Gian nan dạy con "ngồi bô"

,
Chia sẻ

Bé Mốc (22 tháng tuổi) lần nào được mẹ huấn luyện ngồi bô cũng ưỡn người, quấy khóc. Sau đó thì bé nhất định chỉ đi vệ sinh khi được mẹ bế và ‘xi’.

Dùng mọi chiêu để dỗ dành, động viên nhưng suốt 2 tháng trời, bé Mốc cứ nhìn thấy cái bô là khóc ngằn ngặt.

Hiên (mẹ bé Mốc) chia sẻ: “Có khi cho ngồi bô, cháu không thể ‘đi’ được dù mặt đỏ tía tai. Càng ép con ngồi bô thì con càng khăng khăng không chịu ‘đi’. Cuối cùng, phải quay lại cách vẫn làm là bế con rồi ‘xi’”.

 


Khi bé Mốc được vài tháng tuổi, Hiên đã sắm một chiếc bô về, bế con và ‘xi’ mỗi lần con “buồn”. Sau này khi Hiên đi làm trở lại, bé Mốc ở nhà với cô giúp việc nên chuyện “đi tiêu – đi tiểu” của con không được mẹ giám sát chặt chẽ. Có lẽ thế nên bây giờ, việc dạy con tự ngồi bô gặp nhiều khó khăn. Nhiều lúc, bé Mốc mải chơi quá đến mức tè dầm và “ị đùn” ra quần khiến mẹ bực bội.

“Bây giờ muốn dạy con khi ‘buồn’ phải biết cách tìm bô mà khó quá. Có ngày cuối tuần nghỉ ở nhà với con nhưng tìm cách huấn luyện mà con nhất định không nghe” – Hiên cho biết.

Bé Tôm (20 tháng tuổi) tự ngồi bô ngoan được 1- 2 lần. Sau đó, mẹ bảo: “Con ngoan ngồi bô nào” là bé ưỡn ngực, gồng cứng người lên, vung vẩy chân tay, hất đổ cả cái bô. Mé bé Tôm kiên trì tập cho con ngồi bô lại thì có lúc thành công, có lúc thất bại. Nếu bé Tôm được mẹ đánh lạc hướng với những bài hát, chỉ con thạch sùng trên tường, cho bút vào bát nước khuấy lên, lắc cái hộp nhựa có đầy cúc áo… thì ngồi bô rất ngoan, còn hứng chí cười toe toét. Hôm sau, khi đã chán các trò vui của mẹ, bé Tôm tiếp tục quấy khóc, chống đối khi mẹ hướng dẫn tự ngồi bô.

Không khó nếu mẹ biết cách

Để dạy bé ngồi bô, giai đoạn chuẩn bị tâm lý cho bé là vô cùng quan trọng. Bé phải tự nhận thức được rằng, ngồi bô là việc làm bình thường (giống như đánh răng hay rửa tay) chứ không phải bị bố mẹ bắt ép. Nếu bị ép buộc, có khi bé sẽ phản ứng bằng cách “nhịn” luôn; từ đó, dẫn tới táo bón.

Các chuyên gia gợi ý, khoảng 18 tháng tuổi, cha mẹ có thể bắt đầu dạy cho con tự ngồi bô. Tuy nhiên, nếu cho con làm quen với bô trước, bằng cách bế và “xi” con với bô (thay vì để con “ị” ra bỉm hoặc ị nằm, trên một tập giấy vệ sinh) thì việc bé tự ngồi bô sẽ dễ dàng hơn.

Trước hết, cần chọn mua loại bô dành cho bé trai hay dành cho bé gái. Nếu bé trai phải “đi” trong một chiếc bô dành cho bé gái thì dễ có cảm giác không được thoải mái.

- Có thể đưa con sang nhà một người bạn của bé rồi cho bé học tập cách ngồi bô của các bé khác. Tâm lý chung của các bé là thích bắt chước nên khi về nhà, có khi bé sẽ đòi được ngồi bô cho giống bạn đó.

- Tập cho bé chơi với một chiếc bô mới bằng cách để nguyên quần áo và cho bé ngồi trên bô. Khi bé đã quen, thử cởi quần của bé rồi hướng dẫn bé ngồi bô khi muốn “đi”. Nếu bé quấy khóc thì phụ huynh tránh tâm lý bắt ép, gây căng thẳng cho con. Nếu đang “giải quyết” giữa chừng mà bé khóc lóc, có thể chuyển qua bế con và “xi” như bình thường. Nhiều người mẹ kiên trì luyện cho bé ngồi bô trong nhiều tháng liên tục thì mới thành công.

- Đặt bô ở gần (trong) nhà vệ sinh, mẹ có thể giả vờ ngồi bô rồi “dụ” bé: “Con có làm được như mẹ không?”. Các bé thường thích được hơn mẹ và được khen ngợi nên những biện pháp kích thích tinh thần “tranh tài” cho con dễ thành công.

- Lên lịch theo dõi xem con hay đi tiêu, đi tiểu vào khoảng thời gian nào để chuẩn bị động viên bé ngồi bô. Nếu mẹ đi vắng, cần giao việc này cho ông bà (hoặc người giúp việc) – người trực tiếp chăm sóc bé. Chuyện đi vệ sinh của bé cũng tương tự chuyện ăn – uống, tắm rửa hàng ngày. Nếu được duy trì vào một khung thời gian cố định thì sẽ tạo cho bé thói quen tốt; đồng thời, còn phòng tránh được táo bón cho con.

Theo Ngọc Bình

Mẹ và Bé


Chia sẻ