Với những bậc làm cha làm mẹ này thì quan điểm: “Con tôi có tài, tôi phải thúc cho tài năng đó lộ ra ngoài” luôn là trên hết.
1001 lý do muốn con thành tài
Muốn con hơn hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa khác, muốn con nổi trội trong lớp học, muốn con nổi tiếng, hay bố mẹ muốn khoe con… đó chỉ là một vài trong số vô vàn lý do mà các bậc phụ huynh dựa vào để muốn tâng bốc và ép uổng con mình.
Chị Lý (Quảng Ninh) có cô con gái năm nay 3 tuổi. Ngay từ khi còn nhỏ, thấy con có xu hướng rất thích nghe nhạc và có vẻ ê a theo bài hát, chị Lý cho rằng con có năng khiếu ca hát và sau này có thể sẽ trở thành ca sĩ nổi tiếng. Thế là, ngay từ khi còn nằm ngửa, cả nhà chị Lý đã tích cực cho con nghe nhạc, đặc biệt là nhạc của bé Xuân Mai với hi vọng sau này con gái 3 tuổi đã có thể hát và biểu diễn như bé Xuân Mai. Chưa đến 2 tuổi, chị Lý đã cho con đi lớp mẫu giáo và ra sức xin cô giáo cho con vào đội văn nghệ của trường cho dù cô giáo nói con chị còn khá nhỏ. Con lên 3, chị cho con đi học lớp thanh nhạc mặc cho con nói còn ngọng chứ chưa kể đến hát.
Hay như một chị Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) lại có mơ ước con mình sau này giỏi tiếng nước ngoài như người bản xứ. Ngay từ khi con còn nằm nôi, chị Minh đã mua rất nhiều đĩa tiếng Anh để bật cho con nghe. Khi con đi mẫu giáo, vợ chồng chị “nhịn ăn nhịn mặc” để cho con vào trường mầm non quốc tế. Thậm chí, vợ chồng chị còn thuê cả giáo viên về dạy tiếng Anh cho con. Mới 3 tuổi mà lịch học của con gái chị đã kín đặc (thứ 2, thứ 4, thứ 6 học tiếng Anh ở nhà, thứ 3, thứ 5, thứ 7 đến trung tâm học tiếng Anh. Chủ nhật được mẹ đưa ra công viên để ‘thực hành’ nói chuyện với khách du lịch là người nước ngoài).
Không thành tài, lại thành… tật
Nếu như chỉ nói đến chuyện ép con học hành để đạt điểm số cao thì đã quá là… xưa như trái đất. Bởi ngày nay, để con thành tài, các bậc cha mẹ “dấm chín” con ngay từ khi còn nằm trong nôi. Nhưng không phải cứ “dấm” từ trong nôi là sẽ “chín’ và “chín” đúng cách.
Con gái chị Lý (Quảng Ninh), vì mẹ muốn con thành ca sĩ mà suốt ngày cho con xem đĩa ca nhạc, thậm chí xem từ lúc còn ẵm ngửa. Hậu quả là, ngoài giờ đi lớp và giờ đi học thanh nhạc, cứ về đến nhà là con chị Lý lại đòi xem đĩa ca nhạc. Con bé có thể xem hàng giờ đồng hồ mà không chán, kể cả lúc ăn và đĩa Xuân Mai là đĩa ưa thích của con. Ban đầu, chị Lý còn rất lấy làm tự hào về niềm đam mê ca nhạc của con, nhưng sau đó chị phát hiện mắt của con gái có chiều hướng không tốt, có khi đưa một vật rất gần mà con bé vẫn tỉnh bơ. Hoảng quá, chị đưa con đi khám thì phát hiện thị lực của con bị yếu đi rất nhiều do xem tivi quá nhiều, tai của bé cũng nghe kém hơn các bạn. Ngoài ra, ngôn ngữ của con bé phát triển cũng chậm hơn các bạn rất nhiều. Con bé chỉ có thể hát được nhiều hơn các bạn chứ không nói năng được lưu loát như một đứa trẻ lên 3 có thể nói.
Hay như con gái chị Minh (Thanh Xuân, Hà Nội), do học tiếng Anh cả ngày, cả tuần, tất cả các tiếp xúc của con đều được bố mẹ dùng tiếng Anh để thể hiện (khi nói chuyện với bố mẹ) thế nên con bé cũng khá “giỏi” tiếng Anh như bố mẹ mong muốn. Nhưng thay vào đó, vốn ngôn ngữ tiếng Việt của bé rất bị hạn chế. Nhiều lúc muốn biểu thị cái này, cái kia nhưng bé không biết nói thế nào bằng tiếng Việt và đành phải dùng tiếng Anh. Những lúc như vậy, vợ chồng chị Minh lại nghĩ con mình giỏi, như thế mới hay… nhưng người ngoài nhìn vào lại thấy như thế là… khuyết tật về mặt ngôn ngữ. Và với một đứa trẻ mới học nói thôi mà đã vậy thì rất có thể sau này đi học, con bé sẽ gặp khó khăn rất nhiều trong việc hiểu và nói chuyện với cô giáo, bạn bè và mọi người, nhất là những người không có thói quen dùng tiếng Anh.
Bồi dưỡng tài năng cho con là tốt, nhưng đừng ép con thái quá để rồi dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Trẻ em ngoài sự giáo dưỡng của cha mẹ cũng cần được phát triển theo đúng lứa tuổi, đừng vì những mong mỏi của mình mà cha mẹ làm mất đi những tháng năm tuổi thơ được vô tư của con.