả lời các câu hỏi.
Không khí buổi học diễn ra sôi động, các em không chỉ được dạy lý thuyết mà còn được xem các clip, trả lời các câu hỏi trắc nghiệm, tham gia vào các tình huống giả định khi bị người xấu xâm hại. Nhờ đó, học sinh đã ghi nhớ những phản ứng với kẻ xâm hại như sau:
- Khi phát hiện các báo động từ cấp độ 1 đến 4, phải dứt khoát nói không.
- Nếu kẻ xấu chưa dừng lại hành vi, các con phải đi khỏi nơi hoặc đi khỏi người khiến các con khó chịu.
Đôi khi các em vẫn cảm thấy e ngại khi được xem các đoạn phim có tình huống báo động hành vi xâm hại.
- Khi có những bí mật xấu - điều khiến các con lo lắng, sợ hãi, các con phải chia sẻ lại với người mà các con cảm thấy tin tưởng như cô giáo, bố mẹ, chị em...
Buổi học về kĩ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em dành nằm trong chương trình Tuần lễ lớn lên an toàn do trường Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark đã phối hợp với Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức từ ngày 4 -11/4. Trong tuần lễ này, 1.400 học sinh của trường đã được cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản để phòng chống xâm hại tình dục.
Ảnh: Thế Đại