Gặp bà mẹ từng gây sốt với tâm thư “Tôi nuôi con sai rồi, cứu mẹ con tôi với!”

Hạnh Nguyên,
Chia sẻ

Cách đây 4 năm, chị Thu Hà – một bà mẹ 2 con ở Sài Gòn – tuyệt vọng với việc nuôi con còi đến mức kêu cứu trên một diễn đàn phụ nữ: “Tôi nuôi con sai rồi, cứu mẹ con tôi với”. Điều thú vị là cho đến tận bây giờ, lời kêu cứu này vẫn được ngàn lượt chia sẻ của các bà mẹ khác cùng cảnh ngộ.

Profile nhân vật:

Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM.

Chị là mẹ của hai cô con gái vô cùng đáng yêu và cá tính. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.

Là người từng gây "bão" trên các diễn đàn nuôi dạy con với tâm thư "Tôi nuôi con sai rồi. Cứu mẹ con tôi với!", hiện nay chị cũng là người truyền cảm hứng nuôi dạy con tới rất nhiều bậc cha mẹ qua những bài viết thấm thía và chân thực được viết ra từ những kinh nghiệm nuôi dạy con xương máu của mình mà chị vẫn chia sẻ trên facebook cá nhân.


1. Các mẹ hãy quẳng cái cân đi mà vui sống!

Có vẻ như topic về nỗi lòng nuôi con còi cách đây chục năm của chị vẫn hot, vẫn thời sự khi cách đây ít ngày, hàng trăm, hàng ngàn lượt phụ huynh vẫn share và bình luận ầm ầm trên facebook. Chị nghĩ sao về điều này? Những tâm sự phổ biến mà chị nhận được từ các bà mẹ nuôi con nhỏ là gì? 

- Con tôi mới sinh được 3,1kg, mà 9 tháng nặng 5,9kg! Tôi cho bé đi rất nhiều bác sỹ dinh dưỡng nhưng 1 tuổi cũng chỉ được 7,2kg, suy dinh dưỡng kênh B, bị trào ngược dạ dày thực quản. Bé ăn thì nhỏ giọt, mà ói cứ như máy bơm, mỗi ngày ói từ 8 tới 15 lần. Tất nhiên là kèm theo khó ngủ, khó tính, dễ bệnh.

Con khó ăn căng thẳng 1 thì những bình luận, góp ý, can thiệp từ bên người xung quanh làm tôi căng thẳng 10: “Sao chị để bé còi vậy?”, “Sao chị không tới khám ở chỗ abc?”, “Sao chị không làm xyz cho nó?”,“Mẹ ăn hết phần con à?” “Làm mẹ mà có mỗi việc nuôi con cũng không làm được”, “Nhìn nhà A kìa, con họ 1 tuổi mà 15 ký". Một bác sỹ ở Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM còn nói tôi: “Chị nuôi con hay giết con vậy?”

Sợ lắm, ai cũng cho mình cái quyền xắn quần lội vào nhà người khác để bình luận, đánh giá, so sánh rồi khuyên nhủ, như chuyên gia ấy.

Đến nay, tình hình đứa con mà chị từng “kêu cứu” đấy ra sao? 

- Bé suy dinh dưỡng kênh B, thấp còi, giờ 10 tuổi đạt sức khỏe hạng A trong một lớp hơn nửa bị dư cân và béo phì! Bé nhảy cao, nhảy xa, chạy nhanh rất tốt, và được chọn vào đội tuyển Điền kinh của Quận! Viêc học hành của bé, tôi chưa phải nhắc nhở câu nào!

Tất nhiên là tới lúc này, đi ra ngoài đi chơi, gặp người lạ, họ vẫn hay chê "Gầy quá, không chịu ăn phải không?” “Coi chừng con em lớn vượt chị rồi kìa....".

Nhưng khi biết con bé gầy gầy đó tự nấu cơm, nấu thức ăn, tự rửa chén, tự học, tự dạy em học, ham đọc sách, ham suy nghĩ... thì nhiều người lại ghen tỵ: "Giá mà con tôi cũng được như nó!".

Từ kinh nghiệm cá nhân, theo chị, các bà mẹ nên làm gì để việc ăn uống của con là quyền lợi, là niềm vui, là hạnh phúc, thay vì đầy nước mắt và dọa dẫm?

- Nếu bạn được mời tới một bữa tiệc mâm cao cỗ đầy, nhưng bạn bị xét nét, bị dọa dẫm, bị chỉ đạo... thì nuốt cũng chả vào. Cứ làm những món ăn ngon và lành, nhưng nên trình bày vui vui, khi con còn nhỏ thì cho ăn bốc, vừa ăn vừa trét cũng được, lớn lên thì cho tham gia đóng góp ý kiến và công sức vào việc đi chợ, nấu nướng.

Ba mẹ chỉ quyết định cho con ăn cái gì và ăn khi nào, còn con sẽ quyết định việc mình ăn bao nhiêu. Tóm lại, hãy quẳng cái cân đi mà vui sống.  

Làm mẹ không phải là một cuộc chạy đua thành tích

Nhìn các bà mẹ xung quanh chúng ta, đôi khi tôi cảm tưởng việc ăn uống như là “trung tâm vũ trụ” và đời sống các em bé, bà mẹ, thậm chí ông bà, giúp việc cũng xoay như chong chóng xung quanh nó. Có phải nhiều bà mẹ đã quá chú tâm đến việc ăn mà bỏ lỡ nhiều thứ quan trọng khác trong đời sống đứa trẻ (và cả đời sống chúng ta) nữa? Chị nghĩ sao về điều này?


- Có lẽ vì chúng ta quá ám ảnh về mặc cảm thấp còi. Rồi các hãng sữa, các hãng dược phẩm lại lợi dụng điều đó, đổ ra quá nhiều tiền để phủ sóng khắp nơi về những hình ảnh các em bé bụ bẫm.

Khi con còn nhỏ thì ăn uống là trung tâm vũ trụ. Rồi tới tuổi đi học thì điểm số, thứ hạng là trung tâm vũ trụ, lại lao vào học toán, tiếng Anh, viết đẹp. Lớn lên thì đậu đại học gì là trung tâm vũ trụ. Lại cuộc chiến trường top hay trường thường. Rồi khi đi làm thì tiền lương bao nhiêu lại là trung tâm vũ trụ!!!

Sau khi ráng ép cho con tăng lên ít ký để khỏi bị chê, thì chúng ta lại sẽ bị cuốn vào cuộc đua khác. Hàng xóm, mẹ chồng, họ hàng không bao giờ ngừng so sánh bàn luận về chúng ta đâu.

Chỉ có một cách là dũng cảm đứng hẳn ra ngoài dòng chảy thi đua đó. Nuôi con chỉ nên nhìn vào con mình. Nhìn người khác làm gì cho tốn thời gian và thêm stress!

Thực ra, các bà mẹ sẽ không thiên lệch về ăn uống đến thế, không khổ sở hành hạ con mình đến thế nếu không có áp lực, định kiến từ xã hội, theo kiểu “con còi thì mẹ kém”, “béo khỏe mới là tốt”… Là một bà mẹ và một nhà báo, theo chị, có những định kiến, quan điểm sai lầm nào của những người xung quanh khiến việc nuôi con của các bà mẹ thêm mồ hôi và nước mắt?

- Nếu con của bạn dưới 5 tuổi, câu hỏi phổ thông nhất sẽ là “Bao nhiêu ký?”. Người Việt mình toàn nói "béo khỏe", "to khỏe", chứ ai mà nói "gầy khỏe" và "còi khỏe" bao giờ. Không may mà con bạn không bụ bẫm, bạn sẽ bị lương tâm xét xử. Mẹ chồng hoặc công khai chì chiết hoặc len lén thở dài. Thậm chí vợ chồng cãi nhau!

Ai chẳng muốn con có tương lai sáng lạn, nhưng chúng ta cần bình tĩnh hơn. Sự khỏe mạnh về tinh thần, về trí tuệ, về nhân cách, quan trọng hơn chỉ số chiều cao, cân nặng! Có lần tôi đã cãi lại: "Tôi nuôi con chứ có phải nuôi heo đâu!"

Đừng ép trẻ ăn bằng roi, bằng la mắng, khi đó là bé đang ăn cháo cùng cortisol, một loại 'hooc môn stress' làm trẻ kém tăng trưởng, vôi hóa khớp, trầm cảm, hung dữ, bạo lực.... Cũng đừng ép trẻ ăn bằng quà thưởng "ăn xong cháo sẽ cho xem TV", đừng ép bằng đua tranh "ăn thi với bạn A", đừng ép bằng cá cược "con ăn hết mới là yêu mẹ"... Ép con ăn (giả sử là ép thành công) thì con của bạn có thể tăng nhanh lên 1kg, 2kg. Nhưng lỡ bé trở nên xấu tính, khó chịu, học hành kém tập trung thì bạn có thích không?

Tôi rất giận khi các em bé bị "áp" cứng nhắc vào các chuẩn cân nặng và chiều cao, làm các bà mẹ trẻ bấn loạn. Đánh giá một em bé, có hàng trăm đề mục, có ngôn ngữ, có chạy nhảy, có nhận thức xã hội… chứ không phải chỉ là một cái cân!

Tôi nhìn xung quanh tôi ngay cơ quan, người ngồi bên trái nặng hơn tôi 15kg, bạn ngồi bên phải nhẹ hơn tôi 12kg. Cả ba chúng tôi đều làm việc tốt, đều sống bình thường, cớ sao con tôi chỉ kém bạn bè có 2kg mà phải "xoắn" chứ!

Bà mẹ nuôi con còi 3
Theo chị Thu Hà, làm mẹ - hãy luôn thật toe toét, bởi nụ cười của mẹ chính là nguồn năng lượng tuyệt vời của con.

Thế việc nuôi dạy các cô con gái thì sao? Tôi thấy chị có hai cô con gái và chúng cãi mẹ nhem nhẻm. Những người khác thường bình luận gì về việc đó? Tại sao chị lại để con mình đối đáp với mẹ ghê gớm như vậy? 

- Ngày nhỏ tôi không được cãi bố tôi câu nào! Bố tôi mắng tôi hàng tiếng đồng hồ, và tôi thì ngồi im lặng lắng nghe trong hàng tiếng đồng hồ đó. Nhìn ngoài thì thấy tôi là một đứa con ngoan, nhưng chỉ có tôi mới hiểu, cái ức chế của việc không được cãi nó khủng khiếp lắm.

Ở nhà trường thì lúc nào cũng phải "kỷ luật, trật tự", đâu có cho cãi. Thầy cô thì luôn luôn đúng, thầy cô ra luật, rồi thực thi luật. Học sinh không cãi là học sinh ngoan!

Tôi sẽ bù cho con mình những gì nhà trường không dạy. Con tôi phải có một chỗ để xả-xú-páp. Nơi xả-xú-páp an toàn nhất có lẽ là với mẹ. 

Tôi nghĩ cãi người lớn không xấu, chỉ cần đúng chỗ là được. Ví dụ con tôi không bao giờ cãi nhem nhẻm với bác giúp việc.

Trên Facebook chị viết rất đơn giản: Mình muốn Xu Sim vui vẻ, vậy thì nhiệm vụ đầu tiên là mẹ phải thật là toe toét! Chị có thể chia sẻ bí quyết để luôn toe toét của một bà mẹ hai con – một nhà báo bận rộn ko?

- Phải học đấy!

Tôi không may mắn được là người toe toét bẩm sinh. Tôi cho con ăn, nuôi con, chuyển trường, đưa đón con, dạy con... cái gì cũng trầy trật hơn bình thường, vì tôi không có giỏi giang gì đặc biệt.

Nhưng bạn không thể cho ai cái mà bạn không có. Thế nên tôi phải học vui vẻ. Học đàng hoàng ấy, tức là bỏ tiền đóng học phí, bỏ thời gian ra cắp sách vở đi học và làm bài tập đầy đủ ấy. Rồi học lỏm từ những người vui vẻ nữa. Tôi học yoga, học thiền, học tư duy tích cực...

Tôi một mình nuôi 2 con, không có người thân bên cạnh, nên ngoài giờ con học là đi đâu tôi cũng tha con theo. Khi đi làm việc, đi họp, đi công tác... rồi đi chợ, đi spa tôi cũng dắt con theo. Làm điệu, dưỡng da, đắp mặt nạ, tôi toàn làm trước mặt con. Tôi muốn con tôi nhìn thấy mẹ chiến đấu chống lại sự bất hạnh thế nào, yêu thương và chăm sóc bản thân thế nào. Con gái mà, phải hạnh phúc!

 Cảm ơn những chia sẻ tận đáy lòng của chị và chúc cả nhà luôn toe toét!
Chia sẻ