Em trai ôm điện thoại cả khi ăn khi ngủ, cô chị cao tay dùng mẹo trị ngay chỉ trong 1 nốt nhạc
Cậu bé nghiện điện thoại smartphone hơn 1 năm đã được chị gái “cai nghiện” thành công bằng cách cực kỳ đơn giản.
Mới đây, dân tình đặc biệt là các ông bố, bà mẹ phải ngã mủ thán phục câu chuyện của một cô chị Ngọc Huyền, ở Hà Nội giúp em cai nghiện điện thoại.
Chị Huyền chia sẻ, ở nhà bé Minh Thắng (4,5 tuổi) được bố mẹ chiều cho xem điện thoại nên từ năm 3 tuổi đến nay nên bé khá mê mẩn món "đồ chơi" này.
"Bé cứ đi học về đến nhà là xem điện thoại, nằm chơi xem và khi ăn cũng xem. Thậm chí, thỉnh thoảng trước khi đi ngủ Thắng cũng đòi xem. Mình sợ em dùng điện thoại nhiều hỏng mắt và lười giao tiếp với mọi người nên đã học ngay bí quyết ở trên mạng và thử áp dụng cho bé", chị Huyền bật mí.
Cách thức chị Huyền "cai nghiện" điện thoại với em trai như sau:
- Đợi trưa bé ngủ, dùng phấn mắt bôi lên xung quanh mắt bé.
- Khi bé thức dậy để em chơi bình thường. Một lúc sau bế ra soi gương để bé thấy mắt mình có những quầng đen và tím.
- Lúc này, người lớn sẽ nói nguyên nhân là do bé dùng điện thoại. Bé sợ hãi đòi đi rửa thì người lớn giúp bé nhưng chú ý rửa vẫn để lại 1 chút phấn đủ thâm tím trên mặt để bé biết không rửa sạch được.
- Khi đó, những thành viên khác của gia đình nên hỏi han bé có phải bị ngã hay không mà mặt nhiều vết bầm tím như vậy thì bé sẽ càng lo lắng, từ đó không dám dùng điện thoại nữa.
Sau khi thực hiện mẹo này, chị Huyền khoe, bé đã bỏ ngay thói quen xấu là chơi điện thoại.
"Thay vào đó, Thắng chơi đồ chơi, cầu xúc và thỉnh thoảng được mình cho xem ti vi", chị Huyền hào hứng.
Thực ra cách cai nghiện điện thoại này không có gì mới. Cách đây không lâu, trên mạng xã hội Thái Lan đã lan truyền cách cai nghiện điện thoại của một bà mẹ Thái với phương pháp tương tự.
Bà mẹ người Thái cho biết con gái mình rất thích chơi điện thoại và chị đã nói với con rằng dùng điện thoại nhiều sẽ bị thâm mắt nhưng cô bé không tin. Vì vậy mà nhân lúc con ngủ, chị đã vẽ quầng thâm vào mắt con và khi tỉnh dậy, bé gái đã hoảng hốt sợ hãi, khóc lóc không ngừng. Sau khi phương pháp này lan truyền trên mạng xã hội, nhiều bố mẹ đã áp dụng theo và phản hồi nó mang lại hiệu quả thực sự.
Ảnh: NVCC