Giao việc bếp núc cho 2 con, mẹ nhàn nhã thưởng trà và cái kết bất ngờ
Sau mỗi lần nấu ăn, các bé sẽ tự đúc kết cho mình nhiều kinh nghiệm hơn.
Dạy nấu ăn cho trẻ em là một cách khuyến khích con có thói quen ăn uống tốt, mang lại hiệu quả đối với sự phát triển tư duy của bé. Để dạy con nấu ăn, điều đầu tiên ba mẹ cần làm đó là giúp con có một tinh thần thoải mái, vui vẻ khi vào bếp. Đặc biệt phụ huynh cần truyền cảm hứng nấu ăn cho con. Bởi chỉ có yêu thích công việc bếp núc, bé mới có thể làm mọi việc một cách chỉn chu, hoàn hảo.
Mới đây, chị Nguyễn Tâm (sống tại Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện vui xen lẫn hài hước khi cho các con vào bếp nấu ăn. Các bé tự bảo nhau làm lần lượt các bước theo thứ tự và thành quả là 3 món: trứng kho thịt, canh rau bắp cải và đậu rán. Trông 2 em bé làm rất tâm huyết, chuyên nghiệp, còn việc của mẹ là ngồi nhàn nhã thưởng trà chờ đợi mà thôi.
Bữa cơm ngon nhất với mẹ là do con nấu!
Với người mẹ, có lẽ bữa cơm ngon nhất chính là do con tự tay nấu. Dù là món gì thì mẹ cũng cảm thấy hạnh phúc. Với chị Tâm cũng vậy, sau một hồi nhàn nhã thưởng trà, thi thoảng chụp vài kiểu ảnh thì bữa cơm tối cũng xong xuôi và cực kỳ ngon mắt.
Tuy nhiên, điều khiến bà mẹ trẻ buồn cười đó là các món ăn đều vơi đi một chút so với lúc đầu chuẩn bị. Đặc biệt là trứng kho thịt, rõ ràng là 10 quả mà không hiểu sao sau khi nấu chỉ còn 4 quả mà thôi. Chuyện hài hước lại đáng yêu này khiến hội mẹ bỉm thi nhau đồng tình "hoá ra nhà nào cũng như thế".
Hai anh em bảo ban nhau tự làm tất cả các đầu việc.
"Bạn lớn nhà mình năm nay học lớp 3. Theo mình nghĩ, bạn ấy làm việc nhà tầm tuổi này là muộn so với các bạn khác. Thường các mẹ dạy con bắt đầu làm việc nhà từ tầm 5, 6 tuổi. Nhà mình bạn lớn thể chất hơi yếu nên năm con học lớp 2 mình mới thỉnh thoảng cho con làm việc nhà kiểu nấu cơm, chiên trứng, quét nhà.
Trước khi cho con thực hành thật thì mình chỉ cho con đứng nhìn mẹ làm. Kiểu nắm rõ lý thuyết mới cho thực hành, tránh mẹ phải đi sau dọn hậu quả. Con cũng nhìn mẹ làm nhiều lần và mẹ cũng có nhắc nhở những lần đó việc gì là nguy hiểm rồi để khi con thực hành con để ý. Ví dụ bỏ đồ vào chảo dầu đang sôi thì phải nhẹ tay nhưng nhanh nhẹn, dứt khoát. Dùng dao thì phải cầm chắc, cắt đồ trên thớt. Như bữa ăn con nấu mình chỉ giúp con việc thái thịt. Nhà mình dùng bếp từ nên cũng không sợ bỏng lửa", chị Tâm chia sẻ.
Bữa cơm đủ món của 2 anh em.
Dạy con vào bếp từ sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của bé. Dạy con không phải để bản thân được nhàn hạ, sung sướng mà vì chính con sau này khi bước ra đời biết tự chăm sóc bản thân mình chu đáo, biết quan tâm và sống có trách nhiệm với tập thể. Thế nên, ngay từ nhỏ, con cần được học về kĩ năng sống ngay từ khi bắt đầu có nhận thức về thế giới xung quanh.
Đối với kĩ năng tự chăm sóc bản thân, các mẹ nên bắt đầu dạy con từ những kiến thức như rèn nếp tự ăn, tự ngủ, tự vệ sinh thân thể và đến hai tuổi là thời điểm vàng khi trẻ bắt đầu bộc lộ sự yêu ghét, thích khám phá những đồ vật trong nhà cũng như có khả năng cầm vững được đồ vật, chúng ta hoàn toàn có thể dạy con làm việc nhà đơn giản.
Vì các bé đang ở tuổi khám phá, dễ chán, dễ từ bỏ chứ không được kiên trì đến cùng như người lớn, đang làm cái này bé sẽ tò mò đòi sang cái khác. Thế nên người mẹ phải thật kiên nhẫn, thật bình tĩnh để giải thích cho con hiểu từng chút một. Khi dạy con làm việc gì đó, mẹ nên lặp lại mỗi việc nhỏ nhiều lần để tạo thành phản xạ cho bé.
Ngoài ra thì sự cổ vũ, khích lệ của mẹ rất quan trọng. Mỗi việc nhỏ con làm đều khiến mẹ rất vui, vỗ tay khen con, từ đó con sẽ thích thú, hào hứng hơn khi vào bếp. Các mẹ cũng nên đặt niềm tin vào con, để con tự do sáng tạo và quyết định trong hành động chứ không chỉ đơn thuần dạy con theo ý mình.