Gặp gỡ bà mẹ xinh đẹp tỉ mỉ soạn giáo áo cho giờ chơi của con
Nhìn vẻ ngoài trẻ trung, năng động, xinh đẹp của mẹ Phương Thảo, thật khó để tin rằng, chị lại là bà mẹ tỉ mỉ đến từng "mi-li-mét" trong việc nuôi dạy con.
Profile nhân vật: Mẹ: Nguyễn Thị Phương Thảo, 28 tuổi Nghề nghiệp: Phóng viên Con trai lớn: Đào Gia Bảo 4,5tuổi Con trai út: Đào Bảo Châu 2,5 tuổi |
Trẻ trung, xinh đẹp, nhìn Thảo ít ai nghĩ chị đã là mẹ của hai cậu con trai kháu khỉnh, tinh nghịch. Và thêm một điều khiến ai cũng ngỡ ngàng là người mẹ trẻ này rất “ham chơi” cùng con, những buổi tối, những lúc ở nhà với con luôn là quãng thời gian Thảo được “cháy” hết mình nguồn năng lượng dồi dào của một người mẹ trẻ. Không chỉ hứng thú với việc chơi với con, dành rất nhiều thời gian, tâm huyết tạo ra các trò chơi cho con mà người mẹ này còn “lôi kéo” các con “nghiện” các buổi vui chơi cùng mẹ. Với 3 mẹ con chị, chơi cũng là học mà học cũng là chơi.
Phương Thảo bên 2 con trai.
Lúc nào cũng thấy chị hì hục, hì hục… chơi với con? Có vẻ như chơi cùng con là việc khiến bạn hứng thú nhất mỗi ngày?
Mình đã và đang dành rất nhiều thời gian để lớn lên cùng các con, để các con biết rằng luôn có một người “bạn” cực kì thân thiết là mẹ đồng hành hành ngày, hàng giờ bên cạnh.
Mình muốn các con chơi có định hướng chứ không phải chơi tự do - vừa lãng phí não bộ, thời gian của con, vừa không có thói quen tốt. Bởi mình nghĩ đơn giản là nếu con chơi tự do quen rồi, đùng phát vào lớp 1 bắt con ngồi 1 lúc cả tiếng đồng hồ làm bài tập về nhà để mai trả bài cô thì đúng là "hành hạ" đứa trẻ!
Học cùng con, chơi cùng con... điều tưởng như đơn giản ấy nhưng không phải người mẹ nào cũng có điều kiện thực hiện, nhất là điều kiện về thời gian không cho phép. Chị đã sắp xếp thời gian để dạy con ở nhà như thế nào?
Sau thời gian nghỉ sinh mình đi làm lại, nhưng công việc quá bận rộn nên mình xin nghỉ. Mình nhận thấy phụ nữ nếu đi làm thì chăm con khó có thể tốt, hoặc ngược lại. Hoặc nếu bạn có làm tốt cả hai việc đó thì cũng không còn thời gian chăm sóc bản thân.
"Đồ nghề" học tập, vui chơi của 3 mẹ con.
Sau đó mình đã chọn một công việc phù hợp để có thể chơi với con, đó là làm giáo viên dạy giáo dục sớm ở Trung tâm. Công việc đi dạy đó gắn liền với công việc giáo dục sớm cho các con ở nhà nên mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ. Ngoài ra, nhờ khóa đào tạo giáo viên và kinh nghiệm đi dạy mà mình đã dạy dỗ các con ở nhà bài bản hơn.
Hiện tại hai bạn nhà mình đã đi học, mình đang bắt đầu lại với công việc cũ nhưng nhận ít việc hơn để không ảnh hưởng đến thời gian chơi với con.
Có phải sau khi sinh, chị mới biết đến giáo dục sớm?
Hồi có bầu bé thứ 2, mình hay lang thang các hiệu sách tìm hiểu tài liệu về thai giáo cho con và vô tình biết được rất nhiều sách hay về giáo dục sớm.
Sau đó, mình tìm hiểu thông tin trên mạng, tham gia các buổi hội thảo và khóa học về giáo dục sớm. Mình tìm hiểu rất lâu sau đó mới dám áp dụng cho con.
Lý do gì khiến chị quyết định áp dụng giáo dục sớm cho 2 con và áp dụng vào các thời điểm nào của con?
Ban đầu mình áp dụng giáo dục sớm cho con hoàn toàn vì mục đích kích thích não cho 2 bạn trong giai đoạn vàng. Sau đó mình nhận ra, mình dành thời gian cho con, cả con và mẹ đều rất vui và hạnh phúc.
Bạn Gia Bảo thì 2 tuổi mình mới biết đến giáo dục sớm nên áp dụng hơi muộn, còn bé Bảo Châu, mình áp dụng từ thai giáo.
Hai anh em chơi mà học, học mà chơi.
Gia Bảo ra dáng anh trai đưa em đi học.
Trong nhà chị lưu trữ cả một “kho tàng” các trò chơi, tài liệu học tập, rèn luyện cho con có lẽ cả chơi và học chán cũng không hết. Và hình như chị còn soạn cả giáo án để dạy con theo từng tuần, từng tháng. Chị đã thực hiện công việc này cụ thể ra sao?
Ban đầu khi dạy con, do chưa có kinh nghiệm nên mình thường soạn giáo án cứng nhắc mỗi hoạt động một chút. Các con chơi lan man mà không có mục đích gì cả. Dần dần, mình có kinh nghiệm hơn và biết cách cân bằng các trò chơi cho con. Với một buổi chơi của con, mình soạn giáo án bao gồm các hoạt động cân bằng não trái và não phải. Ngoài ra, con thích thú hoạt động gì mình sẽ đưa vào “giáo án” nhiều hơn. Bởi khi con thích thú hoạt động đó, có thể bạn ấy đang trong thời gian nhạy cảm với lĩnh vực đó. Dạy con trong khoảng thời gian nhạy cảm đó con sẽ tiếp thu rất nhanh và hiệu quả.
Gia Bảo hiện đã 4,5 tuổi, giai đoạn này bé đặc biệt nhạy cảm với toán nên mình tập trung “soạn giáo án” toán trong Montesori và cả bàn tính. Ngoài ra, khoa học cũng là lĩnh vực bé đang yêu thích, tò mò. Hôm học về trái đất mình chỉ vô tình đưa mặt trời vào câu chuyện mà bạn đã hiểu được bản chất ngày và đêm là thế nào? Trước đó vài tháng mình đã soạn giáo án về lĩnh vực khoa học ngày và đêm này nhưng bé đã không hề để ý. Lúc đó mình cất đi và tìm một thời điểm phù hợp hơn để dạy con.
Còn Bảo Châu, hiện bé 2,5 tuổi thì sở thích mọi thứ không rõ ràng như anh trai nên bé yếu lĩnh vực gì sẽ tăng cường các bài học và chơi vào lĩnh vực đó. Thời gian gần đây, cô giáo nhắc bé xúc ăn trên lớp kém, nên về nhà mình tăng cường tập cho con các lĩnh vực vận động tinh nhiều như xỏ vòng, cắt kéo, xúc hạt, rót nước…
Gia Bảo học về đất, nước và không khí.
Sau một thời gian khá dài chăm chỉ học và chơi cùng các con, chị thấy các bé nhà mình có gì nổi bật hơn so với các bạn cùng trang lứa?
So sánh các em bé với nhau thì rất khó bởi mỗi bé sẽ nổi trội một lĩnh vực không giống nhau. Ví dụ, một bạn hàng xóm cùng tuổi với bé nhà mình không hề theo phương pháp giáo dục sớm, nhưng bạn rất khéo tay, gấp và cắt tạo hình đẹp hơn bé nhà mình rất nhiều.
Nhưng với tư cách là một người mẹ, mình có thể cảm nhận con mình tiến bộ thế nào. Đó là khả năng tập trung, độc lập trong suy nghĩ và giao tiếp xã hội của con khá ổn.
Mình nhớ ngày bắt đầu thực hiện giáo dục sớm với con, Gia Bảo chỉ ngồi vào bàn được 5 phút là phải xen kẽ các trò vận động. Mình phải cho bé chạy đuổi quanh nhà đến khi mệt bở hơi tai, hết năng lượng để chạy mới tiếp tục ngồi thêm được 5 phút nữa. Cứ thế, dần dần bé đã tập trung được lâu hơn và đặc biệt là không bị chán học.
Bé học xem giờ.
Nhiều người quan niệm bắt con học sớm là “hại” con. Người thân, những người lớn tuổi, đặc biệt là chồng chị có phản ứng thế nào khi bạn quyết định thực hành giáo dục sớm cho con?
Với các bé nhà mình, học là chơi, chơi là học nên bé rất hào hứng khi vừa học, vừa chơi cùng mẹ. Mọi người trong gia đình đều ủng hộ cách nuôi dạy con của mình. Chồng mình từ một người không hiểu gì về giáo dục sớm, nhưng anh cảm nhận được con rất vui vẻ, hạnh phúc, thậm chí “nghiện” các buổi tối được chơi với mẹ nên cũng hết lòng cổ vũ mình.
Có nhiều mẹ than phiền giáo dục sớm tốn kém lắm, tốn kém cả tiền bạc, cả thời gian, cả công sức, chị nghĩ sao về điều này?
Cái này mình thì công nhận. Các mẹ theo giáo dục sớm ngoài việc tìm tài liệu cho con, còn phải “đau đầu” làm thế nào có thể tạo ra trò chơi tiết kiệm chi phí nhất.
Mình chơi với một vài mẹ có con cùng tuổi với các bạn nhà mình nên thường mua chung học liệu, rồi quay vòng cho các con dùng dần. Hoặc thay vì đặt đồ chơi, giáo cụ ở nước ngoài các mẹ tự nghĩ ra tìm xưởng đặt gia công ở Việt Nam, hoặc chính tay mẹ làm đồ chơi từ dụng cụ tái chế. Các mẹ thường gọi vui là “các mẹ đồng nát”, bởi nhìn đồ gì bỏ đi cũng nghĩ ra sẽ sáng tạo ra đồ chơi gì cho con. Có trò mẹ phải cặm cụi làm cả tiếng nhưng con chỉ ngó qua không thèm động tay, nhưng có trò con say mê từ hôm này qua hôm khác. Nhìn những lúc các con như vậy, bao nhiêu công sức, mệt mỏi mẹ đều có thể cố gắng.
Gia bảo học light box, tranh cát, playdoh, hệ mặt trời
Mình biết rất nhiều mẹ công việc vô cùng bận rộn nên việc sắp xếp thời gian học và chơi cùng con cũng vất vả hơn. Nhưng vì tình yêu con, các mẹ đều biến thành “các bà mẹ siêu nhân hết”. Buổi trưa ở cơ quan, các mẹ sẽ tranh thủ in ấn tài liệu, đọc sách bổ sung kiến thức; tối đi làm về sau khi dọn dẹp nhà cửa, các mẹ dành thời gian chơi với con; lúc con đi ngủ lại tiếp tục soạn giáo án và làm tài liệu để tối hôm sau con có thể chơi. Nói chung, làm mẹ đã bận 10, thì làm mẹ theo giáo dục sớm sẽ bận và phải cố gắng kiên trì gấp nhiều lần hơn nữa.
Theo đuổi cách nuôi dạy con này, chị mong muốn con mình sẽ trở thành người như thế nào?
Mình mong con là một người hạnh phúc và yêu thích việc học.
Ngoài việc từ 1-6 tuổi là “thời kỳ vàng” để trẻ tiếp thu kiến thức thì việc trẻ học như thế nào trong giai đoạn này cũng rất quan trọng, bởi nó sẽ được “ghi” vào tiềm thức của con.
Khi con bước vào lớp 1, con sẽ phải cùng lúc đối mặt với quá nhiều kiến thức, áp lực bài vở, thậm chí con có thể “sock”, sợ việc học vì chơi quen rồi. Nên mình cho con tiếp xúc sớm với kiến thức một cách tự nhiên thông qua các trò chơi, kích thích niềm yêu thích học hành, khả năng tìm tòi, khám phá của con. Để sau này con có học lớp 1, hay học cao hơn nữa cũng dễ dàng thích nghi được.
Một buổi vui chơi của hai anh em Gia Bảo - Bảo Châu.
Chị có lời khuyên gì cho các mẹ muốn theo đuổi phương pháp giáo dục sớm cho con?
Các mẹ không nên nghĩ giáo dục sớm là cái gì quá to tát. Chỉ dần dành thời gian chơi với con thì con đã học được rất nhiều thứ rồi. Ví dụ như mẹ chỉ cần vừa đi dạo bộ với con, vừa tha thẩn đọc một bài thơ, bạn sẽ thấy bé thuộc rất nhanh. Như vậy bé đã học thuộc xong một thơ, giúp tăng khả năng ngôn ngữ cho bé. Điều giản dị vậy thôi đã là giáo dục sớm rồi.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện vô cùng ý nghĩa!